Bóng đen trong tâm hồn phải dùng kiến thức để đuổi đi''

Ngày 10 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Góc tương tác » Góc giáo viên

Cảm nhận nghề giáo viên

Cập nhật lúc : 08:43 31/01/2022  
Xuân đến, giáo viên các cấp học mong ước điều gì?


GDVN- "Tôi hy vọng thời gian tới dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn để những mệt mỏi, căng thẳng từ việc dạy và học trực tuyến sẽ tạm khép lại", cô Phạm Hà chia sẻ.

 

Năm 2021 là năm học đầy khắc nghiệt khi thầy trò trên khắp cả nước phải duy trì việc học trong tâm thế vừa lo sợ dịch bệnh, vừa buồn bã vì phải xa cách. Trước thềm năm mới, với nhiều giáo viên, mong muốn lớn nhất của họ là được quay trở lại trường sau quãng thời gian dài dạy học trực tuyến.

Thương học sinh vì phải chịu nhiều thiệt thòi

Cô Phạm Hà - giáo viên trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ (Hà Nội) nhận định, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, việc chuyển đổi phương thức từ dạy trực tiếp sang trực tuyến để duy trì tiến độ học tập của học sinh, vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với mỗi giáo viên.

"Chúng tôi phải thiết kế lại bài giảng sao cho học sinh cảm thấy hứng thú, dễ tiếp thu nhất. Trong giờ học, giáo viên còn phải quản lý số lượng học sinh, nắm bắt chất lượng giờ dạy thông qua mức độ, thái độ tiếp nhận kiến thức của các em.

Những hôm mạng trục trặc, cả cô và trò loay hoay, mất rất nhiều thời gian mà chưa thể bắt đầu tiết học. Cũng có muôn vàn lý do để học sinh đối phó, chểnh mảng trong giờ, bởi vậy giáo viên cũng cần "chiêu trò" hơn", cô Phạm Hà chia sẻ.

Cô Phạm Hà - giáo viên trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ (Hà Nội). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)


Sau khi trải qua hai mùa dạy trực tuyến, cô Hà đã dần quen với phương pháp giảng dạy, cách thức quản lý học sinh, kiểm tra, đánh giá sao cho hiệu quả. Tuy nhiên năm học 2020-2021, thời gian dạy trực tuyến quá dài, dù đã có nhiều cố gắng nhưng cô Hà luôn canh cánh nỗi lo học trò của mình phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả.

Cô Phạm Hà cho rằng, việc học trực tuyến kéo dài có thể khiến học sinh mệt mỏi, tăng lo âu, giảm tương tác và bị cô lập xã hội nếu không phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm.

"Với những "người đứng bục" như chúng tôi, có một nỗi nhớ da diết đó là nhớ trường, lớp, phấn trắng bảng đen, nhớ học sinh. Chúng tôi may mắn hơn so với giáo viên mầm non, vẫn được dạy hàng ngày, nhìn thấy trò của mình qua màn hình máy tính. Nhưng ô cửa nhỏ ấy chỉ giúp vơi đi phần nào nỗi nhớ, không gì có thể thay thế được những gặp gỡ, giao lưu trực tiếp", cô Hà tâm sự.

Còn với cô Lê Thanh Huyền - giáo viên trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (Hà Nội), năm 2021 là một năm đầy biến động cùng những cảm xúc lẫn lộn với nghề giáo.

Năm 2021 - Một năm “đặc biệt” của nhà giáo cả nước
Năm 2021 - Một năm “đặc biệt” của nhà giáo cả nước

"Đây là năm đầu tiên tôi công tác tại trường, cũng là năm đầu làm giáo viên chủ nhiệm lớp, nhiều áp lực và không ít những khó khăn. Dạy trực tuyến vô tình tạo ra khoảng cách xa lạ giữa cô trò, tôi và các con cũng mất một khoảng thời gian tương đối để thích nghi với sự thay đổi này.

Những kinh nghiệm sẵn có trong ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng đã giúp tôi "gỡ khó", triển khai công việc này một cách hiệu quả. Đến nay, học sinh cũng quen dần với nề nếp và nội quy lớp học", cô Huyền cho hay.

Trao đổi với Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đinh Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bày tỏ sự đồng cảm với sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên năm nhất, luôn ao ước được đến giảng đường, gặp bạn bè và thầy cô.

Thầy Sơn nhận định khi dịch Covid-19 bùng phát, dạy trực tuyến là giải pháp hiệu quả nhất giúp duy trì việc dạy và học của thầy trò ở mọi lúc, mọi nơi.


Thạc sĩ Đinh Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

 

"Dạy, học trực tuyến là một phương thức đào tạo mới dựa trên nền tảng của công nghệ Internet và chuyển đổi số. Nó đem lại nhiều hiệu quả vì xóa bỏ được khoảng cách giữa người dạy với người học, giúp sinh viên chủ động học tập khi không thể đến trường.


Bên cạnh đó, dạy và học trực tuyến cũng tồn tại một số hạn chế nhất định. Vì là hình thức mới nên việc thích nghi của cả một hệ thống về phía nhà quản lý cũng như người học, người dạy đều có những bỡ ngỡ trong thời gian đầu tiếp cận. Nếu thầy và trò không xác định được mục tiêu chung, học chỉ vì hình thức, bằng cấp, điểm danh thì hiệu quả mang lại sẽ không cao", thầy Sơn cho hay.


Hy vọng về những thay đổi trong trạng thái bình thường mới


Năm 2022 dự đoán còn nhiều thách thức và khó khăn, cô Phạm Hà mong rằng dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn để những mệt mỏi, căng thẳng từ việc dạy và học trực tuyến sẽ tạm khép lại.

"Với học sinh, nhất là học sinh lớp 12, các em phải học trực tuyến trong cả 3 năm học, có khoảng thời gian phải nghỉ hoàn toàn. Vì vậy, tôi mong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh để đánh giá đúng năng lực của học sinh", cô Hà cho biết thêm.

Thầy Đinh Ngọc Sơn cho rằng năm 2022 là cơ hội tuyệt vời để tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành giáo dục.

Thầy Sơn hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm đánh giá cụ thể về việc dạy, học trực tuyến và có những chiến lược mới trong phát triển đào tạo bằng phương thức này, không còn coi đó là một giải pháp ứng phó, tạm thời.

"Chúng ta nên thiết kế một ứng dụng giảng dạy trực tuyến của người Việt thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các phần mềm quốc tế. Ngoài ra, cần đồng bộ hệ thống học liệu số giữa các trường đại học nhằm phát huy tối đa sức mạnh của chuyển đổi số.

Mong rằng dịch bệnh sớm chấm dứt và khi trở lại trạng thái bình thường mới, dạy và học kết hợp cả trực tiếp lẫn trực tuyến sẽ được các trường triển khai nhằm hỗ trợ, tương tác tốt hơn với sinh viên trong quá trình học tập, tiếp nhận kiến thức", thầy Sơn nói.

Ngọc Ánh

Chưa có bình luận nào cho bài viết này