Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục''

Ngày 10 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Góc tương tác » Góc giáo viên

Gương mặt tiêu biểu

Cập nhật lúc : 14:13 26/02/2022  
Giáo viên trẻ tài năng tự lấy mình làm gương phấn đấu cho trò


GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Thu Hiền và Hoàng Thị Lan là 2 giáo viên trẻ nhất trong số 19 cán bộ, nhà giáo được nhận giải thưởng Quỹ phát triển tài năng giáo dục Nghệ An năm 2021.

Mỗi người một vị trí, hoàn cảnh, nhưng các cô đều vươn lên đạt thành tích xuất sắc, dành mọi điều tốt đẹp cho học trò.

Cô giáo không ngừng tự đổi mới, sáng tạo

Tốt nghiệp loại giỏi ngành Sư phạm Địa lý -Trường ĐH Vinh, Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1990) là một trong số ít cử nhân sư phạm được “thu hút” và dạy học tại Trường THCS Hà Huy Tập. Đây là ngôi trường là ngôi trường có chất lượng giáo dục tốp đầu của TP Vinh và tỉnh Nghệ An với số lượng hơn 2 nghìn học sinh. Vì vậy, vị trí công việc này vừa là may mắn, tự hào, cũng vừa có nhiều áp lực đối với cô giáo trẻ.

Ngày đầu tiên đi dạy, vì cố gắng chuẩn bị thật đầy đủ tài liệu, cô đã vào lớp muộn 5 phút. Nhưng sau đó, sự hào hứng, sôi nổi của lớp học đã xua tan nỗi lo lắng về tiết học đầu tiên không hoàn hảo. Và cô cũng rút ra được kinh nghiệm đầu tiên, tình huống lớp học có thể đột xuất, nhưng sự chuẩn bị chu đáo sẽ đảm bảo cho giáo viên có tiết học thành công.

 

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền - GV Trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An.
 

Suốt 1 năm tập sự, cô liên tục đi dự giờ các giáo viên có kinh nghiệm trong trường để học hỏi về phương pháp đứng lớp. Trường THCS Hà Huy Tập có nhiều học sinh với năng lực, mục tiêu đối với môn Địa lý khác nhau. Vì thế, để tổ chức một tiết dạy hiệu quả rất khó. “Mỗi cấp học có đặc thù và niềm vui riêng .Thực tế học sinh cấp 2 đang rất hồn nhiên, muốn tìm tòi điều mới lạ, đặt ra nhiều câu hỏi. Chỉ cần truyền sự đam mê học tập, giao cho các em nhiệm vụ phù hợp với khả năng của mình thì các em sẽ yêu quý môn học “ - cô Hiền chia sẻ.

Cô Hiền cũng quan niệm, học sinh đến trường không phải là cái máy ghi chép, mà là những cá nhân có tư duy độc lập, sáng tạo. Vì vậy, nhiệm vụ của giáo viên là định hướng cho các em tìm hiểu kiến thức bài học.

Chính nhờ phương pháp dạy học này, mà trong 2 năm học qua, khi ngành giáo dục chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến, cô trò đã thực hiện thuận lợi, hiệu quả. Cô cung cấp tài liệu, đường link để học sinh tiết kiệm thời gian trong tìm kiếm thông tin, học thêm kiến thức từ trên mạng Internet.

 

Cô Thu Hiền nhận giải thưởng "Quỹ phát triển tài năng giáo dục" năm 2021 của ngành giáo dục Nghệ An
 

Dù là giáo viên trẻ, nhưng Nguyễn Thị Thu Hiền đã liên tục đạt giáo viên giỏi cấp thành phố, và gần đây nhất, đạt thủ khoa giáo viên giỏi tỉnh bậc THCS năm 2020.

“Chương trình GDPT mới thay đổi rất nhiều, đặc biệt về phương pháp tiếp cận học sinh. Những gì mà tôi đã áp dụng suốt nhiều năm qua đã tiệm cận với phương pháp mới. Nhưng bản thân tôi vẫn phải học hỏi từng ngày, ứng dụng CNTT vào trong dạy học. Động lực của tôi, ngoài học sinh, còn là các thầy cô khác trong trường. Đó là những tấm gương tâm huyết, đam mê bền bỉ dù nhiều thầy cô tuổi đã cao”, cô Hiền chia sẻ.

Cô chia sẻ, tham gia các kỳ thi là cách để mình bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, vừa để “hiểu học sinh hơn”. Vì bản thân cô cũng phải cố gắng, học hỏi, làm mới mình rất nhiều. Cuộc thi có áp lực, nhưng cô đã vượt qua thì cũng là động lực, niềm tự hào cho học trò.

Giờ đây sau 10 năm tốt nghiệp sư phạm, cô đã có nhiều học sinh giỏi tỉnh, thành phố, trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tiếp tục vào đội tuyển quốc gia.

Nói về giải thưởng phát triển tài năng giáo dục, là niềm vui lớn trong dịp ngày nhà giáo Việt Nam. Và như ý nghĩa của giải thưởng, cô Huyền cho hay mình vẫn còn phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều để tiếp tục phát triển chứ không dừng lại, bằng lòng với bản thân.

 

Cô Hoàng Thị Lan vượt qua khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo, đạt nhiều thành tích trong chuyên môn và hoạt động xã hội.Cô Hoàng Thị Lan vượt qua khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo, đạt nhiều thành tích trong chuyên môn và hoạt động xã hội.

Hoa hướng dương của trẻ nhỏ

Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt tươi tắn, ít ai nghĩ cô giáo Hoàng Thị Lan (SN 1990) đã chống chọi với căn bệnh ung thư máu suốt 10 năm qua.

Hoàng Thị Lan là con thứ 3 trong gia đình nông nghiệp ở xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Thích trẻ con, Lan nuôi ước mơ trở thành cô giáo mầm non. Đến năm 2012, cô chính thức thực hiện được ước mơ của mình, nhận công tác tại Trường Mầm non Nghi Hưng, sau 3 năm theo học cao đẳng sư phạm mầm non.

Nhưng cũng trong những ngày tháng vui nhất, tràn đầy nhiệt huyết cống hiến, cô lại nhận tin dữ khi khám bệnh và bất ngờ phát hiện tế bào ung thư máu ác tính. Lan suy sụp, sợ hãi, rời trường học nhập viện.

Cô Hoàng Thị Lan với nụ cường luôn rạng rỡ

Năm đầu tiên điều trị, Lan suy kiệt về thể lực, nhiều lần rơi vào hôn mê sâu vì cơ thể phản ứng với hóa chất. Tế bào ác tính được khống chế, nhưng những đợt hóa chất khiến tóc Lan rụng nhiều, cô giáo trẻ mặc cảm, tự ti, thậm chí có lúc phó mặc cho số phận. Trong gian nhà nhỏ, cô giáo thu mình lại, trong suốt thời gian dài. Cho đến một ngày cô thấy không thể cứ như vậy được. Cuộc sống ngoài kia vẫn cần phải sống. Cô cần đối diện, chiến đấu với căn bệnh, cần đến lớp vì những đứa trẻ đang mong đợi, cần tìm lại niềm tin cho chính mình, gia đình, đồng nghiệp.

Vậy là cô giáo trẻ vừa tiếp tục dạy dỗ, chăm sóc trẻ, vừa định kỳ ra Hà Nội điều trị theo lịch hẹn của bác sĩ.

Niềm vui từ công việc, khát vọng sống, đã khiến Hoàng Thị Lan mạnh mẽ, bản lĩnh và nghị lực hơn. Không chỉ dạy học, cô còn học nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia hội thi giáo viên giỏi các cấp.

Hoàng Thị Lan đạt giải Nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc mầm non huyện Nghi Lộc; tham gia thi giáo viên giỏi tỉnh, viết sáng kiến kinh nghiệm. Với những thành tích trên, cô giáo trẻ vinh dự là 1 trong 2 cá nhân của tỉnh Nghệ An được Bộ GD&ĐT tôn vinh nhà giáo tiêu biểu năm 2017.

Cô Lan là 1 trong 19 cán bộ, nhà giáo được trao thưởng Quỹ phát triển tài năng giáo dục.
 

Ngoài hoạt động chuyên môn, cô Lan còn tích cực tham gia công tác Đoàn trong trường và ở địa phương, dạy năng khiếu miễn phí cho trẻ em. Thời điểm chưa bùng phát dịch Covid, cô tham gia kêu gọi và trực tiếp đến những bản làng xa xôi ở miền tây Nghệ An để trao quà, động viên học sinh khó khăn.

Tất cả những hoạt động đầy tâm huyết và miệt mài ấy, có lúc khiến Lan tự làm mình, nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ trên gương mặt cô giáo ở vùng quê xứ Nghệ.

Ghi nhận ý chí và thành tích của cô Hoàng Thị Lan, ngành giáo dục Nghệ An đã chọn cô là 1 trong 19 gương mặt tiêu biểu trao giải thưởng tài năng giáo dục, đại diện cho gần 50 nghìn cán bộ, nhà giáo toàn tỉnh. Cô Hoàng Thị Lan cùng với cô Nguyễn Thị Thu Hiền cũng là 2 giáo viên trẻ tuổi nhất được nhận sự tôn vinh này.

Dù vất vả, chống chọi với bệnh hiểm nghèo, nhưng cô giáo vùng trung du như bông hoa hướng dương luôn nhìn về phía trước. Như cô đã từng tâm sự: “Được dạy bảo, chăm sóc học trò, em thấy cuộc sống của mình hạnh phúc, ý nghĩa, Em không dám ước mơ gì thật xa nhưng còn sống, còn khỏe mạnh, thì mỗi ngày em còn cống hiến, cố gắng”.

Giải thưởng “Quỹ phát triển tài năng giáo dục” được Công đoàn ngành GD Nghệ An triển khai từ năm 1994, tổ chức 2 năm 1 lần. Qua 25 năm duy trì, với 17 lần trao thưởng, giải đã trao thưởng có 228 cán bộ, nhà giáo xuất sắc. Việc xét tặng thưởng "Quỹ phát triển tài năng giáo dục" được thực hiện trên các tiêu chuẩn tài năng sư phạm, hiệu quả công tác cũng như phẩm chất đạo đức, tư  cách người thầy và uy tín đối với các thế hệ học sinh, với nhân dân, với đồng nghiệp. Năm 2021, giải thưởng được trao cho 19 cán bộ, giáo viên.
 
Lãnh đạo ngành giáo dục Nghệ An mong muốn, từ giải thưởng này, các thầy cô tiếp tục phát triển tài năng, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp dạy và học trong đồng nghiệp, trong trường và toàn ngành. Phát huy truyền thống tốt đẹp của ông đồ xứ Nghệ trong giáo dục hiện nay, để có thêm nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục.

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Các tin khác