Sự thông minh và tính cách là mục tiêu thật sự của giáo dục''

Ngày 10 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Góc tương tác » Góc giáo viên

Gương mặt tiêu biểu

Cập nhật lúc : 14:25 19/11/2021  
Tình yêu cổ tích 17 năm của thầy giáo Toán


HÀ NỘI- Mỗi độ 20/11, thầy cô một trường THCS ở Mỹ Đức thường kể cho học trò câu chuyện tình cổ tích của đôi vợ chồng giáo viên nên duyên ở ngôi trường này. "Không chỉ là tình yêu đẹp. Thầy cô ấy còn là tấm gương về nghị lực, sự chung thủy và đức hy sinh", cô Nguyễn Thị Tuyền, giáo viên của trường mở đầu câu chuyện với học trò.

 

Người được nhắc tên là cô Dư Phương Liên, 40 tuổi, giáo viên Văn và thầy Đàm Trọng Tuấn, 46 tuổi, giáo viên Toán. Năm 2004, họ lần đầu gặp nhau khi cô giáo trẻ ở Hà Đông đến Mỹ Đức nhận công tác.

Đêm đầu tiên một mình ở nơi mới, cô Liên cảm thấy lo sợ khi ngôi trường không có cổng, không có tường bao. Đúng lúc đó, thầy Tuấn đến phụ xếp đồ và dặn sẽ ngủ cùng bác bảo vệ trường, có gì cần cứ gọi. Sự quan tâm tinh tế này khiến cô giáo trẻ cảm động.

Vài ngày sau, đồng nghiệp cùng đợt phân công mới lục tục kéo về khu tập thể. Dù cô Liên không còn một mình, thầy Tuấn vẫn năng qua khu tập thể, phụ đảo ngói, tráng bê tông nền nhà. Trưa nào anh cũng làm đầu bếp nấu cơm cho các giáo viên.

"Liên nhỏ nhắn, hiền lành nhưng cũng rất thẳng thắn. Trong các buổi dự giờ các giáo viên có thâm niên hơn, Liên không ngại góp ý chuyên môn", anh Tuấn nhớ lại lý do mình cảm mến người đồng nghiệp khi ấy. Cô giáo dạy Văn cũng mến anh thầy dạy Toán kiệm lời nhưng chân thành, nồng nhiệt. Họ thành đôi năm 2006. Tổ ấm nhỏ hạnh phúc hơn khi một đứa trẻ lớn dần trong bụng chị.

 

Vợ chồng anh Tuấn về chung một nhà năm 2006. Ảnh nhân vật cung cấp

Vợ chồng anh Tuấn về chung một nhà năm 2006. Ảnh nhân vật cung cấp


Đến tháng thứ sáu của thai kỳ, đột nhiên mọi âm thanh xung quanh cô Dư Phương Liên biến mất. Cơ thể không chút sức lực. Các bệnh viện không tìm ra nguyên nhân.

Cuối năm 2006, Liên được chỉ định mổ lấy thai, sau đó chuyển đến bệnh viện Việt Đức. Bác sĩ kết luận cô bị u não phải phẫu thuật, cơ hội sống chỉ 50%. Anh Tuấn bế con đến gặp mẹ, chụp rất nhiều ảnh và nói dối vợ là mổ chữa điếc tai.

Tỉnh lại sau ca mổ, chị Liên bị méo miệng, liệt một bên mặt, hỏng một mắt, chân đi không vững. Nhưng anh Tuấn không quan tâm vẻ bề ngoài của vợ. "Lúc dìu tôi đi, anh ấy vui vẻ nhún nhảy. Tôi cứ la oai oái chẳng biết mình vừa qua cửa tử", chị Liên nhớ lại.

Nhìn thấy một gương mặt méo xệch, đầu trọc lốc trong gương, Liên không tin đây là sự thật. Anh Tuấn an ủi vợ: "Đầu trọc thì đẹp trai, gội đầu nhanh hơn rửa mặt, có sao đâu". Rồi anh thuê xe để chị về thăm con. Nhìn chồng đặt con trên một cách tay đung đưa để dỗ uống sữa, cô giáo trẻ nhận ra gia đình là tài sản quý giá mà bệnh tật không thể cướp được. "Tôi phải sống để trả cho hai bố con một mái ấm gia đình đúng nghĩa", chị Liên nhớ lại.

Anh Tuấn mua inox về hàn thành thanh vịn đặt song song với tường để chị tập đi. Sau ba tháng, Liên đi lại và chủ động được sinh hoạt, họ đón con về nhà chị ở Hà Đông. Anh Tuấn chuyển hộ khẩu về hẳn nhà vợ, chuyển trường vì nghĩ chị ở gần mẹ đẻ sẽ thoải mái hơn.

Nhưng bão tố chưa chịu buông tha gia đình họ. Các năm 2008, 2010, Liên phải phẫu thuật cắt bỏ các khối u mới. Năm 2011, bác sĩ lại phát hiện khối u chạy dọc lưng sống chị, nhưng không thể loại bỏ.

Thấy chồng còng lưng làm việc trả nợ cho mình, Liên đề nghị ly hôn, đồng ý để anh mang theo con. Anh Tuấn lắc đầu: "Vợ chồng là duyên nợ, không phải muốn đến là đến, muốn đi là đi". Những lần sau, khi cứ chị mở lời là anh lẳng lặng bỏ ra chỗ khác.

Không thuyết phục được chồng, Liên viết thư cho bố mẹ chồng nhờ khuyên giải, nhưng ông bà cũng gạt đi. Lần nào chị phẫu thuật, mẹ chồng cũng lên nhà con dâu trước một ngày chuẩn bị đồ đạc. Lúc vào viện, mẹ đẻ đi lo thủ tục nhập viện, mẹ chồng trông coi đồ đạc. Những ngày Liên tập đi, hai bà hai bên dìu con bước.

Anh Tuấn lao vào những ca dạy thêm để lo tiền viện phí. Những ngày chị phải đến viện điều trị, chiếc xe máy cà tàng luôn có bốn người ngồi. Tuấn đưa mẹ và vợ đến viện, đưa con đến lớp mẫu giáo rồi mới đến trường.

"Con tôi đen đủi bị bệnh tật dày vò, nhưng may mắn khi có chồng và gia đình chồng quá tốt", bà Nguyễn Thị Bắc, 76 tuổi, mẹ đẻ chị Liên, nói. Những lần Liên không thể tự chủ sinh hoạt, anh bế chị từ trên tầng xuống nhà, tự tay gội đầu, tắm rửa. Anh khâu hộ vợ cái áo sứt chỉ, cắt từng cái móng tay.

Mỗi ngày, sau ca làm việc, anh thầy giáo ghé chợ mua món vợ thích, khi thì cá rô đồng, khi thì mớ ốc còn vướng bùn, củ khoai, bắp ngô. Có lần, chị Liên được hàng xóm cho một bát cháo hến, cứ tấm tắc khen ngon. Được buổi nghỉ làm, anh mua về, tự tay nấu cho vợ.

 

Anh Tuấn đeo giúp vợ chiếc vòng chị vừa được bạn thân tặng nhân dịp 20/11. Ảnh: Phạm Nga

Anh Tuấn đeo giúp vợ chiếc vòng chị vừa được bạn thân tặng nhân dịp 20/11. Ảnh: Phạm Nga


Cuối cùng, may mắn cũng có lần mỉm cười với cô giáo dạy Văn. Một loại thuốc Đông y giúp chị đi lại được, bớt những cơn đau do khối u ở sống lưng. Kể từ đó, anh Tuấn mua cái máy tính để vợ giải khuây. Chị Liên cập nhật các phương pháp dạy học mới, học làm giáo trình điện tử, làm video... Trong sâu thẳm, cô giáo dạy Văn vẫn ước một ngày có thể trở lại với phấn trắng, bảng đen.

Khi chị Liên chia sẻ thành quả lên mạng xã hội, có giáo viên trường cũ còn chạy 30 km đến nhà nhờ chị hỗ trợ thiết kế bài giảng để thi giáo viên dạy giỏi. "Tôi không còn thấy mình vô dụng nữa, tôi muốn bước ra bên ngoài", chị nhớ lại.

Từ đó, vào các dịp lễ hoặc về quê nội, anh Tuấn sẽ đèo vợ đến trường cũ để chị giao lưu với bạn bè. Những cái ôm, cái nắm tay và kỷ niệm về những ngày yêu đắm say ùa về, giúp Liên bớt cô đơn.

Cô Nguyễn Thị Tuyền cho biết: "Có lẽ với một người đàn ông khác, họ sẽ ngại xuất hiện cùng một người vợ có vẻ ngoài thay đổi quá nhiều như chị Liên. Nhưng anh Tuấn rất vô tư, vui vẻ. Anh hay mời chúng tôi đến nhà chơi để chị vui. Những lần như vậy, anh sẽ trực tiếp vào bếp làm cơm mời mọi người".

Năm 2019, sau một cuộc đại phẫu, chị Liên mù hoàn toàn. Hè năm đó, chồng, con không rời chị nửa bước. Đêm xuống, anh bật đèn để vợ đỡ hoảng loạn trong thế giới vô thanh, vô hình. Có những lúc, chị từng nảy ý định tự vẫn nhưng tình yêu của gia đình tiếp động lực. May mắn một lần nữa gõ cửa khi một chuyên gia phẫu thuật giúp Liên tìm lại 10% thị lực.

Trong tình trạng mất hoàn toàn thính lực, thị lực còn 1/10, phải giao tiếp bằng cách viết ra giấy, chị Liên viết cuốn tự truyện "Tôi phải sống", kể về những biến cố cuộc đời và tình yêu chồng, con, gia đình, bạn bè dành cho mình.

"Tình yêu chính là thứ ánh sáng và âm thanh kỳ diệu giúp tôi vượt qua tăm tối của hiện thực, để lần mò làm lại tất cả. Bao phụ nữ xinh đẹp, tài giỏi, khỏe mạnh chưa chắc đã có được người chồng như tôi", chị nói.

20/11 năm nay, cũng như 16 năm qua, anh Tuấn sẽ ôm về những bó hoa to, là quà học trò tặng, để chia sẻ niềm vui trên bục giảng cùng vợ.

Phạm Nga

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Các tin khác