Trọng thầy mới được làm thầy ''

Ngày 10 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Góc tương tác » Góc giáo viên

Gương mặt tiêu biểu

Cập nhật lúc : 08:58 07/03/2024  
Cô giáo Tày vượt khó trở thành Chiến sĩ thi đua


GD&TĐ - Dù phải trèo đèo, lội suối nhưng cô giáo Dương Thị Diến vẫn kiên trì, bám trường, bám lớp, quyết tâm vượt khó và trở thành Chiến sĩ thi đua.

Trèo đèo, lội suối đến trường

Cô Diến quê ở Bắc Kạn và là người dân tộc Tày. Từ nhỏ, cô đã ước mơ được làm cô giáo mầm non. Sau khi ra trường (năm 2008) cô Diến tình nguyện lên Lai Châu để dạy học. Nơi cô dạy học là Trường Mầm non Tà Mít (Tân Uyên, Lai Châu) – một trong những trường thuộc xã đặc biệt khó khăn ở thời điểm đó.

“Để đến được trung tâm trường, cô phải đi bộ hơn 4 giờ đồng hồ, lội qua 21 khe suối, 12 đèo, dốc. Cô nếm trải đủ những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn của giáo viên “cắm bản” ở vùng sâu vùng xa là thế nào. Trên hành trình “cuốc bộ”, đôi chân mệt mỏi, nỗi buồn ùa đến và nước mắt cứ thế tuôn rơi vì nhớ nhà, bố mẹ, người thân, phía trước là rừng, núi trùng điệp.” – cô Diến tâm sự.

Tuy nhiên, khi đặt chân đến ngôi trường, được các đồng nghiệp đón nhận, động viên, cùng với những ánh mắt trẻ thơ đầy yêu thương và những câu chào đón thân thương của bà con dân bản đã giúp cô Diến có thêm nghị lực, quên đi nỗi buồn và mệt nhọc để bước tiếp trên hành trình mới.

 

Dương Thị Diến phát biểu tại buổi Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu dịp 20/11/2023.

Dương Thị Diến phát biểu tại buổi Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu dịp 20/11/2023.

Cô Diến vẫn còn nhớ buổi đầu tiên đến nhận lớp, trước mắt là lớp học được dựng tạm bằng tre, nứa, lợp bằng cỏ gianh với những bộ bàn ghế được ghép bằng những tấm ván.

“Cơ sở vật chất chỉ có vậy, nhưng đón nhận tôi là 64 nụ cười, với những cặp mắt trong veo đầy yêu thương của các bé. Từ giây phút đó, tôi đã quyết tâm gắn bó với sự nghiệp giáo dục của tỉnh Lai Châu” – cô Diến bộc bạch.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục mầm non, đặc biệt là công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở xã đặc biệt khó khăn. Cô Diến và các đồng nghiệp đã không quản khó khăn, nhọc nhằn, đem hết khả năng và năng lực để cống hiến.

Trường Mầm non Tà Mít từng bước đổi thay, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, trẻ yêu trường, lớp. Năm 2015 nhà trường được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Một lớp học của Trường mầm non Trung Đồng - nơi cô Dương Thị Diến đang công tác.

Một lớp học của Trường mầm non Trung Đồng - nơi cô Dương Thị Diến đang công tác.

Mong giáo viên mầm non được quan tâm nhiều hơn nữa

Thấm thoát 6 năm công tác ở vùng khó khăn, đến tháng 10/2015, cô Diến được chuyển về Trường Mầm non Trung Đồng (Tân Uyên, Lai Châu) - trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

“Dù công tác ở bất cứ nơi nào, thuận lợi hay khó khăn, tôi không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức chuyên môn, mạnh dạn đưa ra các giải pháp, sáng kiến để nâng cao hiệu quả giảng dạy đáp ứng niềm tin yêu của đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh” – cô Diến tự nhủ.

14 năm công tác trong ngành Giáo dục tỉnh Lai Châu, từ một giáo viên có chuyên môn khá, cô Diến phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi, nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Năm 2023 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua của tỉnh Lai Châu; 3 lần được Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong giáo dục và đào tạo.

Nhân kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, cô Diến được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen. Cô là 1 trong 60 nhà giáo tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu.

Cô Diến nhìn nhận, các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân đều có những khó khăn vất vả. Tuy nhiên, với cấp học mầm non có những khó khăn vất vả đặc thù riêng, do hằng ngày giáo viên phải đi sớm, về muộn để đón, trả trẻ.

Cô giáo mầm non phải thực hiện song hành 2 nhiệm vụ: chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục. Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên ở những điểm trường lẻ, ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng còn phải trực tiếp nấu ăn bán trú cho trẻ.

Ngoài ra, hầu hết các lớp đều được bố trí thành lớp học ghép, với nhiều độ tuổi khác nhau nên giáo viên gặp rất khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. “Song không vì thế mà chúng tôi chùn bước. Tôi luôn tự hào vì mình là cô giáo mầm non” – cô Diến bộc bạch, đồng thời đề xuất, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà Nước tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến đội ngũ nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng bằng những chính sách phù hợp với tính chất công việc.

“Tôi tự hào vì được trưởng thành trong ngành Giáo dục, nơi đã cho tôi hành trang về kiến thức, đạo đức, trách nhiệm và niềm đam mê nghề nghiệp. Tôi vẫn luôn tự hào về ngành học đã chọn, chỉ mong tất cả đồng nghiệp hãy cùng nhau tiếp tục cống hiến, tận tụy với nghề để không phụ lòng tin yêu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và Nhân dân” - cô Dương Thị Diến.

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Các tin khác