Theo thầy giáo Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Diên: Năm nào, trường cũng có nhiều học sinh đoạt giải nhất, nhì trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; trong đó, lịch sử luôn là môn học được “xướng tên” trên bục nhận giải cao. Các em trong đội tuyển học sinh giỏi của huyện nói riêng và rất nhiều thế hệ học sinh Trường THCS Phú Diên có một tình yêu đối với môn lịch sử. Những năm qua, nhiều học sinh của trường thi đỗ lớp chuyên lịch sử, Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế, tiếp tục theo đuổi đam mê với môn học này. “Thầy giáo Trương Công Ngọc Hải là người “truyền lửa”, đồng hành cùng các em “giữ lửa” tình yêu đó” - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Diên bộc bạch.
Dạy môn lịch sử là truyền đạt kiến thức, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước trong học sinh, trong tuổi trẻ địa phương. Việc học sinh yêu thích môn lịch sử là hết sức quan trọng. Nhận thức sâu sắc về điều này, Trường THCS Phú Diên nói chung, thầy giáo Trương Công Ngọc Hải đã trăn trở, áp dụng nhiều phương pháp truyền đạt, khơi gợi hứng thú, bồi dưỡng cảm xúc trong tâm hồn các thế hệ học trò.
Xung quanh khuôn viên trường học, các phòng học đều có pa-nô, áp-phích về lực lượng vũ trang hoặc nhân vật lịch sử. Trong khuôn viên trường xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, để giáo dục cho các em tình yêu, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước.
“Muốn học trò yêu thích môn lịch sử, bản thân mình phải nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, cập nhận những thông tin ngoài sách giáo khoa để truyền đạt cho các em. Tôi mua, đọc thêm nhiều sách chuyên môn; trao đổi với các đồng nghiệp trong trường và trong huyện, tỉnh. Đồng thời, lên mạng tham gia các hội nhóm giáo viên dạy lịch sử trong cả nước, để trao đổi kiến thức, trau dồi kinh nghiệm.
Phương pháp truyền đạt cho học sinh phải đa dạng, “mềm mại” dễ “thấm” vào lòng người, khơi gợi lòng biết ơn, trách nhiệm và tình yêu. Tôi thường kể cho học sinh những câu chuyện về đời thường của các anh hùng, anh hùng liệt sĩ, danh nhân văn hóa… Khi dạy về các sự kiện, các nhân vật lịch sử, thì ứng dụng công nghệ thông tin, chiếu các bộ phim tư liệu đã sưu tầm, để các em có cái nhìn toàn diện về lịch sử; định hướng cho cac em đọc những cuốn sách hay về các anh hùng, danh nhân văn hóa...” - thầy giáo Hải chia sẻ.
Không chỉ “truyền lửa”, thầy giáo Hải tâm nguyện luôn phải đồng hành cùng học trò “giữ lửa” tình yêu đối với môn học. Vậy nên, thầy giáo Hải luôn gần gũi với học trò, thường xuyên trao đổi với các em qua zalo, facebook, không chỉ riêng kiến thức mà còn cả nhưng điều liên quan tới bạn bè, gia đình; giúp các em tháo gỡ những điều khúc mắc, để các em có động lực học tập tốt hơn nữa.
Trong tâm trí nhiều thế hệ học trò và người dân trên địa bàn in đậm hình ảnh đẹp, thân thuộc, gần gũi: Mỗi năm học, trong gần 10 tháng theo lớp bồi dưỡng học sinh giỏi của huyện, mỗi tuần vào ngày chủ nhật, sau yên xe máy của thầy giáo Hải luôn đèo học sinh (những em say xe không thể đi xe bus, cha mẹ khó khăn không thể đưa đón con) cùng vượt quãng đường 25km trong nắng nóng hay mưa rét, từ xã Phú Diên lên xã Phú Mỹ (lớp tập trung bồi dưỡng học sinh giỏi của toàn huyện; trước đây diễn ra tại xã Phú Thượng).
Tâm huyết và tình cảm của thầy giáo Hải tiếp thêm động lực cho học trò nỗ lực học tập theo đuổi đam mê. Nhiều năm qua, thầy giáo Hải cùng các đồng nghiệp khác đã có đóng góp không nhỏ cho ngành giáo dục & đào tạo huyện Phú Vang, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn” - ông Võ Văn Thịnh, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Phú Vang cho biết.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh