Với 21 năm trong nghề, thầy Phạm Văn Thuận - giáo viên Mỹ thuật, Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ, quận Lê Chân (TP Hải Phòng) bày tỏ, bộ môn mà thầy giảng dạy có tính đặc thù, không giống như các môn học khác. Vì thế, để môn học này được học sinh và phụ huynh yêu quý, giáo viên gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, thầy Thuận đã đưa ra nhiều sáng kiến cho trường và thành phố. Thầy đã bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Theo kinh nghiệm của thầy Thuận, để môn nghệ thuật được phụ huynh, học sinh yêu quý, bản thân các thầy, cô giáo phải như người cha, người bạn. Giáo viên tâm sự với học trò để khơi dậy các em mong muốn, đam mê học môn này.
Thầy Thuận cũng là một trong những giáo viên tham gia viết sách giáo khoa môn Mỹ thuật của Nhà xuất bản Giáo dục. “Đây là vinh dự của nhà trường và cá nhân tôi. Ngoài việc giảng dạy, tôi là Bí thư Chi đoàn của trường, tham gia các hoạt động từ thiện lên các vùng cao rất nhiều” – thầy Thuận chia sẻ.
Thầy Phạm Văn Thuận - giáo viên Mỹ thuật, Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ, quận Lê Chân (TP Hải Phòng) |
Với 33 năm trong ngành Giáo dục, trong đó có 22 năm trực tiếp đứng trên bục giảng, cô Bùi Thị Tuyết Mai - Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Gia Cẩm (TP Việt Trì, Phú Thọ) luôn tự nhủ, dù ở cương vị nào cũng luôn cố gắng.
“Đam mê của tôi là dạy học. Trong 2 năm dịch COVID-19, tôi vẫn duy trì giảng dạy cho học sinh nhiều khối lớp trong toàn trường... thông qua chiếc điện thoại và dụng cụ dạy online” – cô Mai chia sẻ.
Theo cô Mai, bất kỳ giai đoạn nào thì người thầy cũng cần tâm huyết, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu. Dù ở vùng sâu, vùng xa hay thành thị, các thầy cô cũng gặp những khó khăn khác nhau.
“Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhân dân và xã hội. Các bậc phụ huynh nhìn nhận đầy đủ, tích cực, tránh tổn thương thầy cô. Mong học sinh đến trường được hạnh phúc và luôn là con ngoan trò giỏi” – cô Mai bộc bạch.
Phát huy lợi thế của địa phương
Là giáo viên của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), cô Ma Thị Hồng cho biết: Lâm Bình là huyện thành lập được 10 năm. Toàn huyện có 97% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (60% dân tộc Tày, 30% dân tộc Dao), có hơn 70% là hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt khó khăn. Sinh kế của của bà con chủ yếu dựa vào nông nghiệp, dân trí chưa phát triển.
Cô Hồng và các đồng nghiệp trăn trở, làm sao để giúp kinh tế xã hội của địa phương ngày càng phát triển. “Chúng tôi xác định, đào tạo những ngành nghề theo nhu cầu người học, phù hợp với thị trường lao động, lợi thế địa phương, định hướng xuất khẩu lao động” – cô Hồng trao đổi.
Cô giáo Bùi Thị Tuyết Mai, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Gia Cẩm (TP. Việt Trì, Phú Thọ). |
Theo cô Hồng, huyện Lâm Bình có nhiều lợi thế, với nhiều danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa phong phú. “Theo đó, chúng tôi đã tập trung đào tạo nghề du lịch, tổ chức dạy thêm tiếng Nhật vào buổi tối cho người lao động để đi xuất khẩu lao động. Chúng tôi luôn vận động, thuyết phục bà con: Con đường thoát nghèo là học tập và có việc làm” – cô Hồng chia sẻ.
Cũng theo cô Hồng, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình cũng mạnh dạn tham gia cuộc thi khởi nghiệp, hỗ trợ học sinh khởi nghiệp tại địa phương với ý tưởng thành lập hợp tác xã thổ cẩm Yên Bình, hỗ trợ thu mua thổ cẩm, ưu tiên những chị em phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, thiết kế sản phẩm phục vụ du lịch, tạo thương hiệu, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác.
Sau 17 năm gắn bó với nghề, thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) mong muốn, toàn xã hội dành niềm tin lớn hơn cho ngành giáo dục. Hãy nhìn nhận và đánh giá về ngành giáo dục công bằng, toàn diện hơn để thấu hiểu những việc chúng tôi đã và đang làm. Niềm tin, sự thấu hiểu, đồng cảm của toàn xã hội chính là điều chúng tôi cần nhất trên con đường đổi mới đầy chông gai, khó khăn, thử thách này.
|
Cô giáo Ma Thị Hồng: Chúng tôi luôn vận động, thuyết phục bà con rằng con đường thoát nghèo là có việc làm. |