Bạn đứng thứ mấy trong lớp không quan trọng nhưng phải thể hiện được đẳng cấp khi bước ra xã hội "

Ngày 10 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Góc tương tác » Góc giáo viên

Gương mặt tiêu biểu

Cập nhật lúc : 12:53 04/02/2022  
Cô giáo Xuân gần 20 năm "cõng" chữ lên non cao


GDVN- Cô Đỗ Thị Xuân vinh dự là một trong những nhà giáo tiêu biểu toàn quốc được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh năm 2021.

Cô Đỗ Thị Xuân (quê Thanh Hóa) – giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Lèng (Lai Châu), với gần 20 năm “cõng chữ lên non”, có nhiều thành tích nổi bật. Cô Xuân vinh dự được tham gia lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu toàn quốc, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trong năm 2021.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống nhà giáo, có mẹ là giáo viên, từ nhỏ, cô Đỗ Thị Xuân đã luôn khát khao được theo nghề dạy học. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình lúc đấy khó khăn, cô đã phải gác lại ước mơ của mình để phụ giúp bố mẹ lo cho hai em ăn học.

Cô Đỗ Thị Xuân gần 20 gắn bó với học sinh vùng cao. (Ảnh: NVCC)


May thay cái duyên với ngành sư phạm đã đến khi cô lập gia đình. Chồng cô công tác tại Lai Châu, từ năm 1996, cô lên Lai Châu tham gia dạy xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, rồi được cử đi học theo đúng nguyện vọng đã mơ ước.

Khó khăn ngày đầu mới về trường

Sau 2 năm học sư phạm tại tỉnh Điện Biên, ra trường năm 2000, cô Xuân được phân công nhận công tác tại xã Tả Lèng, một xã khó khăn nhất của huyện Tam Đường.

Ngày cô mới ra trường, học sinh nơi đây đi học không cùng độ tuổi với nhau.

Xã có nhiều điểm trường lẻ, đường đến điểm trường phải đi bộ cách trung tâm gần nhất là 5km, xa nhất là 8km đi tắt, trường học bằng tre nứa, đi đến đâu hỏi thăm đến đó.

“Người dân nói tiếng địa phương, mình là người miền xuôi nên không hiểu gì. Bất đồng ngôn ngữ, khó khăn về mọi thứ. Có người vừa đến đã bỏ về ngay, lúc đấy bản thân tôi cũng hơi buồn. Những ngày đầu đồng lương ít ỏi, không đủ chi tiêu.

Giáo viên vùng cao khó khăn lắm! Các cô phải dạy tiếng phổ thông trước, rồi mới dạy đến kiến thức. Khó khăn, gian nan nhưng các thầy cô vẫn nỗ lực để vừa dạy kiến thức, vừa rèn kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống... cho các em. Vì học sinh ăn nghỉ ở bán trú, cuối tuần mới về nhà nên thầy cô phải lo hết việc của bố mẹ.

Ngày mới lên đây, tôi buồn lắm, xa gia đình, đến một vùng đất xa lạ, điều kiện cuộc sống ngoài sức tưởng tượng, đường xá đi lại khó khăn, không có điện, đi lấy nước xa hàng cây số, mùa khô còn không có nước để dùng”, cô Xuân chia sẻ.

Đổi lại, người dân ở đây, đặc biệt là các em học sinh rất quý và dành tình cảm cho các thầy cô rất nhiều, có rau rừng đều mang đến cho cô.

Cô giáo xúc động kể: “Học sinh cơm không đủ ăn. Hầu như ăn mèn mén (ngô xay) là chính, không có áo ấm để mặc trong ngày đông giá lạnh, toàn đi chân đất. Mùa đông cô trò phải đốt lửa để sưởi ấm mới dạy học được.

Nhìn thấy các em nhỏ khó khăn quá. Thầy cô chúng tôi phải tự an ủi, động viên, cố gắng đem cái chữ đến với học sinh nơi đây, để các em có tương lai sáng hơn, mong sao các em và người dân nơi đây có cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Động lực với giáo viên trên vùng rẻo cao chính là tình yêu thương của bà con dân bản, của các em học sinh. Thầy cô cũng yêu thương các em như chính con em mình,

Để đảm bảo cho công việc, tôi phải gửi con về xuôi khi con mới tròn 1 tuổi. Nhiều đêm nhớ con da diết nhưng vẫn phải tự dặn lòng cố gắng vượt qua”.

Cô Xuân cho biết, có rất nhiều kỉ niệm đi hái rau, tìm măng, lấy củi cùng học sinh... Có lúc các em ốm, không có bố mẹ bên cạnh, cả cô trò đều khóc.

Kỉ niệm nhớ nhất là đi xe máy lên bản khác để dự giờ đồng nghiệp nhưng mấy ngày trước đó mưa nên đường lên dốc trơn, đang đi đến giữa dốc xe tắt máy, đành bóp phanh đứng ngay giữa dốc, không làm thế nào để lên hoặc xuống được. Thế rồi đành để xe ở giữa đường, đi bộ lên bản nhờ dân xuống giúp. Khi về, không dám đi xe nữa mà đi bộ rồi nhờ dân đưa xe xuống.

Mọi khó khăn đều vượt qua.

Giờ đây, gần 20 năm “cõng chữ lên non”, nhìn lại mọi thứ đã qua, cô Đỗ Thị Xuân chia sẻ niềm vui khi các chuyến đò đã được chèo lái cập bến an toàn. Cô tâm sự: “Tôi sống với người dân tộc Mông 20 năm rồi giờ đã giao tiếp được với phụ huynh, học sinh bằng ngôn ngữ địa phương, rất thuận lợi trong việc giảng dạy và làm công tác xã hội hoá.

Học trò cũ đến nay có em làm trưởng bản, cán bộ xã, huyện nhưng các em vẫn luôn nhớ đến cô giáo. Các em vẫn nói: nhờ có cô các em mới được như ngày hôm nay”.


Cô Đỗ Thị Xuân vinh dự là một trong những nhà giáo tiêu biểu toàn quốc được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh năm 2021. (Ảnh: NVCC)


Cô Xuân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc được giao, tích cực phối hợp cùng đồng nghiệp đổi mới phương pháp dạy học.

Trong những năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, bản thân cô Xuân luôn băn khoăn, trăn trở làm thế nào để giúp các em học sinh học tập tốt hơn, để các em trở thành trò ngoan, những công dân có ích cho xã hội...

Từ những trăn trở đó, bản thân cô đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn đưa ra những sáng kiến kinh nghiệm nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của lớp mình phụ trách nói riêng và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường nói chung.

Cô đã đạt được nhiều thành tích trong công tác dạy học ở bản Tả Lèng (Lai Châu). Cụ thể, cô Xuân liên tục đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu tặng bằng khen; Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu khen giỏi việc nước, đảm việc nhà; thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước; công tác huy động học sinh ra lớp hàng năm đều đạt 100%. Tỉ lệ học sinh chuyển lớp đạt 100%. Đặc biệt năm 2021 được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Gần 20 năm công tác, bản thân cô Xuân không ngừng nỗ lực, phấn đấu và có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp trồng người của huyện Tam Đường nói riêng và sự nghiệp giáo dục của tỉnh Lai Châu nói chung.

Nói về dự định cho năm học 2022, cô Xuân cho biết: “Cô mong cho dịch bệnh qua mau để học sinh không bị gián đoạn trong việc học hành. Nếu dịch bệnh phức tạp các em phải dừng đến trường, các cô không thể dạy học trực tuyến vì ở đây học sinh không có phương tiện để học. Thầy cô phải đến tận bản, nhà để giao bài, rồi lại hẹn sau 2 ngày đến thu bài về chấm. Cô trò đều vất vả mà hiệu quả không cao”.

Hà Giang

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Các tin khác