Cô Mai Thị Bích Nguyện ra trường và công tác tại Trường THCS An Bài (Quỳnh Phụ, Thái Bình) từ tháng 9/1995. Khi đó, An Bài đã là trường có “thương hiệu”, đặc biệt là về đổi mới dạy học môn Ngữ văn. “Dạy văn như An Bài” là câu nói đồng nghiệp gần xa yêu mến tặng nhà trường và đến nay vẫn quen thuộc.
Trong môi trường này, cô Nguyện nhanh chóng khẳng định uy tín chuyên môn, tài năng sư phạm, trở thành “Viên phấn vàng” và là một trong những giáo viên nòng cốt của huyện Quỳnh Phụ nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung. Đây cũng là thời điểm cô phấn đấu hoàn thành chương trình đại học ngành Văn.
“Trong 3 năm, từ năm 1997 đến 1999, để hoàn thành chương trình đại học, tôi phải đạp xe hai lượt đi về 50 km mỗi ngày. Quãng thời gian vất vả nhưng vô cùng ý nghĩa khi nỗ lực của tôi được đền đáp xứng đáng với kết quả học và dạy đều hoàn thành tốt.” - cô Mai Thị Bích Nguyện chia sẻ.
Thời gian 10 năm là giáo viên, năng lực chuyên môn của cô Nguyện không chỉ góp phần giúp kết quả môn Ngữ văn, Giáo dục công dân ở THCS An Bài đứng đầu huyện, mà còn lan tỏa tích cực trong ngành.
Cô Mai Thị Bích Nguyện và học trò. |
Nhiều năm đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh, cô không ít lần được nhà trường phân công tổ chức chức báo cáo mô hình hoạt động, trực tiếp giảng dạy đón các các đoàn giáo viên các tỉnh: Hải Phòng, Hà Nội, Hà Bắc; Hà Nam, Bắc Ninh… về dự giờ học tập. Cô cũng nhiều năm được Phòng GD&ĐT Quỳnh Phụ giao cố vấn cho giáo viên tham dự Hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh đoạt giải cao.
Tháng 9/2005, cô Nguyện được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường THCS An Bài. Suốt thời gian từ khi vào nghề đến tháng 8/2009, trên cương vị giáo viên, tổ trưởng tổ chuyên môn Khoa học xã hội, hay Phó hiệu trưởng, cô đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có đóng góp rất ý nghĩa trong việc góp phần xây dựng trường THCS An Bài - đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Bước ngoặt quan trọng với cô Mai Thị Bích Nguyện là thời điểm tháng 9/2009, khi được điều động về làm hiệu trưởng Trường TH-THCS An Vũ. Nói là bước ngoặt, nhưng cũng đồng thời là thử thách bởi TH-THCS An Vũ khi đó được đánh giá là “vùng trũng” về chất lượng của huyện.
“Tôi không thể quên những ngày đầu mới về trường. Cơ sở vật chất thiếu, có lúc khu nhà tầng 10 phòng học xuống cấp, cơ quan chức năng đóng cửa, phải ra nhà văn hóa thôn học, học ở lán xe. Giáo viên cũng thường xuyên thiếu, có lúc thiếu tới 12 người.” - cô Nguyện nhớ lại.
Một góc vườn hoa Trường TH-THCS An Vũ. Cô Mai Thị Bích Nguyện là người vô cùng tâm huyết với mô hình sinh thái giáo dục; cũng là mô hình rất đặc biệt không chỉ với giáo dục Thái Bình. |
Khó khăn chồng chất, bí quyết mà cô Nguyện chia sẻ để TH-THCS An Vũ thay da, đổi thịt nằm ở 8 từ: “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Một loạt những công việc được cô tân Hiệu trưởng triển khai quyết liệt: Đổi mới quản lý, quản trị trường học; xây dựng 27 tiêu chí thi đua, đánh giá cán bộ giáo viên toàn diện, công bằng, khách quan; thực hiện tốt dân chủ trong trường học, phát huy trí tuệ tập thể; đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, chú trọng nội dung, tránh hình thức; chú trọng bồi dưỡng đội ngũ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, quản trị nhà trường; đưa chương trình giáo dục tiên tiến vào nhà trường; xây dựng các điển hình tiên tiến …
Cô hiệu trưởng đồng thời tham mưu các cấp, kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất nhà trường với 20 phòng học khang trang, trang thiết bị hiện đại, nhà đa năng đạt chuẩn, phòng học thông minh di động… đáp ứng yêu cầu dạy học.
“Xây dựng môi trường trường học hạnh phúc vô cùng quan trọng, để cán bộ, giáo viên học sinh đến trường thấy vui, hạnh phúc. Như câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh “Thầy cô hạnh phúc sẽ làm thay đổi cả thế giới”. Với quan điểm này, cô Nguyện đã cùng tập thể đưa Trường TH-THCS An Vũ vươn lên từ top cuối lên top đầu của huyện Quỳnh Phụ.
Nhà trường có những hoạt động vượt ra ngoài “biên giới” huyện. Số học sinh, giáo viên giỏi huyện, tỉnh tăng nhanh. Nhà trường từ chỗ chỉ có 1 giáo viên giỏi, nay số này đã tăng lên đến 15 và có chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh. Học sinh của trường có 3 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp Quốc gia; 2 em được chọn vào đội tuyển cấp Quốc gia.
Hai lần, Trường TH-THCS An Vũ được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc và là trường xếp vị trí đầu trong số 24 trường sáp nhập; được khối thi đua xếp thứ nhất và được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua…
Cô Mai Thị Bích Nguyện nhận giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12. |
Trọn vẹn tâm, tài
Dấu ấn của cô Mai Thị Bích Nguyện không chỉ ở sự thay đổi ấn tượng của Trường TH-THCS An Vũ mà còn ở nhiều hoạt động xã hội thiện nguyện, cũng như thành tích trong nghiên cứu, lan tỏa sáng kiến giáo dục hữu ích. Cô chính là người tham mưu các cấp lắp đặt cụm đèn giao thông tại ngã tư Vũ Hạ, Quốc Lộ 10 để giảm thiểu tai nạn cho những người qua cung đường này.
An Vũ hiện nay là cơ sở giáo dục làm rất tốt công tác hỗ trợ học sinh nghèo. Bản thân cô hiệu trưởng, nhiều năm qua đã trực tiếp đến tận nhà học sinh kiểm tra bài đối với những hoàn cảnh éo le. Từ đó, hình ảnh cô hiệu trưởng, giáo viên trường An Vũ mỗi tối đến nhà học sinh có bố mẹ đi làm ăn xa, hay hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ học tập đã trở thành quen thuộc với người dân nơi đây.
Quan tâm đặc biệt đến học sinh khó khăn, cô hiệu trưởng nhiều năm liền trích tiền lương để làm phần thưởng, hoặc mua sách, bút, quần áo làm quà tặng cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực trong học tập. Các quỹ do cô phát động, hoặc cùng Ban Chấp hành Công đoàn trường vận động (Quỹ Tình thương, Hũ gạo tình thương) góp phần giúp nhiều học sinh nghèo có thêm điều kiện tới trường, cũng như tạo động lực cho học sinh của trường phát triển tài năng.
Cô Mai Thị Bích Nguyện cùng giáo viên đến nhà học sinh nghèo vượt khó để trao quà. |
Không chỉ dừng lại ở học sinh Trường TH-THCS An Vũ, 27 năm qua, cô Mai Thị Bích Nguyện đã kêu gọi nhà hảo tâm, doanh nghiệp xây dựng 4 ngôi nhà khăn quàng đỏ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; hàng nghìn bộ quần áo, hàng nghìn sách vở cho học sinh vùng cao, học sinh miền Trung vùng lũ lụt; ủng hộ nhân dân nghèo sổ bảo hiểm trị giá 350 triệu đồng.
Cô cũng vận động được 3 sổ tiết kiệm cho học sinh nghèo; hàng trăm suất quà Tết cho học sinh; hàng chục xe đạp, quần áo, balo cho học sinh trị giá hàng trăm triệu đồng. Cùng với đó là hàng chục tấn gạo cho học sinh, dân miền Trung bị lũ lụt, học sinh, nhân dân địa phương có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa...
Sáng tạo trong công việc, vốn liếng nghề giáo của cô Nguyện đến nay đã có hàng chục sáng kiến kinh nghiệm; trong đó nhiều sáng kiến xếp loại A của huyện, tỉnh được đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh vận dụng rộng rãi.
Cô đồng thời có 1 giải pháp khoa học đoạt giải Nhất trong hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc; 2 đề tài đoạt giải Nhất trong Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia; 1 giải pháp đoạt giải Nhì hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc; 1 giải pháp được Tổ chức thế giới WIPO tặng khen. Nỗ lực này của cô được ghi nhận bởi 5 lần tặng Bằng lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
|
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trao Bằng khen cho nhà giáo Mai Thị Bích Nguyện ngày 18/11 vừa qua. |
Một số thành tích tiêu biểu của cô Mai Thị Bích Nguyện:
- Liên tục từ năm 2015 đến 2020: Được đảng uỷ, huyện uỷ, tỉnh uỷ, Ban tuyên giáo Trung ương tặng khen là điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.
- Được Bộ GD&ĐT, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh Thái Bình tặng khen là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua Ái Quốc giai đoạn 2015-2020.
- Năm 2016, 2018, 2022: Được Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Thái Bình bình chọn là tri thức tiêu biểu của tỉnh.
- Đạt phụ nữ xuất sắc 5 năm; công nhân viên chức lao động xuất sắc 5 năm (2015-2020).
- 3 lần được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ; 1 huân chương Lao động hạng 3; 5 bằng Lao động sáng tạo…
- Năm 2021, cô là nhà giáo duy nhất của tỉnh Thái Bình được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.
- Năm 2022, cô là 1 trong 200 nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 1982-2022 được Bộ GD&ĐT vinh danh.