Vun “hạt giống” tương lai
Vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cô Tố Như chia sẻ, Ngữ văn không phải là môn học khó nhưng đòi hỏi sự chăm chỉ, năng khiếu và sáng tạo của mỗi học sinh.
Đây là môn học rèn luyện kĩ năng đọc, viết, cảm thụ và sáng tạo… bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn cũng như tư tưởng, đạo đức, nhân cách cho học sinh. Qua tiết Văn, mỗi em có thêm được những hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội; những tấm gương anh hùng dân tộc, vẻ đẹp của văn chương, thơ ca. Tuy vậy, hiện có một số bộ phận học sinh cảm thấy “ngại” khi học bộ môn này!
Giúp học sinh yêu thích môn Ngữ văn, theo cô Tố Như, cũng giống như môn học khác, giáo viên phải sát sao, dạy dỗ học trò bằng tình yêu thương và trách nhiệm của nhà giáo. Giáo viên cũng như học sinh, phải không ngừng nâng cao kiến thức thực tế, rèn luyện, tu dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ bản thân, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của giáo dục trong thời kỳ mới.
Với quan niệm “Văn học là nhân học”, cô Tố Như luôn mong muốn truyền được ngọn lửa yêu văn học cho các thế hệ học trò. Qua mỗi bài giảng, cô chú trọng vào phẩm chất, cốt cách của từng nhân vật trong các tác phẩm để chỉ rõ và hướng các em đến những gương sáng, thiện lành, đồng thời bài trừ người xấu, kẻ ác. Chẳng hạn, với “Truyện Kiều”, học sinh được hiểu hơn bài học về tinh thần trượng nghĩa, khao khát tự do thông qua nhân vật Từ Hải và phê phán thói lưu manh, xảo trá của Sở Khanh.
Chia sẻ kỷ niệm ấn tượng trong giảng dạy, cô Tố Như kể về câu chuyện “quay xe” của học trò khi không theo lớp chuyên Hóa. “Mơ ước từ nhỏ là thi vào chuyên Hóa của Trường THPT Chu Văn An nhưng em Nguyễn Kim Ngân lại chọn thi chuyên Văn. Có thể bạn ấy thấy hấp dẫn, cuốn hút từ những câu chuyện được tôi lồng ghép trong các bài giảng. Hiện là sinh viên đại học năm thứ 3, nhưng mỗi khi cô trò gặp nhau lại sôi nổi với câu chuyện văn học là một phần không thể thiếu trong cuộc sống…”, cô Tố Như kể.
Bên cạnh những phương pháp dạy học theo đặc trưng của bộ môn Ngữ văn, cô Tố Như còn áp dụng phương pháp dạy học tích cực để khơi gợi niềm hứng thú, yêu thích môn học. Bởi học Ngữ văn sợ nhất là đi theo lối mòn.
“Có nhiều phương pháp dạy học tích cực, khơi gợi niềm yêu thích bộ môn đã được tổ, nhóm chuyên môn chúng tôi thường xuyên áp dụng như: Sân khấu hóa tác phẩm văn học, giao bài tập dự án, học sinh nói về tác phẩm. Qua đó tăng cảm hứng học tập môn Ngữ văn cho các em học sinh và khuyến khích tinh thần đọc sách, cũng như sự cảm thụ tác phẩm văn học…”, cô Tố Như nói.
Được biết, những năm qua, tỷ lệ học sinh Trường THCS Thành Công đỗ vào lớp 10 THPT công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt hơn 80%. Trong đó, nhiều học sinh nhà trường đỗ vào các trường THPT chuyên và có điểm Ngữ văn rất cao.
Cô Đặng Thị Tố Như trong một lần thiện nguyện trao quà tặng cho học sinh vùng cao. Ảnh: NVCC |
Sôi nổi phong trào, thiện nguyện
Không chỉ tận tụy với nghề, tận tâm với học sinh, cô Đặng Thị Tố Như còn được biết đến là người thắp lên ngọn lửa nhân ái bằng các hoạt động thiện nguyện. Trên cương vị là Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Thành Công, cô luôn gương mẫu, có trách nhiệm với công việc được giao.
Đồng thời, Ban Chấp hành Công đoàn trường luôn kết hợp hiệu quả cùng Ban giám hiệu, chăm lo đời sống cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, tổ chức các hoạt động mang lại lợi ích cho các công đoàn viên như: Khám sức khỏe định kì hằng năm, tổ chức nghỉ mát trong dịp hè, tổ chức kỉ niệm các ngày lễ 8/3, 20/10, 20/11… Qua đó, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, tạo sức mạnh gắn bó trong tập thể.
Đặc biệt, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Thành Công còn tham gia các hoạt động thiện nguyện, góp phần giáo dục tinh thần tương thân tương ái trong học sinh. Cô Như cùng nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp được hơn 800 triệu đồng cùng nhiều món quà khác ủng hộ học sinh Sơn La trong chương trình “Xuân ấm yêu thương” (năm học 2019 - 2020), xây điểm trường “Nhà lớp học cho em” (năm học 2020 - 2021) tại Hà Giang. Trong bối cảnh dịch Covid-19, cô Tố Như tiên phong phát động các phong trào ủng hộ quỹ vắc-xin phòng bệnh, hiến máu nhân đạo…
Theo cô Nguyễn Ngọc Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội), không chỉ là đảng viên gương mẫu, cô Tố Như được biết đến là “cây sáng kiến” với những tham mưu, giải pháp phù hợp, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nhà trường. Cô giáo dạy Văn này cũng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, sáng kiến cấp quận và thành phố nhiều năm liền.
|
Cô Đặng Thị Tố Như trong giờ lên lớp giảng bài môn Ngữ văn. Ảnh: NVCC
|
“Không chỉ giỏi chuyên môn, bằng những việc làm ý nghĩa, các hoạt động từ thiện mà cô Tố Như tham gia đã truyền cảm hứng đến mọi người xung quanh, giúp học sinh biết yêu thương những người có hoàn cảnh khó khăn và trân trọng những điều giản dị trong cuộc sống…”, cô Nguyễn Ngọc Anh cho biết.
Hơn 25 năm trên bục giảng, cô giáo Đặng Thị Tố Như luôn nhận được tình cảm, chia sẻ từ đồng nghiệp, bạn bè và phụ huynh, học sinh. Với riêng cô, hạnh phúc lớn nhất chính là sự trưởng thành của lớp lớp học trò đã và đang góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên mọi miền đất nước.
Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm năm 1997, cô giáo trẻ Đặng Thị Tố Như về công tác tại Trường THCS Quảng Bị (tỉnh Hà Tây cũ), tiếp đó là Trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội). Đến năm 2009, cô chuyển về Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình) tiếp tục sự nghiệp “gõ đầu trẻ” cho đến nay.
Trong quá trình công tác, cô Đặng Thị Tố Như nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đặc biệt, năm 2022, cô vinh dự nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bằng khen có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Thủ tướng Chính phủ.