Tin Thời sự- Văn hóa- Xã hội
Những trái tim “nóng” xông pha nơi tuyến đầu chống dịch
GDVN- Mỗi khi có bệnh nhân được điều trị thành công và ra viện là thêm một lần các y bác sĩ cảm nhận được niềm hạnh phúc trong cuộc chiến với giặc Covid-19.
Đợt dịch thứ 4 với diễn biến căng thẳng, phức tạp đang diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong khó khăn, chúng ta lại được nhìn thấy tinh thần đoàn kết bền chặt của nhân dân Việt Nam, cùng nhau chống dịch. Hàng nghìn cán bộ ngành y, hàng nghìn sinh viên và hàng nghìn cán bộ chiến sĩ... đang ngày đêm làm nhiệm vụ để bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Hơn một tháng nay, khi Thành phố Huế ghi nhận những ca bệnh của đợt dịch thứ 4, cô Trần Thị Khang Ninh, giảng viên khoa Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Huế cùng các đồng nghiệp đã cách ly và tham gia tuyến đầu chăm sóc người bệnh F0 tại Bệnh viện Dã chiến Hương Sơ.
“Thời tiết bây giờ tại Huế đang là mùa nắng, mang những bộ đồ bảo hộ bí, nóng, khiến cơ thể các y, bác sỹ và nhân viên y tế kiệt sức do mất nước. Vì cuộc chiến với dịch bệnh còn nhiều vất vả nên với tinh thần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước về trang, thiết bị y tế, chúng tôi cố gắng phân công công việc hợp lý cho mỗi người khi vào khu điều trị để không phải thay quá nhiều đồ bảo hộ. Mỗi điều dưỡng viên khi bước vào khu điều trị thì đều sẵn sàng làm thêm công việc hỗ trợ những người khác”, cô Ninh chia sẻ.
Giảng viên điều dưỡng Trần Thị Khang Ninh chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Dã chiến Hương Sơ. (Ảnh NVCC)
|
Cô Ninh cho biết, trong khu chăm sóc, điều trị bệnh nhân F0, mọi người đều làm việc với cường độ cao. Ví dụ như người điều dưỡng không chỉ làm công việc điều dưỡng mà còn làm công việc của hộ lý. Bác sỹ, y tá, nhân viên y tế cùng nhau, động viên, chăm sóc cho nhau khi bị đau cảm, kiệt sức, thậm chí có hư hỏng về đường điện, đường nước cũng tự sửa chữa khắc phục chứ không gọi người từ bên ngoài vào giúp, bởi nên giữ an toàn tuyệt đối cho mọi người xung quanh.
Mỗi người bệnh trong Bệnh viện Dã chiến Hương Sơ đã từng gặp đều để lại trong cô Ninh những ấn tượng riêng, từ em bé 6 tuổi rất ngoan, tự giác ăn hết phần cơm của mình cho tới những người lao động nghèo có nước da ngăm đen mang nét đặc trưng của người miền Trung... lo lắng khi nhiễm virus, nhưng luôn lạc quan, thực hiện đúng yêu cầu của các y bác sĩ.
Cô Ninh kể: “Nhận được danh sách bệnh nhân có thể ra viện, trở về và cách li tại nhà mình thường gọi điện thoại thông báo trước để họ chuẩn bị hành lý. Có trường hợp người bệnh sau khi nghe thông báo xong còn chưa kịp tắt máy thì mình nghe rõ tiếng reo mừng trong điện thoại: Cả phòng ơi, em được về rồi! Mình và kíp trực cứ thế mỉm cười, hạnh phúc xen lẫn tự hào.
Người bệnh khỏe mạnh chính là niềm vui, là sự cố gắng tất cả mọi người, trong đó có ý chí của bệnh nhân và quyết tâm, hết mình chiến thắng dịch bệnh của y, bác sĩ và nhân viên y tế. Vì vậy đó là những cảm xúc đặc biệt mà không nói nên lời”.
Dẫu bữa cơm trong khu cách li không được ngon, không được nóng hổi như ở nhà, giấc ngủ cũng không được trọn vẹn bởi thấp thỏm những lo âu về người bệnh. Thế nhưng, tất cả những khó khăn đó lại trở thành động lực cho mọi người cùng sát cánh, kề vai, chung sức ngăn chặn dịch bệnh.
Bao nhiêu thời gian chuyên tâm tham gia tuyến đầu chống dịch thì cũng bây nhiêu thời gian cô Khang Ninh gác lại công việc gia đình, bản thân với quyết tâm cùng mọi người chiến thắng dịch bệnh. Con gái lớn của cô năm nay mới bắt đầu bước vào lớp 1, dẫu biết rất cần mẹ bên cạnh đồng hành thế nhưng đành phải san sẻ sự có mặt của mẹ với mọi người, vì ngoài kia rất nhiều người cần mẹ. Dù có nhiều băn khoăn, trăn trở nhưng đành nén lại vì công việc của cô là chăm sóc người bệnh. Đó là sứ mệnh và trách nhiệm phải lên đường.
“Ước mong lớn nhất của mình bây giờ là có thể nhanh chóng dịch bệnh được kiểm soát và dập tắt sớm nhất có thể. Để người dân, những nhân viên y tế như chúng mình sớm được đoàn tụ với gia đình, nhất là ngày Tết Trung Thu đang cận kề”, cô Ninh tâm sự.
Sẵn sàng đi vào Thành phố Hồ Chí Minh lúc tình hình dịch bệnh căng thẳng nhất để chi viện vào ngày 21/8 vừa qua, Thạc sỹ Vũ Đình Tiến - Phó Trưởng khoa Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai cho biết: “Bốn tuần trước khi lãnh đạo Bộ Y tế huy động thì chúng tôi đã chuẩn bị, luôn trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng lên đường.
Tất cả sinh viên đều được tập huấn về kỹ thuật mặc phòng hộ cá nhân, kỹ thuật tiêm vaccine và lấy mẫu xét nghiệm. Để đảm bảo được an toàn, tất cả sinh viên cũng được tiêm ít nhất một mũi vaccine, phần lớn đã hoàn thành mũi thứ 2”.
Thạc sỹ Vũ Đình Tiến cùng các đồng nghiệp quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19. (Ảnh NVCC)
|
Theo Thạc sỹ Vũ Đình Tiến, với việc tham gia chi viện chống dịch trước đó tại tỉnh Bắc Giang, đoàn đã tích lũy được một số kinh nghiệm thực tiễn như: đảm bảo đúng quy định chuyên môn, thực hiện 5K, giao tiếp ứng xử với nhân dân và cán bộ y tế địa phương.
“Chúng tôi luôn tuân thủ sự chỉ đạo thông suốt từ Bộ Y tế, Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Ban Giám hiệu nhà trường cùng với sự quyết tâm đồng lòng của toàn thể các thành viên trong đoàn chúng tôi nhất định sẽ chiến thắng trở về”, thầy Tiến nhấn mạnh.
Cuộc chiến với Covid-19 có thể sẽ còn dài và nhiều khó khăn, nhưng chúng ta luôn tin rằng sự sẻ chia, đoàn kết và hơn tất thảy là nghĩa đồng bào, trách nhiệm dân tộc khi hàng nghìn, hàng triệu trái tim của tất cả các y, bác sỹ và nhân viên y tế chung một nhịp đập, chắc chắn sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh.
“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”
Số lượt xem : 20
Chưa có bình luận nào cho bài viết này