Cảm nhận nghề giáo viên
GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1 năm 2021 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Do vậy, ngoài khâu tổ chức thi thì công tác phòng dịch trong khâu chấm thi cũng được đặc biệt quan tâm.
Sẵn sàng sức khỏe và tâm trí
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thanh Hương – Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thái Học (Vĩnh Phúc), dù đã tham gia chấm thi và tốt nghiệp THPT nhiều năm nhưng đây là năm đầu tiên cần thiết phải có sự chuẩn bị nhiều hơn. Đó không chỉ là việc trang bị chuyên môn như nghiên cứu trước đề, đáp án, hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT thật kĩ, mà còn phải chuẩn bị tâm thế, sức khỏe tốt, đặc biệt là công tác phòng dịch Covid-19 để vừa giữ an toàn cho bản thân, đồng nghiệp, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cô giáo Nguyễn Quỳnh Ngân (áo xanh) chụp ảnh cùng học sinh Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh tư liệu
Để đảm bảo an toàn cho công tác chấm thi, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã thực hiện các biện pháp phòng dịch hiệu quả: Cán bộ chấm thi được trang bị kiến thức về phòng dịch, khai báo y tế qua tờ khai, được đo thân nhiệt cẩn thận.
Trong khu vực chấm có bố trí khẩu trang dự phòng, nước rửa tay sát khuẩn và bộ phận y tế, công an thường trực. Mỗi giáo viên ngồi một bàn, giữ khoảng cách an toàn, và đeo khẩu trang suốt trong quá trình chấm thi. Khu vực thống nhất điểm cũng được bố trí riêng để đảm bảo an toàn, tránh tập trung đông.
Cùng tâm trạng với cô Hương, cô Nguyễn Quỳnh Ngân- Giáo viên Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cho biết, công tác chấm thi của các hội đồng chấm thi năm nay ngoài nhiệm vụ đảm bảo sự khách quan, công bằng trong kết quả bài làm của các thí sinh còn phải thực hiện đồng thời nhiệm vụ an toàn phòng chống dịch.
Quy trình chấm thi vẫn được thực hiện rất nghiêm ngặt, theo đúng quy định chấm thi tự luận trong Quy chế chấm thi tự luận, không vì tình hình dịch bệnh mà bỏ qua bất kì một khâu nào. Việc chấm thi hoàn toàn được thực hiện hai vòng độc lập bởi giám khảo của hai tổ chấm khác nhau.
Khi có sự chênh lệch về điểm số vượt giới hạn cho phép, bài thi sẽ được kiểm tra lại bởi người chấm thứ 3, đảm bảo trả điểm cho bài làm một cách khách quan, công bằng nhất. Trong phòng chấm luôn có thiết bị camera an ninh giám sát để đảm bảo việc chấm thi được thực hiện nghiêm túc, khách quan nhất….
Ngoài các qui định chung thì trước, trong, sau khi hoàn tất công tác chấm thi, các giám khảo phải cam kết không di chuyển khỏi nơi cư trú trong thời gian quy định để đảm bảo tốt nhất công tác phòng dịch.
Trân trọng bài làm của học sinh
Chia sẻ vè công tác chấm thi năm 2021, cô Nguyễn Thanh Hương cho biết: Mọi năm, chúng tôi chấm chung khoảng 10 bài ngẫu nhiên, nhưng năm nay vì dịch Covid-19 sẽ hạn chế hơn trao đổi trong quá trình chấm nên hội đồng đã tăng số bài chấm chung lên 15 bài để đảm bảo sự đều tay, chính xác, công bằng, đặt quyền lợi của thí sinh lên hàng đầu.
Những sáng tạo trong bài làm của thí sinh được tôn trọng. Việc chấm đảm bảo hai vòng độc lập và luôn có tổ chấm kiểm tra song hành nhằm khắc phục kịp thời những thiếu sót nếu có trong quá trình chấm.
“Với tôi, chấm thi không chỉ là công việc, trách nhiệm của ngành giao phó mà đó còn là cơ hội để bản thân được trao đổi, học tập từ các đồng nghiệp. Một bài văn đọc lên không chỉ đơn thuần là bài thi, ở đó còn là phương pháp giảng dạy của đồng nghiệp, là cảm xúc, kiến thức, cá tính, cách lí giải riêng của thầy trò. Cho nên tôi cũng hay chia sẻ với đồng nghiệp rằng muốn dạy tốt thì hãy tích cực đi chấm thi.
Một kỉ niệm cũng rất đáng nhớ trong năm nay, đó là những cảm xúc khi chấm thi sẽ chỉ một mình người chấm cảm nhận. Mọi năm khi gặp một ý văn hay, một kiến giải độc đáo của học trò, sau giờ chấm căng thẳng chúng tôi chia sẻ với nhau. Nhưng năm nay vì công tác phòng dịch, khoảng cách ngồi của các giáo viên xa nhau, chấm xong cũng không được tụ tập nên những cảm xúc ấy chúng tôi chỉ có thể biểu đạt bằng ánh mắt, nụ cười trong lớp khẩu trang” – Cô Hương chia sẻ thêm.
Cô giáo Nguyễn Quỳnh Ngân (ngồi giữa) cùng học sinh Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh tư liệu
Chấm thi luôn là một nhiệm vụ khó khăn, căng thẳng. Phải chấm thi trọng điều kiện phòng dịch thì sự căng thẳng, mệt mỏi theo đó cũng tăng lên. Tuy nhiên, cô Nguyễn Quỳnh Ngân khẳng định: "Dù khó khăn đến đâu, giám khảo cũng cần giữ sự tập trung, tỉnh táo để đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Bản thân tôi, không chỉ kì thi năm nay mà trong bất kì lần tham gia chấm thi tốt nghiệp nào, tôi đều cảm nhận được rất rõ trọng trách của giám khảo khi tham gia chấm thi, bởi mỗi bài làm của thí sinh chính là kết quả phấn đấu rèn luyện của các em học sinh trong suốt 12 năm học".
Một sự đánh giá thiếu khách quan, một phút lơ là, một chút cẩu thả của giám khảo sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai của các em. Vì thế, khi đã bắt tay vào chấm bài thì giám khảo cần phải loại bỏ tất cả những lo lắng, những mệt mỏi của bản thân để tập trung vào bài làm của học sinh, không để bất kì cảm xúc hay suy nghĩ cá nhân nào chi phối đến việc chấm bài. Cần đặt cái tâm của người thầy vào mỗi bài làm của học sinh, trân trọng bài làm của học sinh.
Việc nắm chắc quy trình chấm sẽ giúp giám khảo không bị lúng túng, bị động, cũng không dẫn tới những tình huống không đáng có, ảnh hưởng đến tâm lí chấm bài, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng bài chấm. Bởi môn Ngữ văn vốn có độ mở và tính chủ quan cao, nếu không nắm chắc được quan điểm chấm, hướng dẫn chấm thì sẽ dẫn tới tình trạng vênh lệch trong quá trình chấm, dẫn tới thiệt thòi và thiếu công bẳng cho thí sinh.
Chưa có bình luận nào cho bài viết này