Gương mặt tiêu biểu
GDVN- Mỗi học trò đều trở thành người lựa chọn và sáng tạo ra mục tiêu học tập cuối cùng, tôi luôn là người đồng hành và là tấm gương cùng các em chinh phục mục tiêu.
Để khơi nguồn, truyền cảm hứng và là tấm gương cho học sinh noi theo, tôi đặc biệt coi trọng việc tự học, dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, về phương pháp dạy học mới, khi đã hiểu rõ hơn tôi đã vận dụng vào quá trình giảng dạy và nhận thấy bản thân yêu nghề hơn, học sinh hứng thú hơn.
Sau khi áp dụng với học sinh của mình đạt hiệu quả, tôi đã chia sẻ, lan tỏa những kinh nghiệm đó tới bạn bè đồng nghiệp”, cô Nguyễn Thị Dung - Giáo viên Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh (huyện Đan Phượng, Hà Nội), đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. (cô Dung sinh năm 1986, đã tham gia dự thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 – 2021).
Cô Nguyễn Thị Dung - Giáo viên Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh (huyện Đan Phượng, Hà Nội) tham gia dự thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 – 2021. Ảnh: NVCC.
|
Theo cô Dung: “Bộ não con người gồm 2 phần ý thức và tiềm thức, và để lưu giữ kiến thức, kĩ năng vào tiềm thức có 2 cách: Học và lặp đi lặp lại kiến thức, kĩ năng đó nhiều lần hoặc tác động vào tư tưởng, tình cảm của học sinh bằng tình yêu thương, tình cảm tích cực, gây ấn tượng với học sinh hoặc sử dụng các hình ảnh, âm thanh trực quan sinh động. Qua đó, tôi đã nghiên cứu sâu các cách để áp dụng khoa học tiềm thức vào dạy học Địa lí và rèn luyện đạo đức, kĩ năng cho học sinh lớp chủ nhiệm.
Để môn Địa lí trở thành một môn học thú vị, là con đường ngắn nhất để kiến thức kĩ năng đi vào tiềm thức học sinh, tôi đã sử dụng các ý tưởng tổ chức giờ học một cách sáng tạo giúp việc dạy và học trở nên vui vẻ, kích thích sự tò mò, khơi nguồn, truyền cảm hứng để học sinh cảm thấy tiết học nhẹ nhàng, bổ ích, giúp học sinh phát huy tối đa năng lực của mình. Từ đó các em sẽ chuyển từ trạng thái cần phải học sang trạng thái muốn học, tự giác học.
Mỗi học trò trở thành người lựa chọn và sáng tạo nên mục tiêu học tập cuối cùng, tôi luôn là người đồng hành và là tấm gương cùng các em chinh phục mục tiêu thông qua lập kế hoạch cụ thể, chi tiết; Lựa chọn phương pháp phù hợp với đối tượng; Tổ chức thực hiện kế hoạch nghiêm túc, trách nhiệm; Đánh giá kết quả và rút ra bài học kinh nghiệm.
Trong thời đại 4.0, việc tăng cường sử dụng công nghệ thông tin là rất cần thiết, tôi tích cực học hỏi và ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi nhiệm vụ: 100% các giờ học tôi đã giảng dạy bằng giáo án điện tử, hướng dẫn cho học sinh biết làm bài trình chiếu Powerpoint, hoạt động của câu lạc bộ Stem thành công được phần lớn nhờ ứng dụng công nghệ thông tin.
Kết hợp giao nhiệm vụ về nhà, trên lớp phù hợp để các em phát huy năng lực tự học, kĩ năng thuyết trình, liên hệ thực tế, thu thập thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập, hoạt động nhóm và nhiều kĩ năng khác.Tôi luôn chú trọng hướng dẫn học sinh cách học Địa lí thông qua “Hiểu bản chất” học qua khai thác biểu đồ, bảng số liệu, đọc bản đồ, lược đồ tranh ảnh, kết hợp với kênh chữ và những hiểu biết và kiến thức đã học để rút ra bài học và kiến thức mới, không nên chú trọng “Học thuộc lòng” như quan điểm trước đây nhiều người nhầm lẫn.
Bằng các kĩ năng được rèn luyện và những dàn ý cơ bản về các đặc điểm tự nhiên, dân cư, kinh tế xã hội đã được tôi hướng dẫn qua các tiết học đặc biệt là các tiết trải nghiệm, thực hành giúp học sinh lĩnh hội kiến thức Địa lí một cách nhẹ nhàng tự nhiên và hiệu quả. Đặc biệt công nghệ hiện đại giúp cung cấp một cánh cổng tới một hệ thống kiến thức khổng lồ do vậy việc sử dụng các công cụ, công nghệ kỹ thuật số như các tài liệu nghe nhìn, mô hình, phim, hình ảnh, không gian 3D hoặc các công cụ bản đồ tư duy,...bổ sung cho các tài liệu trong sách giáo khoa giúp xây dựng các ý tưởng dạy học Địa lý thú vị, giúp trí tưởng tượng của học sinh phát triển“.
Ứng dụng các kĩ thuật giúp học sinh nhớ sâu bài học
Cô Dung nói: “Tôi đã áp dụng triệt để các phương pháp giáo dục mới nhằm phát huy năng lực học sinh như giao cho các em nhiệm vụ chuẩn bị bài ở nhà, hướng dẫn lựa chọn các hình thức như tiểu phẩm, đóng vai, trò chơi,... để “khởi động” đầu giờ học, hoặc lựa chọn các hiện tượng thực tế có liên quan tới bài học để tạo hứng thú, kích thích sự tò mò cho học sinh tìm câu trả lời.
Việc ứng dụng các kĩ thuật dạy học mới giúp học sinh hứng thú, nhớ lâu, nhớ sâu bài học, phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh. Rất nhiều những tình huống thực tế, những hiện tượng tự nhiên gần gũi trong cuộc sống có thể đặt vấn đề để học sinh quan sát, phân tích, tính toán, giải thích và rút ra những kiến thức mới bổ ích gắn liền và áp dụng vào cuộc sống, ví dụ: Tại sao đêm tháng 5 chưa nằm đã sáng, ngày tháng 10 chưa cười đã tối. Hoặc như ở sảnh của các khách sạn có rất nhiều đồng hồ với khung giờ khác nhau, ghi tên các địa điểm trên thế giới? Tại sao miền Nam nước ta không có mùa đông lạnh?,...
Học sinh Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh (huyện Đan Phượng, Hà Nội) trong lễ kết nạp Đoàn viên, năm học 2020 – 2021. Ảnh: NVCC. |
Đặc biệt với các tiết học ôn tập, tôi giao cho học sinh chuẩn bị các trò chơi theo bộ câu hỏi, các em sẽ chuẩn bị phương án và triển khai trên lớp dưới dạng các trò chơi. Các hoạt động của học sinh luôn rõ ràng về nhiệm vụ, được tôi hướng dẫn chi tiết và có thang đánh giá cụ thể nên học sinh luôn chủ động và háo hức thực hiện, chủ động tổ chức và thể hiện bản thân.
Tôi đã khai thác triệt để tính năng phòng học Zoom, phối hợp chọn lọc các phần mềm khác như Padlet, Lino để tổ chức dạy học linh hoạt và áp dụng các kĩ thuật dạy học mới trong dạy học trực tuyến như: Sử dụng kĩ thuật động não kết hợp phần mềm Padlet để dạy phần khởi động. Ví dụ tiết học về thiên nhiên Châu Phi, tôi đã đưa ra một câu hỏi đơn giản: Hãy nêu những hiểu biết của mình về châu Phi? Ngay lập tức trên màn hình hiện lên các câu trả lời của các con, học sinh cả lớp quan sát rất dễ dàng.
Sử dụng tính năng chia phòng họp của Zoom với Padlet để cho học sinh thảo luận nhóm và trưng bày sản phẩm nhóm, áp dụng cho các con tự đánh giá qua bình luận bài nhóm bạn, cho điểm nhóm bạn theo tiêu chí cô đưa ra. Sử dụng kĩ thuật Khăn trải bàn và phần mềm Lino, google trang tính để chia nhóm thảo luận và theo dõi được kết quả từng học sinh trả lời. Với các hình ảnh 3D sống động, các bài tập tương tác trực tiếp trên phần mềm giúp các con dễ tư duy, tưởng tượng, luyện tập nắm chắc được đặc điểm vị trí các đối tượng Địa Lí.
Đặc biệt tôi đã áp dụng thành công mô hình “Lớp học đảo ngược” trong dạy học trực tuyến. Xây dựng một thư viện bài giảng E- learning trên Google drive, gửi link bài giảng cho học sinh trước mỗi giờ học để các con nghiên cứu bài ở nhà trước, hoàn thiện phiếu học tập trên Padlet với kĩ thuật KLW qua đó tôi nắm được các con đã biết gì, con học được thêm điều gì, con chưa hiểu hay băn khoăn, muốn biết thêm điều gì để tổ chức các hoạt động học trên lớp phù hợp và hiệu quả".
Muốn học sinh "cá biệt" thay đổi, hãy cho các em cơ hội |
Luôn kết hợp đánh giá theo sát sự tiến bộ của học sinh
Cô Dung chia sẻ: “Giáo dục phải làm cho người học thích học, đánh giá phải là một động lực giúp người học phấn đấu và thích vươn lên, đánh giá được dùng như một phương tiện để hỗ trợ học tập, hướng đến sự tiến bộ của người học.
Chính vì vậy ngoài tổ chức các hoạt động học tập trải nghiệm vui, tôi luôn kết hợp đánh giá theo sát sự tiến bộ của học sinh, mỗi khi các em có tiến bộ, tôi luôn ghi nhận và khích lệ, động viên kịp thời mỗi sự tiến bộ của từng em.
Trong đánh giá thường xuyên tôi thường thông qua cho điểm các sản phẩm dự án, mô hình, thiết kế video hoặc tôi sử dụng phần mềm Plicker tạo trò chơi khởi động, củng cố bài học, tôi nhận thấy học sinh hào hứng thích được kiểm tra nhiều hơn cách kiểm tra truyền thống, cuối mỗi tiết học các con rất háo hức được giao nhiệm vụ mới.
Tôi luôn tìm tòi và ứng dụng các phần mềm như Quizizz, Plicker, Kahoot, Google form trong dạy học để củng cố kiến thức, kiểm tra đánh giá kiến thức và kĩ năng của học sinh. Sau một thời gian áp dụng các biện pháp, tôi đã nhận thấy hiệu quả của giờ học tăng lên rõ rệt. Học sinh đã tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động học tập. Giờ học sôi nổi hơn rất nhiều, các em cảm thấy hứng thú hơn, tự tin hơn trong các hoạt động học tập. Đặc biệt là năng lực sáng tạo và năng lực nghiên cứu khoa học của học sinh luôn được phát huy”.
Cô Dung với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi Đội tuyển Địa lí 9 của Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh và của Huyện Đan Phượng do cô Dung bồi dưỡng đã đạt kết quả tốt: Nhiều năm liên tục số học sinh đạt giải nhất, giải nhì cấp huyện, và cấp thành phố. Năm học 2018 - 2019: Có 8 học sinh đạt giải cấp Thành phố trong đó có 4 giải nhì, 3 giải ba, 1 giải khuyến khích. Năm học 2019 - 2020: Có 9 học sinh đạt giải cấp thành phố trong đó: 3 giải nhì, 4 giải ba và 2 giải khuyến khích. Năm học 2020 - 2021: Có 8 học sinh đạt giải cấp Thành phố trong đó có 3 giải nhì, 3 giải ba và 2 giải khuyến khích Cô Dung cho biết đã chia sẻ kinh nghiệm trong hơn 10 năm dạy đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện, cấp thành phố với bạn bè, đồng nghiệp, để nâng cao chất lượng giảng dạy môn Địa lí. Luôn chủ động, sáng tạo trong việc vận dụng những sáng kiến kinh nghiệm tiên tiến vào thực tiễn giảng dạy. Tôi có nhiều sáng kiến đổi mới, giải pháp cụ thể đã và đang được áp dụng có hiệu quả tại Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh. Nhiều sáng kiến được xếp loại A, B cấp Huyện, giải C cấp Thành phố. |
Chưa có bình luận nào cho bài viết này