Đừng nói vấn đề này khó nếu không khó thì đã không thành vấn đề ''

Ngày 10 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Góc tương tác » Góc phụ huynh

Bài viết của phụ huynh

Cập nhật lúc : 10:28 05/08/2021  
Cùng con chuyển cấp


GD&TĐ - Để chuẩn bị tốt tâm thế cho học sinh đầu cấp, đặc biệt lớp 1, lớp 2, và 6, các bậc cha mẹ cần biết về những thay đổi Chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) mới để chuẩn bị hành trang cho con học tập hiệu quả. .

Hiểu đúng về chương trình mới

Từ góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Duy Hải, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Lâm Đồng) cho rằng: Muốn chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1, lớp 2 vững vàng, phụ huynh cần hiểu đúng về mục tiêu chương trình, các môn học, hoạt động, kế hoạch giáo dục, đổi mới đánh giá HS…

So với CT năm 2006, CT mới (CT GDPT 2018) với lớp 1 số môn học không thay đổi nhiều. Điểm mới nhất ở lớp 1 là Giáo dục thể chất được coi trọng nhằm tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện về chiều cao, thể lực, trí tuệ… Do vậy, cha mẹ cần quan tâm tới việc con học đều tất cả các môn, khi trẻ có năng khiếu môn học nào thì tạo điều kiện để phát huy thế mạnh môn đó.

 

Mặt khác, lớp 1 theo CT mới được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày, sáng học 4 tiết, chiều không quá 3 tiết. Trẻ học cả ngày, các kiến thức hoàn thành tại lớp, nên gia đình không phải lo lắng chuyện học thêm. Ngoài thời gian học tại trường, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý để phát triển trí tuệ, thể lực.

Cũng theo ông Hải, định hướng chung của đổi mới chương trình lớp 1 là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của HS. Theo đó, HS cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập, tìm tòi, khám phá; làm việc độc lập, hợp tác, trao đổi theo nhóm hay lớp... HS cũng được tạo cơ hội bộc lộ, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển. Do đó, dạy học hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển của từng cá nhân HS...

Đối với HS vào lớp 2 theo CT GDPT 2018, do trải qua 1 năm làm quen với CT, SGK mới nên về cơ bản đã ổn định cách học, tâm lý tiếp nhận cái mới, phương pháp học trên lớp và tự ôn bài tại nhà… Khi bước vào lớp 2, các em có bước tạo đà vững chắc, cha mẹ chỉ cần chỉnh sửa, bù đắp, khắc phục hạn chế của con khi học lớp 1 thì lên lớp 2 có thể học tập tốt.

Cô Đinh Phương Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trung - Hà Nội) nhìn nhận về lớp 6 theo CT GDPT 2018: Sự thay đổi về nội dung học sẽ giúp HS được tiếp xúc với nhiều môn học khác nhau. Nội dung phong phú sâu sắc hơn đòi hỏi HS có sự thay đổi về phương pháp học.

So với lớp 5 xuất hiện sự “mới lạ” của môn Khoa học tự nhiên sẽ làm HS bỡ ngỡ. Vật lý với những bài học trừu tượng nếu không nghe giảng kỹ HS sẽ không hiểu hết. Toán, phần đầu CT học về tập hợp, lũy thừa HS sẽ thấy nhiều xa lạ về kiến thức lẫn cách trình bày bài làm. Anh văn ở lớp 6 phải thuộc từ vựng, hiểu ngữ pháp mới có thể làm bài được.

Ở lớp 5, mỗi GV chủ nhiệm có thể dạy nhiều môn học, lớp học 2 buổi/ngày... Khi lên lớp 6 mỗi thầy cô dạy 1 môn, 1 tiết học 45 phút và do nhiều HS quen viết nắn nót khi học tiểu học nên lên lớp 6 có thể viết không kịp dẫn đến viết tắt, viết thiếu nét, viết ẩu.


Học sinh lớp 1 năm học 2020 - 2021 Trường Tiểu học Phan Đình Giót, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Đức Hạnh

Để đồng hành hiệu quả

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Lào Cai), năm học tới, HS lớp 6 học SGK mới của CT GDPT 2018. Như vậy, HS lớp 5 lên lớp 6 có sự thay đổi lớn về môi trường và phương pháp học tập. Vì vậy, cha mẹ cần hiểu về CT, tâm lý lứa tuổi để giúp con học tốt.

Theo ông Tùng, HS lớp 6 khi tiếp xúc với thầy cô, bạn bè mới cần nhất là chuẩn bị tâm lý sẵn sàng giao tiếp, hòa đồng, mặt khác chuẩn bị cho trẻ kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tinh thần phối hợp trong học tập và hoạt động ngoài lớp học. Như vậy, trẻ sẽ nhanh chóng hòa đồng với môi trường học tập, thầy cô, bạn bè mới…

Dành thời gian trò chuyện với con cũng là việc cần thiết của cha mẹ khi trẻ chuyển từ tiểu học lên THCS. Được chia sẻ, trao đổi cùng cha mẹ, sẽ giúp trẻ “cởi tháo” những lo lắng, vướng mắc, điều chưa thông tỏ trong học tập và sinh hoạt hàng ngày với bạn bè.

Về phía cha mẹ có thêm cơ hội hướng dẫn, giải thích thêm cho con sự thay đổi trong phương pháp học, cách kiểm tra khác với tiểu học; yêu cầu cao hơn trong nội dung kiến thức và mức đạt yêu cầu… Đặc biệt, với trẻ lớp 5 lên lớp 6, cha mẹ không thể quên rèn kỷ luật, nền nếp học tập. Hãy giúp con hiểu vào THCS việc học không nhẹ nhàng như ở tiểu học, song nếu cố gắng, có phương pháp học từ đầu, việc học nhanh chóng bắt nhịp…



Học sinh khối 6 năm học 2020 - 2021 Trường THCS Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Đức Hạnh

Học sinh khối 6 năm học 2020 - 2021 Trường THCS Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Đức Hạnh

Cô Đỗ Thu Trang - GV Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân - Hà Nội) khẳng định: Để từng bước đưa trẻ vào “khuôn khổ” và thích nghi nhanh với môi trường học tập mới, nên xây dựng thời gian biểu cụ thể, cân đối với lịch học của trẻ ở trường cũng như phù hợp với lịch sinh hoạt chung của gia đình, giúp con duy trì thói quen và dần hình thành nền nếp.

Cha mẹ cần trao đổi thẳng thắn để con nắm được sự thay đổi, sau đó hướng dẫn con về phương pháp học phù hợp từng môn. Mặt khác, cần luyện cho con kỹ năng viết nhanh để theo kịp tiến độ của tiết học, rèn khả năng tập trung để tiếp thu kiến thức của bài học hiệu quả... 

 

 
Bậc THCS, các môn học sẽ nhiều hơn, kiến thức nâng cao hơn, học đòi hỏi tính suy luận và logic. Vì vậy, HS cần được cha mẹ khích lệ, động viên và định hướng để tự tin thích ứng với môi trường học tập mới… Đáng lưu ý, một số cha mẹ thể hiện sự quan tâm đến việc học của con bằng cách cho đi học thêm. Quá tải trong học tập vô tình khiến trẻ chán nản trường học, biến những năm tháng đầu cấp thành chuỗi ngày căng thẳng... - Cô Nguyễn Lan Phương (GV Trường THCS Đống Đa, Hà Nội)

Chưa có bình luận nào cho bài viết này