Công nhân chuyển nghề dạy học
Tôi cho rằng sự công nhận của học sinh và phụ huynh chính là thành quả lớn nhất của giáo viên. Với vợ chồng tôi, khi học sinh tìm đến mình, dù đang học hay đã tốt nghiệp ra trường nhiều năm, chính là niềm vui, hạnh phúc lớn lao. Đó cũng là động lực để chúng tôi giữ được tâm huyết với nghề, với trò suốt nhiều năm qua và cả sau này. - Thầy Nguyễn Ngọc Nam
“Khi tôi bắt đầu ôn thi vào sư phạm, nhiều bạn bè trong lớp cấp 3 đã tốt nghiệp, ra trường và đi dạy học rồi”, thầy Nguyễn Ngọc Nam (sinh năm 1974) -Trường THCS Tôn Quang Phiệt, huyện Thanh Chương nhớ lại “bước ngoặt” đặt chân vào nghề giáo của mình.
|
Vợ chồng thầy Nam, cô Hoa luôn hỗ trợ nhau trong chuyên môn cũng như công tác chủ nhiệm. |
Cách đây hơn 20 năm, tốt nghiệp cấp 3, cậu học trò nông thôn vùng ven sông Lam thi vào Trường Trung cấp Giao thông vận tải miền Trung rồi đi làm công nhân lái máy. Theo lời thầy Nam kể lại, ngày ấy dù đã học THPT nhưng chưa được định hướng nghề nghiệp. Vì thế, dù học lực khá và thiên về khối tự nhiên, nhưng Nam không thử sức thi đại học mà đi học nghề để sớm có thu nhập. Công việc lái máy cho Nam khoản lương khá ổn định, không phải phụ thuộc gia đình.
“Sau những năm tháng miệt mài nơi công trường từ Nghệ An đến các tỉnh phía Bắc, tôi tự hỏi công việc này có phù hợp và tương lai liệu có phát triển bản thân được hay không. Vậy là tôi nghĩ đến việc chuyển nghề và ôn thi vào sư phạm”, thầy Nam nhớ lại.
Nói về lựa chọn sư phạm, thầy Nam cho hay, khi còn học phổ thông từng nghĩ đến mà chưa dám thực hiện. Điều thú vị là dù trước đó năng lực thiên về Toán – Lý – Hóa, nhưng khi quyết định ôn thi đại học, thầy Nam lại chọn khối C, vì yêu thích đọc sách và đam mê văn chương. Vậy là gần 30 tuổi và sau 7 năm lái máy, anh trở thành “cựu công nhân”, về quê xin học ghép với khối 12 của trường THPT để ôn thi đại học. Trường cũ của Nam là THPT Thanh Chương 1, nhưng do “ngại gặp lại bạn bè giờ đã tốt nghiệp về làm giáo viên tại đây”, nên Nam xin vào Trường THPT Thanh Chương 3 cách nhà hơn 20km.
Kiến thức cũ đã quên gần hết, nhưng với quyết tâm, chăm chỉ, kỳ thi năm đó, Nguyễn Ngọc Nam đã trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Huế, khoa Ngữ văn. Những năm tháng đại học, anh là sinh viên lớn tuổi nhất lớp.
Thầy Nam và cô Hoa là cặp vợ chồng duy nhất của Nghệ An đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi tỉnh cấp THCS năm 2022. |
“Khi vào trường tôi đã sốc khi trong lớp đại học có nhiều bạn rất giỏi, từng đoạt giải quốc gia, giải tỉnh, tham gia viết bài đăng báo. Về kỹ năng viết lách, tôi không bằng các bạn. “Lợi thế” duy nhất có lẽ là những trải nghiệm trong thời gian đi làm khiến tôi có kiến thức xã hội phong phú hơn các “bạn” mới rời trường phổ thông. Tôi chỉ biết bù đắp những thiếu hụt của mình bằng cách học hỏi, say mê và cố gắng”, thầy Nam chia sẻ.
Tinh thần cầu thị và không ngừng tự nâng cao năng lực bản thân được Nguyễn Ngọc Nam duy trì suốt thời gian học đại học, ra trường đi dạy cho đến nay. Sau thời gian công tác tại Trường THCS Thanh An, nhận thấy năng lực công tác tốt, ngành Giáo dục huyện Thanh Chương đã điều chuyển thầy Nam về dạy Ngữ văn ở Trường THCS Tôn Quang Phiệt – trường điểm của huyện.
Ngoài dạy học thầy Nam còn là giáo viên chủ nhiệm tận tụy, tâm huyết với trò. |
Có duyên với công tác Giáo viên chủ nhiệm
Cô Nguyễn Thị Như Hoa, kém thầy Nam 6 tuổi nhưng dạy học sớm hơn chồng mình 1 năm. Hai người gặp nhau khi cùng công tác tại Trường THCS Thanh An (huyện Thanh Chương). Quá trình công tác, cô Hoa từ nể phục người dám từ bỏ và bắt đầu muộn với nghề giáo đến đồng cảm, đồng điệu về nỗ lực trau dồi, quan điểm dạy học và 2 người đã kết duyên vợ chồng.
Sau này, thầy Nam chuyển về trường chuyên (Trường THCS Tôn Quang Phiệt) nên 2 vợ chồng lại càng có thêm nhiều kinh nghiệm để chia sẻ, hỗ trợ nhau trong công việc. Tại Trường THCS Thanh An, cô Như Hoa là Tổ trưởng Tổ chuyên môn Ngữ văn, Trưởng ban Nữ công của trường.
Đối với thầy Nam khi về trường chuyên của huyện có những áp lực nhất định, nhưng lại là cơ hội để tự làm mới mình: “Trường chuyên của huyện nên học sinh vào đây đã được chọn lọc, nhiều em có năng lực, thậm chí giỏi hơn thầy. Đồng nghiệp cũng là những người có năng lực chuyên môn cao trong nghề. Vì thế thầy giáo cứ trì trệ, không đổi mới, không nỗ lực thì học sinh sẽ đào thải thầy cô”, thầy tâm sự.
Trong thời gian dạy học, thầy Nam đã bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi huyện, tỉnh. Tuy nhiên thầy cũng chia sẻ, dù là trường điểm, không phải học sinh nào cũng chọn môn Văn, mà tỷ lệ lớn theo định hướng các môn tự nhiên. Vì thế, dạy văn với thầy không phải là môn học đơn thuần, mà qua đó còn giúp các em về giá trị trong cuộc sống, nuôi dưỡng nhân cách, tình cảm, cảm xúc tốt đẹp.
Điều đặc biệt, dù ở đơn vị nào, hai nhà giáo đều có duyên với công tác chủ nhiệm và liên tục đảm nhận vai trò này từ khi mới vào ngành đến nay. “Tôi chia sẻ với học trò những lúc vui, buồn, khó khăn. Từ đó, cô trò cũng trở nên gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Các em cũng không ngại chia sẻ vấn đề khúc mắc của mình để được thầy cô trợ giúp”, cô Hoa cho biết.
Còn sự “phối hợp ăn ý, thấu hiểu, cùng làm việc với học trò” cũng đem về cho chính thầy Nam nhiều kỷ niệm đặc biệt. Nhiều năm liền, hầu hết khóa học thầy Nam chủ nhiệm đều có học sinh giành giải ở cuộc thi của trường, như giải Nhất cuộc thi làm mâm Tết cổ truyền, giải Nhất cuộc thi mâm Tết Trung thu, giải Nhất văn nghệ, giải Nhất cuộc thi Nhảy hiện đại…
Giờ dạy trên lớp của thầy Nguyễn Ngọc Nam với học trò tại Trường THCS Tôn Quang Phiệt. |
Hạnh phúc khi được tin tưởng
Dù năng lực chuyên môn được đồng nghiệp, lãnh đạo phòng GD&ĐT công nhận, giáo viên cốt cán của huyện, nhưng trước cuộc thi năm 2022 cả vợ chồng thầy Nam chưa từng tham gia cuộc thi giáo viên giỏi tỉnh. Theo chia sẻ của cô Hoa, huyện Thanh Chương chỉ có 19 người trong gần 70 giáo viên được chọn thi cấp tỉnh. Khi thấy trong danh sách đó có tên cả 2 vợ chồng, cô rất băn khoăn không biết có nên xin rút hay không.
“Chồng tôi đã động viên, đây là sân chơi thú vị, có tính trải nghiệm, giao lưu cao, khác với tính chất một kỳ thi chuyên môn. Tham gia hội thi, chúng tôi được chia sẻ những khó khăn, thuận lợi và cả vất vả của người giáo viên chủ nhiệm. Lãnh đạo phòng cũng động viên và khẳng định danh sách chọn giáo viên thi tỉnh dựa trên kết quả chấm thi công bằng, không ưu ái nên tôi đã quyết định tham gia”, cô Hoa kể.
Hội thi gồm 2 phần: Trình bày biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục và thực hành tiết sinh hoạt lớp. Quá trình chuẩn bị, hai vợ chồng đã cùng thảo luận, trao đổi các nội dung dự thi. Riêng phần trình bày biện pháp giáo dục, thầy Nam chọn đề tài “Đa dạng cách thức tổ chức trong tiết sinh hoạt lớp để rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh”, còn cô Hoa chọn đề tài “Giải pháp hỗ trợ học sinh trầm cảm trong công tác chủ nhiệm”.
Cô Hoa kể: “Quá trình làm công tác chủ nhiệm, tôi thấy học sinh có nhiều áp lực nhưng lại thiếu nơi chia sẻ, giãi bày. Như ngay trong lớp tôi có học sinh biểu hiện trầm cảm nhẹ, sau thời gian được cô tâm sự, định hướng, em đã ổn định trở lại. Thực ra, học sinh nông thôn, đặc biệt là tuổi mới lớn thiếu chỗ dựa tâm lý do bố mẹ đi làm ăn xa, ly hôn… các em sống với ông bà; những mâu thuẫn trong bạn bè; áp lực kỳ vọng của gia đình… Trong khi đó, nhiều phụ huynh cũng xem nhẹ vấn đề này của con em. Trách nhiệm của giáo viên chính là cầu nối để bù đắp những thiếu hụt này trong quá trình phát triển, trưởng thành của trò”.
Với thực tế nhiều năm giảng dạy và sát cánh cùng trò, thầy Nguyễn Ngọc Nam, cô Nguyễn Thị Như Hoa cùng được công nhận giáo viên chủ nhiệm giỏi tỉnh cấp THCS năm 2022 và là cặp vợ chồng duy nhất của Nghệ An đạt danh hiệu này.
Thầy giáo Nam có năng lực, trách nhiệm, mô phạm, đồng thời luôn say mê với nghề, tận tụy với học sinh. Trong sinh hoạt chuyên môn, thầy cũng tích cực và có nhiều chia sẻ, sáng kiến với đồng nghiệp để đổi mới phương pháp dạy học. Với thâm niên chủ nhiệm lớp, thầy được học sinh, phụ huynh yêu quý và tôn trọng. Thành tích sau cuộc thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi xứng đáng với nỗ lực của thầy Nam và tạo động lực cho giáo viên trong trường phấn đấu. - Thầy Nguyễn Trọng Đạt (Hiệu trưởng Trường THCS Tôn Quang Phiệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An)