Cảm nhận nghề giáo viên
GDVN- Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc tăng lương, phụ cấp ngay lập tức cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học, là vấn đề cấp bách.
Nhiều người so sánh lương giáo viên với công nhân phụ hồ, báo chí cũng có một số bài viết với tít như: "Giáo viên đi dạy 10 năm, lương cũng chỉ bằng phụ hồ”; “Vì sao giáo viên nghỉ việc?: Lương bằng phụ hồ làm 10 công, thua công nhân”; “Lương một ngày của GV mầm non không bằng phụ hồ, làm sao giữ họ với nghề?”...Khi đọc các bài viết này, một thầy giáo là "người trong cuộc" đã có một số chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Lương một ngày của GV mầm non không bằng phụ hồ, làm sao giữ họ với nghề? |
Người trong cuộc nói gì khi so sánh lương giáo viên với thu nhập của phụ hồ
Thầy Phan Thế Hùng, giáo viên dạy Thể dục, Trường Trung học cơ sở Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là người đã và đang làm phụ hồ nuôi nghề giáo.
Thầy Phan Thế Hùng chia sẻ “Bản thân tôi là người đã và đang làm phụ hồ, làm thêm việc khác để có thu nhập nuôi nghề giáo.
Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương hàng tháng, nói thật, phải biết tằn tiện, nếu không, không đủ sống, chứ đừng nói mua xe cộ, mua đất, xây nhà…
Tôi làm phụ hồ, công bình thường cũng có 400,000 - 500,000 đồng/ngày, tháng hè, làm hơn chục công là bằng lương tháng đi dạy.
Tôi quan niệm, đi làm phụ hồ là tập luyện thể dục thể thao, tăng cường sức khỏe, mà vẫn có thêm thu nhập.
Để làm được phụ hồ, không nhiều giáo viên có đủ sức làm đâu, có người theo tôi làm chưa được tiếng đồng hồ là xin nghỉ, bỏ việc.
Thầy Phan Thế Hùng, giáo viên, Trường Trung học cơ sở Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh Sơn Quang Huyến
|
Xã hội phân công nhiệm vụ, mỗi người có một việc để duy trì xã hội phát triển và tồn tại, công sức người phụ hồ bỏ ra và giáo viên bỏ ra khác nhau.
Dưới góc nhìn của phụ hồ, nghề phụ hồ là nghề vất vả, mồ hôi ướt trên áo anh bạc trắng, thế nhưng, ráo mồ hôi là hết tiền, họ vẫn “thèm” khi thấy thầy cô giáo đi dạy đó.
Dù thời tiết như thế nào, dịch bệnh ra sao, giáo viên cũng có lương, còn thợ hồ, không làm là không có.
Lương giáo viên dù ít, nhưng có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, còn thợ hồ làm gì có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
Thế nên, khi thấy báo chí so sánh lương giáo viên với lương công nhân, lương phụ hồ, tôi thấy rất khập khiễng.
So sánh lương giáo viên với lương công nhân, lương phụ hồ, đơn thuần chỉ là so sánh số tự nhiên, chứ không đúng bản chất của nó.
Thực tế, lương giáo viên có mấy người bằng lương phụ hồ làm đủ công trong tháng, anh cứ mượn bảng lương nhà trường so sánh coi”.
Lương giáo viên, có mấy người bằng lương phụ hồ
Thầy Phan Thế Hùng cho biết “Nhiều bạn thợ hồ chia sẻ, họ cũng muốn mua hàng trả góp như tôi mà không được, nên vẫn thích lương thấp như giáo viên nhưng được người ta tin tưởng cho nợ trước, trả sau (cười)”.
Một thực tế là không ít giáo viên là khách hàng vay nợ ngân hàng, mua trả góp. Nhiều giáo viên mua trả góp từ điện thoại, máy tính, xe máy …
Hiện tại, mỗi ngày thợ hồ ở Vũng Tàu trung bình có công từ 400.000 đồng/ngày - 500.000/ngày, nếu làm đủ 26 ngày, mỗi người có khoảng 13.000.000/tháng.
Người viết đã lấy bảng lương của đơn vị ra xem có bao nhiêu giáo viên trong trường có lương bằng lương phụ hồ.
Kết quả thật bất ngờ, không hề có giáo viên nào trong trường thu nhập bằng phụ hồ, kể cả người có 38 năm công tác, vài tháng nữa là về hưu đủ tuổi.
Phần lớn giáo viên trong trường tôi đều làm thêm việc khác để cải thiện thu nhập, từ bán hàng online đến làm vườn, chăn nuôi, MC, bảo vệ đêm …
Có thể nói, lương giáo viên hiện nay đã và đang rất bất cập, việc tăng lương cho giáo viên là vấn đề cấp bách.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc tăng lương, phụ cấp ngay lập tức cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học "là vấn đề cấp bách để nâng cao chất lượng đời sống cho giáo viên, theo tinh thần có thực mới vực được đạo".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn, Đảng, Nhà nước ưu tiên xem xét việc tăng lương, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, để những người thầy không còn phải tính toán chi ly, co kéo đồng lương eo hẹp cho hàng chục khoản chi mỗi tháng; toàn tâm toàn ý, yên tâm giảng dạy kiến thức cho học sinh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong khi chờ cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc nâng lương, phụ cấp cho nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, tăng cường quản trị trường học, điều lệ nhà trường và nâng cao văn hóa học đường, để giáo viên có môi trường làm việc thuận lợi, phát huy được trách nhiệm người thầy. [1]
Giáo viên chúng tôi chân thành cảm ơn sự quan tâm, sẻ chia, của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, mong đề xuất của Bộ trưởng sớm được các cơ quan có thẩm quyền xem xét và được thực hiện sớm.
Dù cuộc sống nhà giáo đang rất khó khăn, nhưng người viết tin rằng, quý thầy cô giáo sẽ vượt qua bằng sự yêu nghề, mến trẻ.
Chưa có bình luận nào cho bài viết này