Gương mặt tiêu biểu
GD&TĐ - Đam mê lịch sử, cô Phạm Hồng Lê, Trường Tiểu học và THCS Kỳ Đồng (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã miệt mài tìm tòi, đổi mới sáng tạo không ngừng để làm mỗi giờ học Lịch sử trở nên hấp dẫn, hiệu quả.
Để học sinh “muốn học” thay vì “phải học”
Chia sẻ đam mê với Lịch sử từ khi còn nhỏ, cô Phạm Hồng Lê cho biết tình yêu với môn học được nhen nhóm từ những câu chuyện bà nội kể về năm tháng đế quốc Mỹ ném bom Miền Bắc; về tuổi thơ của nội với phong trào bình dân học vụ bà từng dạy học; về việc gia đình đóng góp cho tuần lễ vàng của dân tộc sau năm 1945…
Lớn lên gắn với những câu chuyện bà kể về Bác Hồ và quá khứ dân tộc khiến cô Lê yêu Lịch sử lúc nào không biết. Do đó, dù đỗ Trường ĐH Luật, cô vẫn chọn sư phạm Sử để theo đuổi đam mê.
Cho rằng môn Lịch sử có vai trò quan trọng trong giáo dục tình yêu quê hương đất nước và tự hào về truyền thống dân tộc cho học sinh, nhưng cô giáo trường Kỳ Đồng trăn trở khi ở góc độ nào đó, nhận thức xã hội vẫn coi đây là môn phụ. Đặc trưng môn Lịch sử lại “khô”, “khó”, nhiều con số, sự kiện, nên học sinh ngại học, ít hào hứng với môn học.
Để trả lời được câu hỏi: Làm sao để Lịch sử trở thành môn học hấp dẫn, với cô Lê là cả một hành trình dài tìm tòi.
“Bản thân tôi kế thừa phương pháp, hình thức dạy học truyền thống; đồng thời sử phương pháp, hình thức dạy học hiện đại như phương pháp dự án, đóng vai...
Trong tiết dạy Sử, ngoài hướng dẫn học sinh khai thác kiến thức trong sách giáo khoa, tôi hướng dẫn các em về nhà tìm hiểu lịch sử từ những sự vật, hiện tượng xung quanh. Từ câu chuyện các em được nghe từ người thân, từ nhân chứng lịch sử, hay những hiện vật, hình ảnh các em sưu tầm các em tự trình bày trên lớp” – cô Lê chia sẻ.
Cô Lê cũng chia sẻ bí quyết để lịch sử không đơn thuần là bài học trên giấy và không mấy thiết thực với học sinh, mà còn là bài học để các em vận dụng vào cuộc sống. Cách làm là giúp học sinh rút ra từ lịch sử những quy luật, bài học, sau đó vận dụng đưa những giá trị lịch sử áp dụng vào cuộc sống hiện tại.
Đơn cử, cách kết thúc chiến tranh của Lý Thường Kiệt giúp học sinh hiểu và tiếp nối truyền thống nhân đạo của dân tộc; sự sụp đổ của nhà nước An Dương Vương giúp các em rút ra được bài học đoàn kết nội bộ và tinh thần cảnh giác với kẻ thù; từ thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ... để rút ra bài học về sức mạnh của tinh thần đoàn kết toàn dân, sức mạnh hội tụ của người lãnh đạo tài giỏi; sự khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 giúp các em hiểu quy luật cung cầu…
Cùng với đó là việc vận dụng kiến thức liên môn để giờ dạy lịch sử không chỉ là chuỗi sự kiện, mốc thời gian khô khốc với những con số mà lịch sử là khúc ca khi hùng tráng lúc bi ai và có cả thơ, âm nhạc, hội họa…
“Để thu hút học sinh, tôi luôn cho các em sử dụng môn học khác minh họa làm rõ hơn bài học. Không gì cuốn hút hơn khi trong giờ học lịch sử lại được nghe đọc một đoạn thơ về chiến sỹ Điện Biên “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm”…, hát một bài hát về ngày toàn thắng náo nức, vẽ một bức tranh về ngày thống nhất non sông, hoặc quảng bá di tích Lịch sử bằng song ngữ….
Với phương pháp này, không chỉ những học sinh thích sử mới hứng thú mà đã lôi tất cả học sinh có năng khiếu môn học khác, học sinh không chỉ là người học mà còn trở thành những trợ giảng đắc lực” - cô Lê chia sẻ.
Không bó hẹp dạy Lịch sử trong không gian lớp học
Cô Lê cho biết luôn tổ chức cho học sinh các hoạt động trải nghiệm, đặc biệt trải nghiệm thực địa tại di tích lịch sử tại địa phương. Những di tích lịch sử như đền Trần (Tiến Đức), Đền Tiên La (xã Đoan Hùng, Tân Tiến), quảng trường Long Hưng (thi trấn Hưng Hà) là kho tư liệu lịch sử quý giá, lưu giữ nhiều giá trị lịch sử thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau.
Giáo viên giữ vai trò là người trung gian, giúp trò tiếp nhận để từ đó bồi đắp tình yêu quê hương, giữ gìn di sản quê hương, giữ gìn văn hóa dân tộc. Đây là điều hết sức quan trọng bởi đó là cơ sở hình thành lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.
Nói về kinh nghiệm triển khai tốt nhất phương pháp này, theo cô Phạm Hồng Lê, trước mỗi bài giảng đều phải xây dựng kế hoạch chi tiết, liên hệ với phụ huynh, liên hệ với người quản lý di sản, di tích lịch sử, nghệ nhân... để đảm bảo điều kiện vật chất, tính giáo dục và an toàn khi tiết học diễn ra.
Khi tổ chức dạy học thực địa, không gian dạy học là không gian mở, nhiều lực lượng tham gia giáo dục như người quản lý di tích, nghệ nhân, nhân chứng lịch sử... Phát huy lợi thể đó, giáo viên hình thành cho học sinh các năng lực phản biện, giao tiếp, tự tin...; đồng thời giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền quốc gia... Đây cũng chính là mục tiêu đào tạo con người mà giáo dục Việt Nam giai đoạn hiện nay hướng tới.
Hình thức dạy học thực địa thông qua di sản và di tích lịch sử địa phương thực sự giúp học sinh có ý thức trách nhiệm với quê hương, năng động sáng tạo và tự tin hơn. Từ thay đổi của học sinh, làm thay đổi cách nhìn của phụ huynh về bộ môn Lịch sử.
Nhận thấy công nghệ thông tin đang được đẩy mạnh và áp dụng ở mọi lĩnh vực trong đó có giáo dục, cô Lê đã cùng học sinh lớp 9 ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng bộ công cụ trực quan cấp của môn Lịch sử THCS thành công và in đĩa VCD. Với cách làm này, sự đam mê khoa học của các em được hình thành và đang lan tỏa. (đĩa minh chứng).
“Việc đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá cũng rất quan trọng giúp học sinh hứng thú với môn Lịch sử. Kiểm tra giấy không phải là phương án duy nhất, mà phải là chú trọng đánh giá sự sáng tạo của học sinh: đánh giá các em qua hoạt động học tập, qua báo cáo, hoặc qua sản phẩm học tập của học sinh.
Đó có thể là cuốn truyện tranh học sinh tự sáng tác, là bài thơ các em tự viết nên, hoặc một bức vẽ các em tự họa, một tiểu phẩm các em tự biên và tự diễn... Điều này không chỉ phân hóa được học sinh mà còn là cơ sở rất tốt định hướng nghề nghiệp cho các em” - cô Lê cho biết thêm.
Năm 2016-2017, cô Lê đại diện cho cán bộ giáo viên ngành giáo dục Thái Bình được vinh danh trong lễ vinh danh gương đổi mới sáng tạo trong dạy và học.
Năm 2018, cô được nhận bằng lao động sáng tạo do Tổng Liên đoàn lao động cấp; Năm 2021 là Đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII giai đoạn 2020-2025…Nhưng niềm vui lớn nhất với cô giáo trường làng là mỗi giờ học Sử, học sinh Kỳ Đồng, xã Văn Cẩm lại háo hức, tuổi trẻ nơi đây sống có ý thức trách nhiệm hơn với quê hương và nhiều kỹ năng được hình thành.
Chưa có bình luận nào cho bài viết này