Để những tiết học thực sự “học đi đôi với hành” luôn có sự đồng hành của đội ngũ phụ trách thiết bị trường học. Họ âm thầm “trợ giảng” bằng việc chuẩn bị đồ dùng dạy học cho từng tiết, bài dạy của giáo viên.
Chị Phạm Thị Kim Dung, nhân viên thiết bị Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột) cho biết, mỗi một tiết dạy của giáo viên đều phải có sẵn “kịch bản” để sử dụng đồ dùng hiệu quả. “Hàng ngày, chúng tôi theo sổ kế hoạch tuần của giáo viên để chuẩn bị sẵn thiết bị, đồ dùng dạy học cho từng người. Đối với các tiết thực hành, thí nghiệm thì khâu chuẩn bị công phu, tỉ mỉ hơn”, chị Dung chia sẻ.
Làm lâu trong nghề nên chị Dung đã nhìn ra “cái bất cập” hiện nay trong việc chuẩn bị, điều phối thiết bị dạy học. Theo đó, nhiều thiết bị quá cũ, không theo kịp sự đổi mới của bài giảng, thậm chí thí nghiệm bị lệch kết quả so với sách giáo khoa. “Để khắc phục, thiết bị nào có thể được thì phối hợp giáo viên bộ môn sửa chữa. Cái nào hư hỏng quá buộc phải đề xuất nhà trường thay thế”, chị Dung chia sẻ.
“Do đặc thù của từng môn học và từng tuần của tiết chương trình, có tiết sẽ sử dụng đồ dùng trực quan, có tiết dùng mô hình thí nghiệm… Để giúp thầy cô chủ động khi lên lớp, từ đầu năm học chúng tôi căn cứ kế hoạch dạy học xây dựng kế hoạch sử dụng đồ dùng theo tuần, tháng và học kỳ. Trước khi lên lớp dạy học, giáo viên chỉ việc đến phòng thiết bị là mọi đồ dùng, mô hình thí nghiệm đều đã được chuẩn bị sẵn theo từng bài dạy, tiết chương trình”, anh Hưng nói.
Cũng giống như chị Dung, anh Đỗ Minh Hưng, nhân viên thiết bị Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Krông Bông) cũng đã nhiều năm gắn bó với nghề “ít ai để mắt” này. Tuy không phải là nhân vật trung tâm ở trường nhưng với tinh thần trách nhiệm, yêu nghề anh vẫn luôn cố gắng hết sức để “phục vụ tốt nhất” cho giáo viên đứng lớp. Anh Hưng quan niệm, thiết bị có được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo tối đa thì giáo viên đứng lớp mới có thể nâng cao tối đa chất lượng bài giảng.
Thiết bị dạy học là phương tiện, cầu nối để giáo viên truyền tải kiến thức. Để “cầu nối” ấy luôn được vận hành, sử dụng ở trạng thái tốt nhất thì công tác bảo quản phải được đặt lên hàng đầu. Việc này đã được chị Trần Thị Phúc, nhân viên thiết bị Trường THPT Nguyễn Thái Bình thực hiện vô cùng nghiêm túc. Theo chị Phúc, chị chăm chút, nâng niu những thiết bị dạy học nhà trường giao như chính những đồ vật hữu ích trong gia đình của mình.
“Sau mỗi tiết sử dụng xong thiết bị đồ dùng đã mượn, giáo viên mang trả cho nhân viên và chúng tôi lau chùi, vệ sinh đảm bảo đúng theo quy định. Đến định kỳ, đại diện của nhà trường cùng giáo viên, các bộ môn tiến hành kiểm kê, đánh giá thiết bị. Các thiết bị hư hỏng sẽ được loại ra để tiến hành tiêu hủy, thanh lý theo quy định, đồng thời xây dựng danh mục thiết bị cần bổ sung mua sắm”, chị Phúc thông tin.
Anh Đỗ Minh Hưng - nhân viên thiết bị Trường THPT Trần Hưng Đạo kiểm tra kính hiển vi trước khi bàn giao cho giáo viên. Ảnh: Thành Tâm |
Mến thương hai tiếng “thầy, cô”
Đội ngũ nhân viên không trực tiếp đứng lớp dạy học, nghiễm nhiên họ không phải là thầy giáo, cô giáo. Thế nhưng, các em học sinh và xã hội vẫn thường gọi họ là “thầy, cô”, bởi sự cống hiến thầm lặng cho ngành Giáo dục.
Theo chị Bùi Thị Tố Loan, nhân viên Văn thư Sở GD&ĐT Đắk Lắk, là đầu mối đến - đi của tất cả các loại công văn, giấy tờ liên quan đến cơ quan, đơn vị và toàn ngành, hàng ngày bản thân chị cũng như anh chị em ở cơ sở phải xử lý khối lượng công việc lớn.
“Nếu xử lý chậm, đồng nghĩa với việc lãnh đạo gặp khó khăn trong việc chỉ đạo, điều hành các hoạt động dạy học. Bên cạnh hệ thống văn bản điện tử, vẫn còn các văn bản giấy theo đặc thù, vì vậy chúng tôi phải đi sớm, về muộn, thậm chí làm thêm vào ban đêm mới kịp tiến độ. Ngoài ra, còn phải hỗ trợ các phòng ban chuyên môn trong việc xử lý các công việc liên quan đến hồ sơ công vụ và các sự vụ phát sinh đột xuất khác”, chị Loan chi sẻ.
Còn theo chị Nguyễn Thị Phương, nhân viên kế toán, Trường THPT Nguyễn Thái Bình (huyện Ea Kar), với vai trò tham mưu chính cho lãnh đạo nhà trường trong công tác quản lý tài chính, ngoài việc có chuyên môn, nghiệp vụ đúng vị trí việc làm, còn phải am hiểu chính sách của Nhà nước về lĩnh vực giáo dục.
“Để giúp Hiệu trưởng nhà trường thực hiện tốt chức năng tổ chức, quản lý trong công tác tài chính, hàng tháng, hàng quý phải xây dựng kế hoạch chi tiết. Bảo đảm chế độ tiền lương, phụ cấp, khen thưởng và chế độ chính sách cho học sinh, giáo viên đúng đủ, kịp thời. Ngoài ra còn phải thực hiện các nhiệm vụ công vụ đột xuất, nhiệm vụ mới do nhà trường phân công”, chị Phương chia sẻ về “cái nghiệp” của mình.
Cũng theo chị Phương, khi nhà trường thực hiện tốt chính sách sẽ động viên tinh thần thầy cô giáo và học sinh thi đua dạy tốt học tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
|
Giáo viên môn Vật lý Trường THPT Lê Quý Đôn nhận thiết bị dạy học từ chị Phạm Thị Kim Dung (mặc áo blouse). Ảnh: Thành Tâm
|
Nói về những “thầy cô” không đứng trên bục giảng, bà Lê Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương cho biết, đội ngũ nhân viên, ngoài việc thực hiện công việc theo vị trí việc làm được phân công thì họ còn phải làm nhiều việc khác nữa theo đặc thù của từng trường học. Những công việc họ làm tất cả đều phục vụ cho công tác dạy và học của nhà trường.
“Là người đứng đằng sau “sân khấu” hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho giáo viên hoàn thành tốt công việc của mình. Kết quả giáo dục của mỗi nhà trường hàng năm sẽ không thể thiếu sự đóng góp thầm lặng của đội ngũ nhân viên thiết bị, văn thư, kế toán, bảo vệ, y tế học đường… Những việc họ làm thường không tên nhưng lại phục vụ quan trọng cho sự nghiệp giáo dục của đơn vị. Vì vậy, họ xứng đáng được xã hội gọi là thầy, cô”, bà Lê Thị Thanh Vân tâm sự.
Theo số liệu thống kê từ Sở GD&ĐT Đắk Lắk, hiện nay, toàn ngành có 34.643 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó, đội ngũ nhân viên có 3.932 người, có 1.546 người thuộc diện hợp đồng.