Cảm nhận nghề giáo viên
GD&TĐ - Nghị định 77/2021/NĐ-CP về chế độ thâm niên nhà giáo có hiệu lực kể từ ngày 1/8 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ nhà giáo. .
Bày tỏ tâm đắc về Nghị định này, nhiều giáo viên cho rằng, đây là một trong những chính sách thiết thực, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, hệ luỵ.
Giúp nhà giáo bớt khó khăn
Gần 20 năm đứng trên bục giảng, đây là lần thứ hai thầy Trần Hữu San – giáo viên Trường THCS Cao Dương (Thanh Oai, Hà Nội) có cảm giác vui sướng, hạnh phúc khi đón nhận thông tin về phụ cấp thâm niên nhà giáo. Trước đó là Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định về phụ cấp này.
“Cảm xúc lần này khác hơn, bởi trước đó chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý: Phụ cấp thâm niên sẽ không còn nữa khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực. Thế nhưng, Bộ GD&ĐT và các cấp, ngành đã thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo nên chúng tôi tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên, không bị gián đoạn” – thầy San tâm đắc.
Cho rằng, lương của giáo viên hiện nay vẫn ở mức thấp so với một số ngành, lĩnh vực khác, thầy San viện dẫn: Gần 20 năm công tác, nhưng thu nhập mới được hơn 7 triệu đồng/tháng. Vì thế, phụ cấp thâm niên nhà giáo không đơn thuần là sự quan tâm của Nhà nước đối với đội ngũ giáo viên, mà còn là sự khích lệ tinh thần, tạo động lực để đội ngũ thêm yêu nghề, gắn bó với sự nghiệp trồng người.
“Với tôi, Nghị định này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua đó cho thấy, chính sách và cuộc sống không thể tách rời nhau” – thầy San bày tỏ, đồng thời dẫn giải: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của đội ngũ thầy, cô giáo; việc ban hành Nghị định 77/2021/NĐ-CP đã phần nào giúp đội ngũ nhà giáo vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống trong mùa dịch.
Thầy Nông Ngọc Trọng – giáo viên Trường THPT An Mỹ (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho hay: Trước đây, khi nghe thông tin sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo, hầu hết giáo viên đều có chút băn khoăn, lo lắng, thậm chí là có phần hụt hẫng. Bởi phụ cấp thâm niên là nguồn động viên, khích lệ thiết thực đối với đội ngũ nhà giáo.
Theo thầy Trọng, trong bối cảnh hiện nay, lương của các giáo viên chưa phải là cao, nhưng nhờ vào các khoản hỗ trợ như: Phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp chức vụ… đã giúp đội ngũ thầy, cô giáo vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống và yên tâm công tác. “Thời gian qua, chúng tôi xem phụ cấp thâm niên là sự đãi ngộ chính đáng và hợp tình, hợp lý dành cho giáo viên nói riêng và ngành GD-ĐT nói chung” – thầy Trọng nhấn mạnh, đồng thời tự nhủ: Mình đã không phụ nghề thì nghề sẽ không phụ mình!
Kịp thời và cần thiết
Trong khi chờ chính sách mới về tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Trung ương khóa XII, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Việc Chính phủ ban hành Nghị định 77/2021/NĐ-CP là kịp thời và cần thiết, đáp ứng lòng mong mỏi của hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước. Nghị định là hành lang pháp lý để các địa phương triển khai việc chi trả chế độ phụ cấp thâm niên cho đội ngũ nhà giáo; đồng thời thể hiện sự tri ân đối với những cống hiến thầm lặng của các thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước.
Trao đổi về Nghị định 77/2021/NĐ-CP, ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020 đã bãi bỏ Luật Giáo dục 2005. Theo Luật Giáo dục năm 2019, chính sách tiền lương đối với nhà giáo không còn quy định về chế độ phụ cấp thâm niên.
Việc ban hành Nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo, nhằm tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT đối với đội ngũ thầy cô giáo.
Lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nhấn mạnh: Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định đã được thực hiện ổn định, không có vướng mắc trong thực tiễn của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 và Thông tư liên tịch số 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 20/11/2015.
Các quy định của Nghị định không làm phát sinh thêm đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP. Đồng thời, bảo đảm tính toàn diện, khả thi, phù hợp với thực tiễn, thiết thực; tạo hành lang pháp lý để các địa phương thực hiện.
T
rong giờ thực hành của cô và trò Trường THCS Yên Ninh, TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái).
Theo ông Vũ Minh Đức, nội dung cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu) và dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2020. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền lùi thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới đến ngày 1/7/2022.
Vì vậy, việc ban hành Nghị định số 77/2021/NĐ-CP của Chính phủ nhằm tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới. “Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, lương của nhà giáo không thấp hơn mức lương hiện hưởng. Vì thế, thầy, cô giáo yên tâm công tác và dành hết tình yêu, tâm huyết để có những tiết dạy sáng tạo, hấp dẫn học trò” – ông Đức nhấn mạnh.
Chưa có bình luận nào cho bài viết này