Những thầy giáo tốt dạy học bằng trái tim, chứ không phải bằng sách vở''

Ngày 10 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Góc tương tác » Góc giáo viên

Gương mặt tiêu biểu

Cập nhật lúc : 11:47 27/09/2022  
Cô giáo biến môn Toán gần gũi với cuộc sống hàng ngày


GD&TĐ - Vững vàng chuyên môn, tận tâm vì học trò, cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Trường THCS thị trấn Yên Ninh là tấm gương sáng của giáo dục Ninh Bình.


Duyên với nghề giáo

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền sinh ra trong gia đình bố là giáo viên Văn song lại có năng khiếu và học giỏi các môn tự nhiên, đặc biệt môn Toán. Vì gia đình khó khăn nên tốt nghiệp THPT cô học trò đam mê Toán học dự định thi các khối ngành kinh tế (Kinh tế quốc dân, Ngân hàng) hoặc An ninh để ra trường phụ giúp gia đình.

Tuy nhiên, với mong muốn con gái nối nghiệp nghề giáo, nên bố cô đã yêu cầu thi cả 4 trường Sư phạm (Sư phạm Hà Nội 1; Sư phạm Hà Nội 2; Cao đẳng Sư phạm và Trung cấp Sư phạm). Nghe và muốn bố vui, cô thi và đỗ cả 4 trường, đặc biệt cô đã trở thành thủ khoa trường Cao đẳng Sư phạm và chọn theo học chuyên ngành sư phạm Toán. Tốt nghiệp Cao đẳng, cô học liên thông Đại học và tốt nghiệp năm 1999.

Dù theo học ngành Sư phạm, và không được theo nguyện vọng bản thân nhưng từ khi bước chân vào Cao đẳng, cô Hiền đã xác định để trở thành giáo viên giỏi, giúp ích và được học trò, đồng nghiệp ghi nhận, thì phải luôn nỗ lực học tập. Suốt 3 năm học Cao đẳng cô luôn đứng ở tốp đầu của trường.

Tốt nghiệp, cô Hiền được phân công giảng dạy môn Toán tại huyện Kim Sơn 1 năm. Năm 2000 chuyển về Trường THCS thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh) dạy Toán cho đến nay.

Năm đầu tiên về huyện Yên Khánh công tác cô Hiền đã được Phòng GD&ĐT gọi tham gia bồi dưỡng đội tuyển Toán cấp Tỉnh. Tại Trường THCS thị trấn Yên Ninh hàng năm cô giảng dạy 3 lớp, phụ trách đầu vào môn Toán (lớp 6) và đầu ra (lớp 9) toàn trường; phụ trách bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 6, lớp 9 môn Toán cấp huyện và tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi Toán cấp Tỉnh.

Để tạo nên thành công cho công tác dạy môn Toán nói chung và bồi dưỡng học sinh cấp huyện, cấp tỉnh, quốc gia… cô Hiền chia sẻ: Mấu chốt quan trọng là “tố chất’ của người thầy trong suốt quá trình học tập phổ thông và Đại học. Tuy nhiên có kiến thức chưa đủ bởi giáo dục không ngừng đổi mới, đòi hỏi kiến thức của học trò ngày càng cao hơn để vươn ra thế giới nên người thầy cần tăng cường chuyên môn thông qua tự học, tự đọc tài liệu, tham khảo, cập nhật các dạng đề bài, kiến thức trong các cuộc thi.

Chính vì vậy, cô Hiền đã biến quá trình dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia và một số giải thế giới thành động lực, cơ hội để củng cố chuyên môn, mở mang kiến thức, tiếp cận các dạng đề thi, chuyên đề, dạng Toán nước ngoài… Từ đó định hướng cho bản thân trong chuyên môn, dạy học cũng như công tác bồi dưỡng học sinh mũi nhọn.

Cô giáo biến môn Toán gần gũi với cuộc sống hàng ngày ảnh 1

Cô Nguyễn Thị Hiền (thứ 2 bên trái) đã đạt nhiều thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh tham dự các quốc thi trong nước, quốc tế.

Điểm tựa cho học trò giỏi Toán

Nhắc tới cô Nguyễn Thị Hiền đồng nghiệp, học trò đều ghi nhận như tấm gương sáng trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Hơn 22 năm công tác cô Hiền đã gặt hái không ít thành công trong công tác đào tạo mũi nhọn và nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Trong giáo dục mũi nhọn, cô Hiền đã và đang đảm nhiệm bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi tham gia dự thi các cuộc thi, hội thi trong tỉnh, trong nước và quốc tế như: Cuộc thi Olympic Quốc tế Toán Tiếng Anh SEAMO; cuộc thi Toán học Hoa Kỳ; Cuộc thi Thách thức tài năng Toán học trẻ UMTC; Cuộc thi Đấu trường Toán học Châu Á; Cuộc thi Toán, Tiếng Anh và Nghệ thuật FISO do Mỹ tổ chức; Bồi dưỡng học sinh lớp 8 dự thi Toán tuổi thơ cấp tỉnh…

Tính trung bình mỗi năm học cô Hiền đều tham gia bồi dưỡng và có 20-30 học sinh tham gia các cuộc thi, giao lưu cấp huyện, tỉnh, quốc gia và nhiều học sinh có giải. Cô cũng tham gia bồi dưỡng Đội tuyển Toán huyện Yên Khánh thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đứng trong top đầu của tỉnh Ninh Bình.

Với bề dày thành tích trong dạy học và bồi dưỡng học sinh giỏi, năm 2021, cô được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc từ năm học 2016- 2017 đến năm học 2020- 2021; Nhận Bằng khen của UBND tỉnh năm học 2020- 2021; Bằng khen lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Trao đổi về những khó khăn trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi hiện nay, cô Hiền cho rằng: Học sinh được tiếp cận nhiều với tài liệu, sách báo, kênh thông tin bên cạnh kiến thức giáo viên trang bị. Tuy nhiên, các em phải đối diện với sự tác động, ảnh hưởng không nhỏ thời đại 4.0 với nhiều nguồn thông tin độc hại, các trò chơi điện tử bùng nổ trên mạng. Do đó nếu gia đình, đặc biệt giáo viên không làm tốt công tác định hướng thì học sinh sẽ bị lôi cuốn, ảnh hưởng đến việc học tập cũng như thiếu quyết tâm, ước mơ hoài bão với kiến thức, học tập.

Vì vậy, trong quá trình dạy học nói chung, bồi dưỡng học sinh giỏi nói riêng ngoài dạy kiến thức cô Hiền rất quan tâm tìm hiểu tính cách học trò, nắm bắt hoàn cảnh riêng, ưu nhược điểm từng em để góp ý, động viên, giúp các em xác định mục tiêu học tập trước mắt và tương lai. Từ đó học sinh có thể chủ động điều chỉnh chính mình trong học tập và cuộc sống, còn cô Hiền rút ra nhiều phương pháp giáo dục phù hợp.

Cô giáo biến môn Toán gần gũi với cuộc sống hàng ngày ảnh 2

Cô Nguyễn Thị Hiền đã bồi dưỡng thành công nhiều học sinh giỏi môn Toán.

Không những vậy, cô Hiền luôn đồng hành cùng học trò để khơi dậy đam mê, sáng tạo với học tập, thúc đẩy và động viên học sinh nỗ lực thực hiện ước mơ với kiến thức. Với từng đối tượng học sinh cô Hiền đưa ra phương pháp giáo dục riêng, giúp các em cảm nhận học Toán không khô khan, khó hiểu. Môn Toán gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Việc dạy học luôn hướng tới phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh dưới vai trò chủ đạo của giáo viên. Các bài giảng được thiết kế khoa học, trọng tâm, tránh nặng nề quá tải kiến thức với người học.

Theo kinh nghiệm của cô Hiền: Học sinh muốn phát triển tốt môn Toán trước hết cần có năng khiếu, đam mê. Nhiệm vụ của người thầy là “thổi” thêm nhiệt huyết để các em vươn lên. Người thầy không thể thành công nếu không học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm. Mặt khác, người thầy phải có ý chí, chủ động rèn luyện, trau dồi chuyên môn, và hơn cả biết giữ gìn phẩm chất cao quý nhà giáo, vững vàng tự tin khi đứng trước học trò, đồng nghiệp…

Thầy Phan Văn Trình, Hiệu trưởng nhà trường khi trao đổi về cô Nguyễn Thị Hiền cho biết: Cô Hiền có trình độ chuyên môn tốt, là giáo viên cốt cán của Sở, Phòng. Với sự vững vàng trong chuyên môn nên công tác dạy học và bồi dưỡng học sinh giỏi đã đạt được nhiều thành tích, là tấm gương sáng cho đồng nghiệp, trụ cột chuyên môn của nhà trường.

“Là giáo viên Toán nhưng cô Hiền có năng lực tự học, tự bồi dưỡng tốt nên việc dạy môn Toán bằng Tiếng Anh đối với nhiều giáo viên còn khó khăn nhưng cô Hiền đã làm tốt, mang lại nhiều thành tích cao cho học sinh nhà trường. Đặc biệt, cô Hiền rất say mê và có nhiều sáng kiến, dự án, đề tài sáng tạo giúp giáo viên đổi mới phương pháp trong dạy học; Nhiều đề tài của cô đã được Sở Khoa học Công nghệ công nhận; Một số kiến kinh nghiệm đạt cấp Tỉnh trong nhiều năm liền...”, thầy Trình cho hay.

Cô Phạm Thị Nhiễu, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hòa (Kim Sơn, Ninh Bình), đồng thời là phụ huynh học sinh của cô Hiền chia sẻ: Cô Hiền đầy năng động, nhiệt tình, say mê môn Toán. Cô luôn chịu khó tìm tòi các dạng toán, chuyên đề Toán bằng tiếng Việt, tiếng Anh… để hướng dẫn học trò. Có nhiều phương pháp dạy hay, chia tách theo đối tượng để đạt hiệu quả tối đa.

Quá trình dạy học cô tận tụy, tận tình học sinh. Sẵn sàng giải đáp, hỗ trợ bất kể khi nào các em cần sự. Học sinh dễ tiếp nhận kiến thức và thích được học Toán với phương pháp truyền đạt của cô Hiền. Học sinh được học Toán cô Hiền là một may mắn bởi cô thực sự là “điểm tựa’ vững chắc để học trò cất cánh cùng kiến thức…”, cô Nhiễu bày tỏ.

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Các tin khác