Trong giáo dục, không có gì đáng ngạc nhiên hơn là lượng ngu dốt mà nó tạo ra dưới dạng chân lý trì trệ "

Ngày 10 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Góc tương tác » Góc giáo viên

Gương mặt tiêu biểu

Cập nhật lúc : 08:31 09/12/2023  
Cô giáo 25 năm gắn bó với trò nghèo


GD&TĐ - Cô Kiều Hoa truyền năng lượng để HS trường dân tộc nội trú tự tin tranh tài tại các cuộc thi và tự hào mình là người dân tộc thiểu số...


Gần 25 năm gắn bó với học sinh trường dân tộc nội trú, cô Nguyễn Thị Kiều Hoa luôn trăn trở làm sao để học trò yên tâm học tập, bền chí theo đuổi con đường học vấn để thực hiện được ước mơ. Cô cũng là người truyền năng lượng để học sinh trường dân tộc nội trú tự tin tranh tài tại các cuộc thi và tự hào mình là người dân tộc thiểu số.

Thương trò như thể thương thân

Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa – Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An đã vượt qua rất nhiều gian khó, thiếu thốn để trưởng thành nên thấu hiểu những khó khăn, vất vả của học sinh miền núi, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số khi đến trường “tìm con chữ”.

Tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Vinh, cô Hoa được phân công về công tác tại Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An. Môi trường làm việc và cuộc sống nơi miền đất này cho cô cơ hội được giảng dạy, tiếp xúc với nhiều học sinh người dân tộc thiểu số.

Cùng có những khó khăn, thiếu thốn chung nhưng mỗi học trò lại có một hoàn cảnh riêng, khi ở nội trú tại trường là các em phải sống xa gia đình, xa rời hơi ấm của người thân để tìm ước mơ thay đổi cuộc đời. Hiểu thấu sự trống trải và thiệt thòi của những cô cậu học trò nhỏ, ngoài những giờ học trên lớp, cô Kiều Hoa luôn cố gắng dành thời gian gần gũi, động viên, lắng nghe chia sẻ những tâm tư, nỗi niềm của học trò.

Cô Kiều trải lòng: “Học sinh trường tôi có em nhà cách trường hơn 300km, một năm có khi chỉ được về nhà hai lần vào kỳ nghỉ hè và Tết. Nhiều em xa gia đình, đi học nội trú khi mới 10 tuổi. Cuộc sống tự lập sớm, thiếu tình thương, sự quan tâm của gia đình nên trong đôi mắt các em luôn có nét đượm buồn.

Xác định mình phải là người mẹ thứ hai của các em, tôi và đồng nghiệp luôn cố gắng bù đắp sự thiếu thốn tình cảm đó, dù chỉ được một phần nhỏ nhưng các em sẽ yên tâm học tập, phấn đấu và không cảm thấy lạc lõng, thiếu vắng tình yêu thương”.

Thương học trò như thương con, luôn suy nghĩ làm sao giữ được các em cùng thầy cô “bám lớp bám trường”, cô Hoa và đồng nghiệp trong quá trình giảng dạy không chỉ trao cho các em kiến thức mà còn trao cả tình thương, lòng bao dung như người chung một mái nhà. Thầy cô là cha mẹ, là tấm gương để học trò phấn đấu, noi theo.

Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ít được hưởng sự quan tâm, chăm chút của bố mẹ, cô Hoa thường gặp gỡ, hỏi han, khơi gợi để các em chia sẻ những nghĩ suy, mong muốn hay lo lắng. Những ngày lễ, học sinh ở lại trường, cô gọi các em lên phòng làm việc, trò chuyện, thăm hỏi, lắng nghe tâm tư và chuẩn bị một ít hoa quả, bánh kẹo để cô trò cùng liên hoan.

“Tôi muốn học sinh hiểu được rằng mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng ai cũng có một giá trị riêng. Các em đừng mặc cảm, cuộc sống nhiều khó khăn càng cần bản lĩnh, có mục tiêu phấn đấu, vượt lên chính mình”, cô Hoa trải lòng.

Với đặc thù là trường dân tộc nội trú, học trò sinh hoạt và học tập tại trường, vấn đề quản lý học sinh để đảm bảo an toàn cho các em là việc không thể lơ là. Chăm lo đời sống tinh thần thế nào để các em chuyên tâm học hành, yêu trường mến bạn, chăm chỉ và cố gắng? Cô Kiều Hoa và Ban giám hiệu nhà trường coi trọng việc tổ chức nhiều hoạt động tập thể, thiết thực cho rèn luyện thể chất đồng thời tạo môi trường cho học sinh có cơ hội được tham gia, trải nghiệm.

Riêng với học sinh nữ, nhà trường thường xuyên sinh hoạt tổ nữ công để bồi dưỡng cho các em các kỹ năng nữ công gia chánh, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, biết cách xử lý và bảo vệ bản thân trước nhiều tình huống phức tạp của cuộc sống…


Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa trao chứng nhận kết nạp Đảng cho học sinh. Ảnh NTCC

Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa trao chứng nhận kết nạp Đảng cho học sinh. Ảnh NTCC

Đồng hành cùng trò chinh phục ước mơ

Nhiều năm qua, mặc dù có những học sinh đã ra trường nhưng cô Hoa vẫn luôn đồng hành, hỗ trợ để các em viết tiếp ước mơ tại giảng đường đại học. Hiện nay, cô phối hợp với một số doanh nghiệp đỡ đầu cho 20 sinh viên. Một trong số đó có Moong Thị Nhàn đang học ngành Sư phạm Tiếng Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Nhàn là học sinh người Khơ Mú đầu tiên của Nghệ An đạt 55,05 điểm (tổ hợp Khoa học xã hội) tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Gia đình Nhàn thuộc diện hộ nghèo, không có khả năng nuôi em học đại học, bởi vậy, hành trình đi tới ước mơ của em khá chông gai, gập ghềnh… Thấu hiểu cảnh ngộ của học trò, lo lắng cho tương lai của em, cô đã động viên Nhàn cố gắng thi đậu đại học, và hứa sẽ tìm cách hỗ trợ Nhàn bốn năm tiếp theo.

Như lời đã hứa, sau khi Nhàn đỗ đại học, cô Hoa đã “gõ cửa” các doanh nghiệp để xin tài trợ cho Nhàn và các học sinh khác đi học tiếp. Trước ngày các em đi nhập học, cô Kiều Hoa đã tổ chức gặp mặt tại trường, dặn dò, hướng dẫn các em các kĩ năng sống, kĩ năng học tập và thích ứng với môi trường học tập mới, cuộc liên hoan chia tay vì thế càng thêm bịn rịn.

 

Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa trao thưởng cho học sinh đạt giải học sinh thanh lịch của trường năm 2023. Ảnh: NVCC

                     Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa trao thưởng cho học sinh đạt giải học sinh thanh lịch của trường năm 2023. Ảnh: NVCC

“Tôi gắn bó với các em từ những năm mới vào trường THPT cho đến khi tốt nghiệp, phần nào đó tôi sẽ hiểu những hạn chế của các em khi muốn hòa nhập được trong môi trường mới. Tôi cũng muốn chia sẻ những kinh nghiệm sống các em thêm vững tin, quyết tâm và biết xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân để đạt được mục tiêu mà mình hướng đến”, cô Hoa tâm sự.

Cảm kích trước tình yêu thương như tấm lòng người mẹ, Nhàn và nhiều học sinh Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An luôn dành hai tiếng thân thương gọi cô là mẹ Hoa. Moong Thị Nhàn chia sẻ:

“Con đường đến với ước mơ của chúng em gần và tươi sáng hơn khi em được vào học tại trường dân tộc nội trú. Với hoàn cảnh bố mẹ làm nông dân, gia đình có tới 5 anh chị em, muốn học lên cao em chỉ có một lựa chọn duy nhất là phấn đấu được học ở trường dân tộc nội trú. Cũng chính ở nơi đây, em đã may mắn được gặp mẹ Hoa, mẹ đã động viên, giúp em viết tiếp ước mơ đến với giảng đường đại học”.

“Nhiều năm qua, có những học sinh của trường dù thi đỗ đại học nhưng gia đình không đủ điều kiện kinh tế để nuôi ăn học ở các thành phố lớn, các em đứng trước nguy cơ phải dừng lại giữa đường.

Cô Hoa đã tìm mọi cách có thể để giúp đỡ, hỗ trợ các em thực hiện ước vọng của mình. Hiện cô Hoa đã kêu gọi các doanh nghiệp giúp đỡ, cung cấp chi phí học tập suốt 4 năm đại học cho 20 sinh viên là cựu học sinh của trường. Đó là việc làm vô cùng trân quý, thiết thực và đầy ý nghĩa.

Cô Hoa luôn dành tình cảm thương quý đặc biệt với học trò vùng cao. Cô cũng là một nhà quản lý tâm huyết, sáng tạo, luôn ủng hộ giáo viên phát triển tối đa năng lực chuyên môn của mình”, cô Lê Thị Hồng - giáo viên môn Hoá, Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An chia sẻ.

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Các tin khác