Ảnh hưởng của người thầy là vĩnh cửu. Ta không thể biết được khi nào thì ảnh hưởng ấy dừng "

Ngày 10 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Góc tương tác » Góc phụ huynh

Bài viết của phụ huynh

Cập nhật lúc : 10:02 01/12/2021  
Bầy thiên nga của bố


GD&TĐ - Hồi bé, cả thế giới của nó là mẹ và 2 chị gái. Mỗi lần họ nhắc đến bố, nó có cảm giác họ đang nói về một người lạ nào đó.

 

 

Thi thoảng nó ngây ngô hỏi “Bố là ai thế?”. Chị cả cúi xuống, xoa đầu nó “Bố là người mang em đến thế giới này”. Nó cong môi, vặn vẹo chị “Ơ, thế bố là ông trời à?”.

Nó có thói quen ngước lên nhìn trời là vì thế. Khi nó 6 tuổi, bắt đầu biết đọc và viết, chị cả đưa cho nó một tờ giấy trắng, chị hai đưa cho nó bộ bút chì màu, bảo “Em viết thư cho bố đi”. Nó ngúng nguẩy: “Các chị đừng trêu em nữa, ba ở trên kia làm sao đọc được thư của chị em mình”.  

Chị hai tỉ mỉ giải thích “Bố đang làm việc ở một nơi rất xa, bố nhớ chị em mình lắm. Nếu em không muốn viết thì có thể vẽ một bức tranh tặng bố, chắc bố sẽ bất ngờ lắm đó”. 

Nghe lời chị hai, nó miễn cưỡng vẽ một bức tranh nguệch ngoạc lên tờ giấy rồi co giò chạy đi chơi. Ở tuổi đó nó vẫn hồn nhiên lắm, nó không cảm nhận được sợi dây kết nối với bố. 

Sau đợt công tác nước ngoài dài hạn, bố về nước đúng thời điểm nó chuẩn bị lên cấp 2. Nó đã đủ lớn để hiểu chuyện. Nó ấn tượng mãi ngày bố về, căn cổng nhà nó dường như hơi chật hẹp với thân hình to lớn của bố. 2 chị chạy ào ra cổng ôm bố, chị cả còn khóc vì xúc động. 


Bầy thiên nga của bố

Nó cũng muốn chạy lại phía đó nhưng 2 chân nó nặng như đeo đá, không thể nhúc nhích được, nó đành đứng yên một chỗ. Bố từ tốn đến chỗ nó, nhấc bổng nó lên “Con gái cưng của bố lớn thế này rồi cơ à?”

Nó còn bé nên thích nghi khá nhanh. Từ ngày bố về, nó quấn bố không rời, coi bố như một người bạn lớn. Dù gặp bố hơi muộn nhưng tuổi thơ nó đầy ắp kỉ niệm ngọt ngào. 

***

Bố ngày càng bận rộn với công việc, lại phải lo định hướng tương lai cho 2 chị lớn. Nó không còn được chơi với bố nhiều như trước nữa. Nhưng nó không giận bố, cũng không tị nạnh với 2 chị, bởi càng lớn, nó càng có xu hướng khép kín, ít nói và rất hiếm khi thể hiện cảm xúc. 

Nó ghét việc phải trở thành người lớn như các chị, bởi có lần nó nghe được tiếng khóc của chị cả khi đang nói chuyện với bố “Con sẽ kết hôn với anh ấy, bố không có quyền cản con, tụi con sẽ sống thật hạnh phúc cho bố xem”. 

Nói xong chị cả chạy vụt đi mất, không về nữa. Rồi nó lại nghe lỏm được cuộc điện thoại của bố: “Nó giỏi thì tự tổ chức đám cưới với thằng đó, tôi sẽ không đến, cô chú cũng đừng đến”. 

Nó không nói gì nhưng âm thầm đứng về phía bố, chị cả dù đúng hay sai, nhưng cách chị phản ứng dữ dội với bố như thế là không được. Bố luôn vui vẻ trước mặt mọi người, nhưng nhìn sâu vào mắt bố, nó biết bố đang buồn lắm. 

3 năm sau ngày “nổi loạn” với cái đám cưới điên rồ ấy, chị cả ôm đứa bé chạy về nhà, nước mắt lưng tròng, ngã vào lòng bố “Bố ơi, con xin lỗi”. 

Chị hai không bướng như chị cả, nhưng rất thích làm trái ý bố để thỏa mãn tính hiếu thắng trẻ con của bản thân. Chị đỗ đại học, bố khuyên chị nên học ngoại ngữ thật tốt, nó sẽ là chìa khóa mở ra nhiều cơ hội. Chị nhất quyết không nghe, chỉ lao vào học môn chuyên ngành thật giỏi. 

Ra trường, chị chật vật mãi không xin được công việc như mong muốn vì nơi nào cũng yêu cầu trình độ ngoại ngữ khá trở lên. Không thể chấp nhận thất bại, càng không dám đối diện bố, chị hai bỏ vào miền Nam để tự khẳng định bản thân.

Chị cả tự sắm được nhà riêng và chuyển đi cùng đứa bé. Ngôi nhà chỉ còn bố mẹ và nó. Tiếng cười không còn, tiếng nói bình thường cũng thật hiếm. Có hôm nó bị ốm, họng đau, người nóng ran, nhưng không chịu mở miệng gọi bố mẹ. 

Không thấy nó ra ăn cơm, bố mở cửa bước vào, đặt một tay lên trán nó “Con sốt rồi”. Nó chảy nước mắt. Bố nhẹ nhàng hỏi “Sao con lại khóc? Có gì đâu mà phải khóc”. Ngay lúc đó, nó muốn nói “Không! Con không khóc”, nhưng nó không làm thế nào há miệng ra được. Chỉ vì, khi quan sát bố thật gần, nó nhận ra hai phần ba mái tóc của bố đã ngả sang màu trắng. Có lẽ bố đã mệt mỏi nhiều rồi, tâm can nó quặn lại vì thương bố. 

***

Ngày 3 chị em gái hội ngộ là ngày không ai mong muốn. Căn bệnh quái ác đã mang bố đến một thế giới khác. 2 chị nó khóc ngất, nhưng nó nhất quyết không rơi một giọt nước mắt. Ngực nó nặng trĩu vì đau đớn, lời bố như tạc trong đầu nó “Có gì đâu mà khóc”. 

Từ ngày bố đi, thói quen ngước lên nhìn trời dần trở lại với nó, đó cũng là cách nó giao tiếp với bố. Mỗi khi nhớ bố, nó thấy nhói trong tim, nhưng nó không khóc, chỉ là nước mắt cứ thế chảy ra, rồi nó lại cười “Cảm ơn bố vì đã mang con đến thế giới này”.

Chưa có bình luận nào cho bài viết này