Gương mặt tiêu biểu
GD&TĐ - Thầy Nguyễn Xuân Huân - Trường THCS Nguyễn Trãi A (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đã hoàn thiện hệ thống phần mềm giúp HS kết thúc năm học bằng hình thức online.
Đề xuất giải pháp ứng phó đại dịch
Từ đầu tháng 2, Hà Nội liên tục có thông báo học sinh tạm dừng đến trường. Thầy Huân cùng lãnh đạo nhà trường đã nhận định, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc dạy và học. Do đó, thầy Huân đề nghị Ban giám hiệu nhà trường nhanh chóng xây dựng giải pháp ứng phó trong trường hợp xảy ra đại dịch, trong đó có giải pháp hệ thống học trực tuyến.
Với kinh nghiệm là giáo viên Tin học, gần 2 tuần nỗ lực quên ăn, quên ngủ, cuối cùng, hệ thống Learing Management System - Quản lý học tập trực tuyến (LMS) được hoàn thành với cơ sở vật chất sẵn có của nhà trường.
Hệ thống bao gồm: Máy chủ Wbe Server được xây dựng từ máy tính PC sẵn có, 2 đường truyền mạng, thiết bị cân bằng tải, hệ thống phần mềm Server, LMS sử dụng phầm mềm mã nguồn mở.
Theo thầy Huân, hệ thống giúp GV và HS có thể thực hiện việc dạy và học thông qua các bài giảng điện tử E-Learning theo các chuẩn quốc tế: SCORM, AICC. Đồng thời, xây dựng bài học theo tiến trình lên lớp: Kiểm tra bài cũ, đánh giá kiến thức theo từng phần kiến thức, kiểm tra trắc nghiệm khách quan, giao bài tập về nhà trực tuyến… một cách dễ dàng, hiệu quả như học trực tiếp ở lớp.
Các phần mềm họp trực tuyến như: Zoom, Google Meet, Jitsi, BBB… được sử dụng để dạy học. Đây là công cụ giúp GV và HS có thể tương tác gần giống với phương pháp học truyền thống nhất.
Do vướng một số quy định, hệ thống LMS do thầy Huân thiết kế chưa thể đưa vào sử dụng cho HS và GV tại Trường THCS Nguyễn Trãi A. Thời gian này, việc dạy và học vẫn được tiến hành qua hệ thống họp trực tuyến Zoon. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian sử dụng, hệ thống Zoom bắt đầu xuất hiện các vấn đề như: GV không thể kiểm soát hết HS trong lớp đang làm gì, có chú ý vào bài giảng hay không. Trong giờ học, GV cũng chỉ tương tác với một số rất nhỏ HS để kiểm tra. Học qua Zoom còn phụ thuộc vào tốc độ và sự ổn định đường truyền Internet của GV, HS và sự đáp ứng của nhà cung cấp dịch vụ…
Trăn trở suy nghĩ, thầy Huân tiếp tục đề nghị Ban Giám hiệu nhà trường nghiên cứu, xây dựng tiếp hệ thống tương tự như Zoom là BigBlueButton (BBB - là một dự án mã nguồn mở) và tích hợp vào trong hệ thống LMS. Chỉ cần duy nhất 1 tài khoản trên hệ thống do nhà trường cung cấp, HS dễ dàng đăng nhập vào học chỉ cần 1 click chuột mà không cần nhập ID và mật khẩu.
Tài khoản của HS do nhà trường cấp, người ngoài không thể vào, bên cạnh đó GV dễ dàng kiểm soát được vấn đề đăng nhập và xác định lỗi trong quá trình học. “Hệ thống BBB kết hợp LMS đã được dạy thử nghiệm thành công với lớp 7A3 (năm học 2019 - 2020). Tuy nhiên, BBB là hệ thống yêu cầu rất cao về cấu hình nên chi phí thuê Server là không nhỏ, do nhà trường quyết định chỉ sử dụng hệ thống LMS…”, thầy Huân chia sẻ.
Cuối tháng 3/2020 Bộ GD&ĐT đưa ra hướng dẫn về việc công nhận học trực tuyến. Đây là cơ sở quan trọng để nhà trường đưa hệ thống LMS chính thức vào giảng dạy. Nhà trường cấp tài khoản, làm video hướng dẫn sử dụng cho GV, HS khi tham gia dạy và học trên hệ thống LMS, hỗ trợ kỹ thuật cho phụ huynh và các đối tượng tham gia, quản trị hệ thống LMS và hệ thống Server.
Nhờ đó, GV và HS Trường THCS Nguyễn Trãi A đã hoàn thành tốt chương trình học năm 2019 - 2020 và năm 2020 - 2021 mà không gặp bất cứ sự cố nào.
Thầy Huân cho biết, hệ thống giáo dục qua mạng LMS có nhiều ưu điểm nổi bật như: GV có thể thiết kế bài học tương tự như quá trình lên lớp. Trong mỗi buổi học, GV có công cụ để đánh giá liên tục về chất lượng tiếp thu bài học của HS và căn cứ vào mức độ hoàn thành các bài test đó để biết được HS có học hay không và nắm được kiến thức đến đâu. Ngoài ra, hệ thống LMS còn theo dõi thời gian HS tham gia cho từng bài học, mất bao lâu để hoàn thành bài học.
“Hệ thống LMS còn có các công cụ khác hỗ trợ giao bài tập và chấm điểm nhận xét học sinh. Thông báo lịch học tập, theo dõi trực tiếp quá trình thi trực tuyến… Tuy nhiên, để việc dạy và học trực tuyến hiệu quả, thì bên cạnh yêu cầu về giải pháp công nghệ, yếu tố then chốt là khả năng sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên, sự tự giác ý thức học tập của học sinh và sự phối hợp của phụ huynh…”, thầy Huân chia sẻ.
Tận tụy với nghề
Chia sẻ cái duyên với nghề “gõ đầu trẻ” thầy Huân cho biết, gia đình 5 anh chị em của anh đều theo tốt nghiệp ngành sư phạm và công tác tại các trường cấp 1 và cấp 2 trong huyện Thường Tín.
Năm 2010, anh được điều chuyển về Trường THCS Nguyễn Trãi A (tiền thân là Trường THCS Thường Tín) và công tác đến bây giờ. Đây là ngôi trường luôn đi đầu trong mọi hoạt động giáo dục, văn nghệ, thể thao của huyện cũng là nơi đào tạo ra nhiều học sinh giỏi (HSG), được tuyển chọn trong các đội tuyển thi HSG các cấp.
“May mắn hơn, những sáng kiến của tôi luôn được Ban giám hiệu nhà trường ủng hộ và tạo điều kiện để đưa vào hoạt động. Các học sinh yêu thích công nghệ, say mê học tập, cùng tôi tham gia nhiều cuộc thi khẳng định năng lực và đạt được kết quả cao…”, thầy Huân tự hào.
Cô Phạm Thị Ngọc Thuý, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi A cho biết, thầy Nguyễn Xuân Huân là GV tâm huyết, xuất sắc của trường. Trong 15 năm công tác, thầy Huân luôn nêu cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, được học trò yêu quý, đồng nghiệp ngưỡng mộ.
Thầy Huân luôn dẫn dắt HS tham gia nhiều cuộc thi quan trọng trong huyện, thành phố và cấp quốc gia, sáng tạo và tìm kiếm các cuộc thi, động viên các em thể hiện khả năng của mình.
Với những nỗ lực đạt được, thầy Huân vinh dự nhận được nhiều giải thưởng của huyện, thành phố Hà Nội và cấp quốc gia, như: Giải Nhì cấp quốc gia - Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học năm học 2013 - 2014; Giải Nhì - Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên Trung học cấp thành phố 2016 - 2017; Giải Khuyến khích cấp quốc gia - Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên Trung học 2016 - 2017… Đặc biệt, năm 2021 thầy Huân được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”.
Chưa có bình luận nào cho bài viết này