Khu vực phụ huynh để xe đón con được bố trí gọn gàng ngoài cổng trường. |
Vào nghề từ tháng 4/2006, đến nay cô Lâm Thu Huyền đã gắn bó với giáo dục gần
17 năm. Đó cũng là khoảng thời gian cô giáo "8X" đã phát huy sở trường, dành trọn tâm huyết vì học trò.
Ở vai trò giáo viên hay Tổng phụ trách Đội, cô Huyền đều thể hiện sự sáng tạo, năng động và có nhiều sáng kiến được áp dụng vào thực tế. Từ năm học 2019-2020, với sự ủng hộ, chỉ đạo của Phòng GD&ĐT Sơn Tây, cô Huyền đã nghiên cứu và đưa ra sáng kiến về xây dựng mô hình "cổng trường an toàn".
Theo đó, để không xảy ra tình trạng ách tắc giao thông khu vực trước cổng trường khi sau mỗi buổi học, nhà trường sẽ sắp xếp vị trí để xe cho phụ huynh theo từng dãy/hàng ở từng khối lớp. Mặt khác, giáo viên yêu cầu học sinh xếp hàng đi từ lớp ra khu vực bố mẹ chờ đón. Nhà trường sẽ mở nhạc nền để nhắc nhở học sinh tuân thủ hiệu lệnh khi di chuyển.
Cô Đoàn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi trao đổi: Nhà trường đánh giá cao nhiệt tình, tâm huyết của cô Lâm Thu Huyền trong việc đưa ra sáng kiến cổng trường an toàn, trên cơ sở thực tế. Cô Huyền đã nghiên cứu, chắt lọc để mô hình áp dụng tại trường một cách phù hợp nhất...
"Ban đầu, tôi có phần lo lắng bởi ít nhiều vấp phải sự thiếu hợp tác của phụ huynh. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ, đồng hành của Ban chấp hành Đoàn Thanh niên phường Lê Lợi, Ban giám hiệu, đồng nghiệp... tuyên truyền, vận động nên đến nay phụ huynh đều hiểu và tự giác thực hiện. Những năm gần đây cổng trường đã thông thoáng sau mỗi giờ tan học. Tôi vui mừng khi mô hình áp dụng thành công và được một số trường khác thăm quan, học hỏi...", cô Huyền tâm sự.
Đổi mới hoạt động ngoài giờ học
Được đông đảo phụ huynh, đồng nghiệp gọi với biệt danh "cô Tổng", cô Lâm Thu Huyền còn đưa ra mô hình đọc sách ngoài sân và được lãnh đạo nhà trường thống nhất, áp dụng.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi đọc sách ngoài sân trường. |
Cô Huyền chia sẻ, hiện nay văn hóa đọc của học sinh đang dần bị mất đi, thay vào đó là điện thoại thông minh với nhiều trò chơi, phim ảnh... không kiểm soát được nội dung. Trước thực này cô Huyền quyết tâm xây dựng mô hình đọc sách ngoài sân cho học sinh nhằm giúp các em được hít thở không khí trong lành, cải thiện đôi mắt, không bị gò bó như ngồi trong lớp. Cũng qua mô hình, học sinh sẽ trao đổi các loại sách, truyện, báo với nhau, đầu sách truyện thêm phong phú, việc đọc không nhàm chán.
"Nhà trường đang dần hoàn thiện hệ thống ghế ngồi bao quanh các bồn cây trong sân trường để học sinh có thể ngồi nghỉ, đọc sách tại đó. Được thiết kế dạng hình tròn thay cho ghế đá nên sẽ hạn chế được các nguy cơ va đập khi học sinh nô đùa. Các em hưởng ứng rất nhiệt tình và tạo thói quen đọc sách ngoài sân vào trước và sau giờ học...", cô Huyền cho biết.
Cô Huyền tích cực cùng các hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn. |
Ngoài công tác giảng dạy, cô Huyền còn kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ học sinh, phụ huynh bị bệnh hiểm nghèo số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cô Huyền cùng phụ huynh, đồng nghiệp và học sinh đã làm gần 4.000 chiếc mũ chắn giọt bắn gửi tặng tuyến đầu chống dịch.
Cô Huyền còn tổ chức CLB thể dục buổi sáng dành cho các cụ cao tuổi ở khu phố hoạt động các buổi sáng hàng ngày. Vào dịp nghỉ hè, cô tình nguyện dạy, rèn luyện cho học sinh kỹ năng sống, hát, múa, tổ chức trò chơi. Cô luôn mong muốn được lan tỏa năng lượng tích cực tới mọi người.
|
Cô Lâm Thu Huyền (trái) được công nhận danh hiệu "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" lần thứ 6.
|
Chị Nguyễn Thị Mai Phương, phụ huynh có con học lớp 5 Trường Tiểu học Lê Lợi cho biết: Đa số phụ huynh đều yêu quý, tin tưởng cô Lâm Thu Huyền. Con lớn năm nay đã học lớp 11 nhưng vẫn luôn nhắc nhớ đến cô. Sự nhiệt huyết, sáng tạo của cô Huyền đã đem lại hiệu quả giáo dục hữu ích cho nhiều thế hệ học trò.