Gương mặt tiêu biểu
GDVN-Nhờ những bài học lý thú với đa dạng hoạt động tương tác, có kiểm tra đánh giá, động viên, khích lệ và định hướng kịp thời nên các con có thêm hứng thú học tập.
Chính vì vậy, tôi cùng các đồng nghiệp đã xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình thực tế, chú trọng nội dung giáo dục học sinh theo 5 giá trị cốt lõi: Trung thực - Năng động - Hợp tác - Sáng tạo - Tinh thần trách nhiệm theo định hướng của nhà trường và lựa chọn phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp để tổ chức các hoạt động dạy học.
Nhờ những bài học lý thú với đa dạng hoạt động tương tác, thường xuyên có kiểm tra đánh giá, động viên, khích lệ và định hướng kịp thời mà các con học sinh có thêm nhiều hứng thú trong học tập, các bậc phụ huynh rất yên tâm tin tưởng”, cô giáo Trần Thu Thủy - Trưởng khối chủ nhiệm 7, Trưởng khối Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội) đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Cô Trần Thu Thủy (sinh năm 1989) đã được trao tặng danh hiệu “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 - 2021.Theo cô Thủy: “Nhận thấy những giá trị kết nối tuyệt vời của thời đại công nghệ 4.0, tôi đã tham gia các nhóm cộng đồng giáo viên, và học hỏi được từ đồng nghiệp nhiều bài giảng hay, các ý tưởng xây dựng hoạt động dạy học hiệu quả, nhiều tài liệu ôn tập bổ ích, đồng thời cũng chia sẻ những kinh nghiệm dạy học của bản thân tới các đồng nghiệp.
Công nghệ thông tin có vai trò đóng góp to lớn trong giáo dục, với môi trường đa phương tiện, học sinh sẽ được phát huy một cách tối đa giác quan qua những bài giảng, tài liệu được cung cấp bằng kênh hình, kênh chữ, âm thanh sống động, như vậy học sinh dễ tiếp thu và tăng hứng thú học tập. Bằng những trải nghiệm thực tế, tôi đã ứng dụng công nghệ thông tin ở ba phương diện: Tạo và quản lý lớp học trực tuyến; Thiết kế bài giảng E-learning và tạo phiếu bài tập, ôn tập, kiểm tra đánh giá học sinh”.
Xây dựng kho bài giảng điện tử môn Ngữ văn trung học cơ sở
Cô Thủy cho biết: “Để giúp cho những tiết học trên không gian mạng không bị nhàm chán và tăng hoạt động, tương tác của học sinh, tôi đã sử dụng kết hợp một số công cụ để thiết kế trò chơi học tập, phiếu bài tập cá nhân, rồi chia sẻ đường link từ những công cụ này để mỗi học sinh có thể truy cập và thực hiện được trong tiết học.
Hơn nữa, đối với những tình huống có vấn đề, những nội dung kiến thức khó đòi hỏi học sinh làm việc nhóm, tôi sử dụng một số phần mềm để thiết kế phiếu làm việc nhóm. Trong tiết học, những học sinh trong một nhóm có thể truy cập vào phiếu để thực hiện nhiệm vụ học tập, đưa ý kiến thảo luận. Học sinh trong một nhóm có thể nhìn thấy được ý kiến của các bạn, nhóm trưởng có thể tập hợp ý kiến, hoàn thành sản phẩm nhóm một cách dễ dàng, giáo viên cũng theo dõi được sản phẩm làm việc nhóm của học sinh trong quá trình các em thảo luận.
Để giúp cho các em học sinh có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, tự tìm hiểu hoặc ôn tập những kiến thức bài học, đặc biệt ở những nội dung kiến thức khó, những nội dung tự học có hướng dẫn, những bài học có nhiều nội dung kết nối với thực tiễn, tôi đã xây dựng kho bài giảng điện tử môn Ngữ văn trung học cơ sở.Đồng thời cũng đã chia sẻ tới đồng nghiệp như một nguồn tài liệu tham khảo, coi việc chia sẻ này cũng là cơ hội để nhận được những ý kiến đóng góp, trao đổi của đồng nghiệp, từ đó nâng cao năng lực chuyên môn cho bản thân.
Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, tôi đã đề xuất sáng kiến kinh nghiệm: “Ứng dụng công cụ Google Forms trong việc thiết kế phiếu học tập hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài mới môn Ngữ văn”. Cô giáo chia sẻ: “Sáng kiến này đã mang đến cho bản thân tôi những hiệu quả rõ rệt: Nâng cao khả năng sáng tạo và thực hiện được vai trò định hướng trong quá trình dạy học. Làm tốt công tác đầu tư cho tiết dạy sẽ giúp tôi luôn chủ động, linh hoạt trong khâu tổ chức, hướng dẫn học sinh tự khai thác kiến thức, cũng như quản lí việc học tập của học sinh, thu thập thông tin và phản hồi học sinh kịp thời.
Đối với học sinh, việc chuẩn bị bài mới môn Ngữ văn trên phiếu học tập Google Forms giúp các em phát huy được tính chủ động, tích cực trong học tập, rèn được thói quen tự học, ý thức chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp. Dễ dàng truy cập vào một khối lượng lớn thông tin và kiến thức có sẵn, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, có thể học tập mọi lúc, mọi nơi. Có được nguồn tư liệu ôn tập kiến thức môn Ngữ văn cụ thể, chi tiết, dễ nhớ”.
Cô Trần Thủy hướng dẫn học sinh áp dụng Công nghệ thông tin. Ảnh: NVCC. |
Cô Trần Thủy và các em học sinh Trường Trung học cơ sở Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Đổi mới trong sinh hoạt nhóm chuyên môn
Cô Thủy nói: “Trong sinh hoạt nhóm chuyên môn, với vai trò là trưởng nhóm Ngữ văn 8, tôi nhận thấy hình thức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học có nhiều ưu điểm và mang lại những giá trị thực tiễn. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, tôi cùng các đồng nghiệp trong khối đã nhất trí thực hiện sinh hoạt nhóm theo hình thức này với 2 nội dung/tháng. Thông qua nghiên cứu bài học, giáo viên được hợp tác làm việc cùng nhau để xây dựng một kế hoạch bài học hoàn chỉnh, phát huy được năng lực chuyên môn của tập thể; giúp giáo viên rèn luyện, củng cố, phát triển kĩ năng quan sát, hiểu học sinh hơn; đồng thời, giúp giáo viên tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn và đổi mới phương pháp dạy học.
Và cũng từ đầu năm học, trong sinh hoạt nhóm, chúng tôi đã cùng xây dựng nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển với chủ đề: “Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả dạy học”. Trong các buổi sinh hoạt nhóm chuyên môn, tôi cũng đã hướng dẫn đồng nghiệp thiết kế các phiếu bài tập trên các ứng dụng Google Forms, Quizzi, Nearpod, tạo lớp học và bài tập trên Azota, Padlet, thiết kế bài giảng điện tử bằng phần mềm Ispring. Chúng tôi đã cùng xây dựng kho tư liệu dạy học trên Google Drive với hàng nghìn file tài liệu phục vụ dạy học”.
Những tấm thiệp do học sinh làm tặng cô giáo Thủy. Ảnh: NVCC. |
Tổ chức tiết sinh hoạt lớp theo chủ đề
Cô Thủy chia sẻ: “Trong công tác chủ nhiệm lớp, tôi đã xây dựng và thực hiện các tiết sinh hoạt lớp theo chủ đề tháng. Từ đây, giáo viên đóng vai trò là người phân nhóm học sinh, định hướng chủ đề, quan sát quá trình thực hiện của từng nhóm. Các con lúc này là người thực hiện, tổ chức tiết sinh hoạt lớp theo chủ đề được phân công, với sự quan sát, đánh giá và hợp tác của các học sinh khác trong lớp.
Hình thức sinh hoạt lớp này không chỉ góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, tạo cho các con những kỉ niệm vui vẻ và đáng nhớ của tuổi học trò, mà đây còn là những điều kiện thuận lợi để các con tự nhận ra và phát huy những khả năng, năng khiếu của bản thân, nhận thấy được vai trò, vị trí quan trọng của mình trong tập thể, từ đó càng mạnh dạn, tự tin và có ý thức trách nhiệm hơn.Không chỉ chú trọng việc xây dựng lớp học đoàn kết, khơi dậy và phát huy những năng lực, năng khiếu cho học sinh, tôi còn chú ý việc giáo dục học sinh khi các con mắc lỗi. Bởi lẽ, đối với trẻ, việc mắc lỗi là không tránh khỏi. Và đặc biệt, từ những lần mắc lỗi, nếu trẻ được giáo dục, định hướng đúng đắn thì không chỉ giúp trẻ nhận ra lỗi lầm, biết cách sửa sai, mà còn giúp các con phát triển nhân cách tốt. Chính vì vậy, là một giáo viên chủ nhiệm, tôi thấy rằng phương pháp kỉ luật tích cực là điều cần thiết khi trẻ có những hành vi chưa phù hợp.
Tuy nhiên, trong trường hợp học sinh vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, việc sử dụng các “hình phạt tích cực” là không hiệu quả, tôi vẫn sẽ xét đến hình thức kỉ luật cao hơn, nghiêm khắc hơn, nhưng sẽ là không với xâm phạm thân thể và xúc phạm nhân phẩm học sinh. Mục tiêu mà tôi hướng đến đó là tính giáo dục và giá trị nhân văn.
Điều tôi luôn mong muốn là có thể tạo nên một lớp học thân thiện, hạnh phúc. Nơi mà các con học sinh luôn vui vẻ, hoà đồng, đoàn kết, thương yêu nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong học tập và đời sống. Nơi mà các con luôn cảm nhận được sự chan hòa của bạn bè và tình yêu thương của thầy cô”.
Thành tích ấn tượng của cô giáo Trần Thu Thủy - Được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2013. - Giấy khen “Bí thư Đoàn có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên” các năm học 2011-2012, 2012-2013, 2015-2016, 2016-2017 do Quận đoàn Thanh Xuân trao tặng. - Bằng khen “Cố vấn Đoàn có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên” – Năm học 2013-2014 do Thành đoàn Hà Nội trao tặng. - Có thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi năm học 2019-2020. - Giải “Gia đình tiêu biểu” cấp Trường, năm học 2020-2021. - Giải Xuất sắc cấp cụm – cụm thi đua số 7, giải Nhì cấp Quận cuộc thi “Cô giáo tài năng, duyên dáng” ngành Giáo dục Đào tạo quận Long Biên lần thứ VI, năm học 2020-2021. - Giải Ba cuộc thi “Duyên dáng áo dài Việt Nam qua ảnh” năm 2020 do Liên đoàn Lao động Quận Long Biên tổ chức. - Giải Nhất cấp Quận, giải Nhất cấp Thành phố cuộc thi “Thiết kế bài giảng, phần mềm dạy học” – Ngày hội Công nghệ thông tin lần thứ V do Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội tổ chức với bài giảng điện tử “Sông nước Cà Mau” – Ngữ văn 6. - Sáng kiến kinh nghiệm đạt loại A cấp trường với đề tài: “Ứng dụng công cụ Google Forms trong việc thiết kế phiếu học tập hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài mới môn Ngữ văn”. - Sáng kiến kinh nghiệm loại B cấp thành phố năm học 2020-2021 với bài giảng điện tử “Sông nước Cà Mau” - Ngữ văn 6. - Được đề nghị danh hiệu Chiến sĩ thi đua năm học 2020-2021. |
Chưa có bình luận nào cho bài viết này