Gương mặt tiêu biểu
GD&TĐ - Vượt qua mọi khó khăn, cô Lê Thị Thu Trang (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đã lặng thầm mang đến những "mầm xanh hy vọng" cho những mảnh đất khô cằn, thắp sáng ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số...
Mong mang được "con chữ" cho trẻ em nghèo
Cô Lê Thị Thu Trang (SN 1982, là người đồng bào dân tộc Nùng, sinh ra ở Làng Cao, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) hiện đang làm giáo viên dạy môn Ngữ văn Trường tiểu học và THCS EaTrol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên).
Cô Trang cho biết, ông bà nội đều là người dân tộc Nùng, từng tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng và là dân công hỏa tuyến.
“Tuổi thơ tôi gắn liền với miền quê, những buổi chăn trâu, cắt cỏ, mò cua,... Bố mẹ tôi ly hôn khi tôi mới 2 tuổi, em trai 10 tháng tuổi. Cả bố và mẹ đều đi công tác xa nhà, chị em tôi khi thì ở với ông bà nội lúc thì sống với ông bà ngoại…”, cô Trang kể lại.
Đến năm 1992, lúc đó cô Trang được 10 tuổi thì mẹ đưa 2 chị em chuyển đến huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên định cư.
Đây là một vùng đất xa lạ và thiếu thốn trăm bề. Mẹ cô lúc bấy giờ đã chọn một khoảng đất rồi cất nhà tạm để ổn định nơi ở.
Thấu hiểu được được hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình, hằng ngày cô Trang cùng người em của mình chăm chỉ cuốc đất trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn để ổn định cuộc sống. Cứ thế, ba mẹ con nương tựa nhau mà sống nơi “đất khách quê người”.
Cô Trang cho biết, ngay từ nhỏ cô đã ước mơ làm cô giáo, bởi nhìn thấy trẻ con trong buôn làng không được đi học nên rất thương.
“Tôi chỉ mong mang được con chữ cho trẻ em nơi đây để giúp các em thay đổi cuộc sống”, cô Trang chia sẻ.
Ấp ủ ước mơ làm cô giáo của mình, đến năm 1997, khi vừa tốt nghiệp THCS cho đến suốt những năm học cấp 3, cô Trang đã xung phong tham gia Chiến dịch Thanh niên tình nguyện xoá mù chữ do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Phú Yên tổ chức.
“Tôi rong ruổi đến các buôn làng dạy thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết, được cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bà con buôn làng với bao kỷ niệm và cảm xúc không thể phai nhòa.
Có lẽ những tháng ngày ấy đã góp phần “hun đúc”, truyền thêm sự kiên định để tôi hiện thực hóa ước mơ cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” nơi gian khó”, cô Trang nói.
Tốt nghiệp vào tháng 10/2003, cô Trang được Phòng GD&ĐT huyện Sông Hinh phân công dạy học tại Trường Phổ thông cấp 2-3 Tân Lập, xã EaBar (nay là trường THPT Tôn Đức Thắng).
Sau đó, cô được điều động đến dạy học tại trường THCS EaLy vào năm 2012 và chuyển đến giảng dạy tại trường TH và THCS EaTrol từ năm 2014 cho đến nay.
Giữ văn hóa vùng cao
Cô Trang cho hay, trong hơn 17 năm làm nghề, tất cả những ngôi trường mà cô đã và đang công tác đều ở trên địa bàn xã nghèo, vùng sâu, vùng xa của huyện Sông Hinh.
Học sinh theo học tại các ngôi trường này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số người Êđê, Bana, Dao, Nùng… nên thường có tâm lý ngại giao tiếp, ít cởi mở, ít hòa đồng, ít dám thể hiện mình trước tập thể.
Các em học sinh mặc dù biết tiếng phổ thông, đọc viết được, nhưng để hiểu sâu về Văn học thì cực kỳ khó khăn dẫn đến chất lượng dạy Ngữ văn ở đây chưa được đảm bảo.
“Thật lòng cũng có lúc tôi cảm thấy nản vì nhiều khi mình giảng phân tích các vấn đề văn học mà học trò không hiểu gì.
Những lúc ấy tôi cảm thấy vô cùng bất lực, có những lúc rơi nước mắt nhưng cố gắng vượt qua.
Tôi luôn nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học làm cho học sinh thích môn của mình, bởi có thích thì các em mới học được.
Tôi cố gắng khơi gợi cảm xúc về một tác phẩm văn học đến các em một cách chân thực nhất.
Đến khi các em biết viết một đoạn văn hoặc một bài văn theo cảm xúc của mình mà không cần theo khuôn mẫu nào là tôi đã mừng rơi nước mắt”, cô Trang chia sẻ.
Cũng theo cô Trang, có những năm tỷ lệ học sinh bỏ học khá cao, bởi có những phụ huynh và học sinh đều có ý nghĩ cũ kỹ và lạc hậu.
Tuy nhiên, cũng có những hộ gia đình quá khó khăn về kinh tế nên không muốn cho con đi học, để ở nhà làm rẫy, chăn bò.
Vì vậy mà hằng năm luôn có học sinh bỏ học giữa chừng.
Chính vì vậy, cô Trang đã không quản ngại đường xá xa xôi, trời mưa hay nắng, cô đến từng nhà để tuyên truyền vận động phụ huynh thay đổi nhận thức về việc cho con đi học, đồng thời hết lòng yêu thương, dạy dỗ, trao truyền cho học sinh kiến thức, truyền lửa cho các thế hệ học trò về nghị lực, lòng kiên trì vượt khó để nuôi dưỡng, đạt được ước mơ, hoài bão giống như mình hiện tại.
“Với những hoàn cảnh học sinh mồ côi, đặc biệt khó khăn, tôi luôn giúp đỡ về vật chất và động viên về tinh thần”, cô Trang nói tiếp.
Gần 20 năm làm nghề “gõ đầu trẻ”, có nhiều lúc áp lực, buồn bã. Thế nhưng niềm thương yêu học trò đã giúp cô vượt qua tất cả, dù có bất cứ chuyện buồn nào trong nghề cũng không làm cô Trang gục ngã.
Ngược lại, nó giúp cô mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, chín chắn hơn, nỗ lực nhiều hơn nữa vì tương lai của các em học sinh.
Chia sẻ về ước mơ của mình, cô Trang tâm sự: “trẻ em nơi phố thị được ăn ngon, mặc đẹp, được cưng chiều trong vòng tay cha mẹ, ông bà.
Lê Thị Thu Trang (bìa phải) đang dạy cho các em học sinh. Ảnh: NVCC
Còn các em ở đây, dù nhỏ tuổi vẫn có thể phụ giúp cha mẹ những công việc nhỏ ở nhà, chăm sóc em cho cha mẹ đi làm hoặc phụ giúp cha mẹ mưu sinh kiếm sống.
Chính vì thế, tôi ước có hơn 600 bộ quần xanh áo trắng để tặng học sinh để các em tự tin, vui tươi khi đến trường; Ước có sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh... qua đó góp phần giảm tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng”.
Có thể thấy, những trăn trở, ước mơ của cô Trang hướng đến một mục đích cuối cùng đó chính là vì học sinh thân yêu. Bởi với cô Trang, hàng chục năm nay, niềm vui lớn nhất trong suốt sự nghiệp “trồng người” của cô chính là sự tiến bộ các em học sinh, qua đó “thắp sáng” ước mơ cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Cô Lê Thị Thu Trang là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, UBND huyện, tỉnh tặng bằng khen, và nhiều giấy khen khác… Vào ngày 17/11/2020 vừa qua, tại Thủ đô Hà Nội, cô giáo Trang vinh dự là 1 trong 63 giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu trên toàn quốc được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tổ chức. |
Chưa có bình luận nào cho bài viết này