Chúng ta không thể dạy bảo cho ai bất cứ điều gì, chúng ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn trong họ "

Ngày 11 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Tin tức » Tin tức giáo dục

Tin tức giáo dục

Cập nhật lúc : 08:35 03/02/2015  

Ngọn lửa cách mạng từ trái tim yêu nước

Ông Nguyễn Văn Côn (ngồi giữa) được gặp Bác Hồ, năm 1966

GD&TĐ - Nguyễn Văn Côn từng theo quang phục hội của Phan Bội Châu, tham dự các buổi diễn thuyết của Phan Châu Trinh, đưa linh cữu cụ Phan tới nơi an nghỉ cuối cùng…


Ông cũng là người lập ra cộng hòa hội, tập hợp thanh niên yêu nước… nhưng tất cả đều vô vọng trong cuộc đối đầu với thực dân Pháp.

Chỉ đến khi gặp được Thanh niên cách mạng đồng chí hội của Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Văn Côn mới trở thành con người khác. ông gia nhập đảng cộng sản, trở thành hình ảnh tiêu biểu cho phong trào yêu nước ở Gò Công, ở Nam Bộ thoát khỏi bế tắc.

Con đường đến với Chủ nghĩa Cộng sản

Ông Nguyễn Văn Côn (thường gọi là Chín Côn), sinh ngày 02-02-1893, trong gia đình trung nông ở làng Vĩnh Hựu, huyện Hòa Đồng, tỉnh Gò Công (xã Vĩnh Hựu sau này tách làm 2 đơn vị hành chính: xã Vĩnh Hựu và thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang. Nơi ông Côn sinh ra nay thuộc thị trấn Vĩnh Bình).

Ông nội ông là tướng quân Nguyễn Văn Chung, cánh tay đắc lực của phó Lãnh binh Đặng Khánh Tình trong cuộc khởi nghĩa của anh hùng Trương Định tại Gò Công. Chín Côn được dẫn dắt đi theo con đường cách mạng từ nhỏ.

Năm 1908, lúc 15 tuổi, ông được Đặng Vương Tá, người lãnh đạo Việt Nam Quang phục hội ở Gò Công chọn làm liên lạc, từng theo ông Tá trong những chuyến đi xuống Cần Thơ, gặp gỡ anh em đồng chí và đem tài liệu về Gò Công.

Năm 1910, khi 17 tuổi, Chín Côn được giao tập hợp những thanh niên tiến bộ trong làng lập ra “Cộng hòa hội” để cùng nhau đọc sách báo tiến bộ và quyên góp tiền bạc giúp đỡ người xuất dương làm cách mạng.

Học hết lớp nhất trường làng, Chín Côn ở nhà học thêm chữ Nho. Năm 1911, ông lấy vợ. Một năm sau vợ mất, để lại đứa con trai tên Nguyễn Thái Vận. Năm 1914, ông cưới vợ lần hai, người vợ này sinh cho ông người con trai tên Nguyễn Văn Chí, vì không hợp nhau nên năm 1917, ông ly dị.

Từ đó, ông không tính chuyện lấy vợ mà tập trung nuôi hai con và mẹ già cùng lo việc của Cộng hòa hội và Việt Nam Quang phục hội. Vì thế ông rất có uy tín với anh em dòng tộc và người trong làng.

Đầu thập niên 1920, khi lớp cách mạng đàn anh của Quang phục hội như Đặng Vương Tá, Đặng Công Khả, Nguyễn Văn Lệ… mất thì nghiễm nhiên Nguyễn Văn Côn trở thành người lãnh đạo những hoạt động yêu nước ở Vĩnh Hựu.

Năm 1921, ông Nguyễn Văn Côn lên Sài Gòn làm thợ nguội cho hãng Faci. Tại đây, ông tham gia Công hội đỏ đầu tiên ở Sài Gòn và giữ chức vụ phó hội trưởng (hội trưởng của Công hội đỏ lúc đó là Bác Tôn Đức Thắng).

Trong quá trình đi làm cách mạng, Chín Côn muốn tìm ra một tổ chức cách mạng có đường lối rõ ràng để cho các đồng chí của ông ở Gò Công và các tỉnh có thể tin cậy mà đi theo để giải phóng dân tộc.

Năm 1925, khi Phan Châu Trinh về Sài Gòn, Chín Côn đã đi nghe ông diễn thuyết nhiều lần và hỏi ông về đường lối cách mạng. Ông cũng chính là một trong những người khiêng linh cữu Phan Châu Trinh đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Phan Bội Châu bị bắt, Phan Châu Trinh đã mất, phong trào cách mạng Việt Nam đi theo hướng nào? Chín Côn và các đồng chí trong hội của ông cứ băn khoăn mãi.

Cuối năm 1926, ông Nguyễn Thìn, (Bảy Phòng) là người trong tổ chức của ông ở Gò Công ngỏ ý muốn xuất dương hoạt động cách mạng, Chín Côn rất ủng hộ và tìm cách giúp đỡ.

Đầu năm 1927, khi bắt liên lạc được với các đồng chí ở Quảng Châu về nước, Chín Côn đã giới thiệu ông Nguyễn Thìn đi và yêu cầu gởi thư về báo tình hình để còn gởi tiếp số thanh niên khác.

Chờ hoài không thấy tin tức của Nguyễn Thìn, Chín Côn gởi tiếp 8 thanh niên ở Cần Thơ sang Quảng Châu. Tám thanh niên này liên lạc được với Nguyễn Thìn, được dự khóa huấn luyện chính trị đầu tiên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, sau trở thành những cán bộ nòng cốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 9-1927, Nguyễn Thìn về nước và giới thiệu tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội của Nguyễn Ái Quốc, giới thiệu sách Đường kách mệnh, tạp chí Thanh niên, điều lệ hội. Nguyễn Văn Côn đã nhận ra ngay đó là tổ chức cách mạng tiên tiến mà mình đang tìm và lập tức tham gia VNTNCM Đồng chí hội do Nguyễn Thìn kết nạp.

Ông Chín Côn trong lần họp mặt cán bộ lão thành ở Huyện ủy Gò Công Đông (Tiền Giang)

Đi trong ánh lửa từ trái tim mình

Từ tháng 9-1927, ông Nguyễn Văn Côn được phân công làm Bí thư Tỉnh hội VNTNCMĐC hội ở Gò Công. Tháng 12-1928, được Tổng bộ chỉ định làm ủy viên Kỳ bộ lâm thời.

Tháng 1-1929, ông được đại hội đại biểu Kỳ bộ bầu làm ủy viên chính thức (Đồng chí Phạm Văn Đồng làm Bí thư Kỳ bộ). Kỳ bộ phân công Chín Côn hoạt động xây dựng phong trào ở các tỉnh Trà Vinh, Cần Thơ, Long Xuyên, Sa Đéc, Gò Công…

Do có uy tín với các cơ sở từ trước, nên hoạt động của đồng chí Nguyễn Văn Côn mang lại nhiều hiệu quả.

Tháng 7-1929, nhiều cán bộ của kỳ ủy, Tỉnh ủy bị bắt. Trong 6 kỳ ủy viên bị bắt hết 3 đồng chí, còn lại có ba người: Châu Văn Liêm, Nguyễn Ngọc Ba và Nguyễn Văn Côn.

Đầu tháng 8-1929, đồng chí Châu Văn Liêm đứng ra thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Ngày 16-8-1929, đồng chí Nguyễn Ngọc Ba đem điều lệ An Nam Cộng sản Đảng đến Gò Công để phổ biến và kết nạp Nguyễn Văn Côn, đảng viên chính thức không qua dự bị.

Từ thành viên của Quang phục hội, Nguyễn Văn Côn trở thành một trong những người tham gia sáng lập An Nam Cộng sản Đảng. Chín Côn kết nạp thêm hai đồng chí Trần Văn Thạch và Nguyễn Thị Chín vào Đảng và xây dựng chi bộ đầu tiên ở Gò Công và trực tiếp làm Bí thư.

Tại nhà Nguyễn Văn Côn ở Vĩnh Hựu, chi bộ nhanh chóng tổ chức in tài liệu mới của Đảng và báo Bôn-sê-vích, báo Công Nông Binh. Đồng chí chọn lại những cơ sở nòng cốt, đặt kế hoạch tuyên truyền và kết nạp Đảng những thanh niên giác ngộ cách mạng.

Ngày 28-9-1929, giữa lúc cả nước đang vận động hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản thành một đảng thống nhất thì bọn mật thám Pháp đến lục soát nhà, Chín Côn nhận mình là đảng viên đảng Cộng sản, nhưng nhất quyết không khai các cơ sở và công việc của Đảng, nên các cơ sở của Đảng ở Gò Công và Nam kỳ không bị lộ, họ càng tin tưởng Nguyễn Văn Côn hơn.

Tháng 7-1930, chính quyền thực dân Pháp kêu án tù 5 năm và đày ông ra Côn Đảo. Mặc dù bị tra tấn, dụ dỗ, mua chuộc nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết cách mạng. Năm 1934, sau khi mãn hạn tù, ông lại âm thầm hoạt động cách mạng, móc nối cơ sở, gây dựng lại phong trào.

Thời kỳ 1936-1938, Mặt trận Bình dân nắm quyền ở Pháp, có ban bố một số chính sách dân chủ. Với dáng vẻ điềm tĩnh của ông giáo làng, dạy chữ Nho, ông Chín Côn đã gây dựng lại nhóm đọc sách báo, hội truyền bá chữ Quốc ngữ, khuyến khích các thanh niên tiến bộ lưu truyền sách báo cách mạng. Cùng với một số đảng viên bị quản thúc tại Gò Công như: Minh Hồng, Vạn Lợi…, Chín Côn xây dựng lại chi bộ và kết nạp thêm một số đảng viên mới, gây dựng được tổ Đảng đầu tiên ở làng Thạnh Nhựt (tổng Hòa Đồng Thượng).

Vì vậy, cuối năm 1939, khi Mặt trận Bình dân đổ, giặc Pháp đàn áp phong trào, hoạt động đi vào bí mật thì Nguyễn Văn Côn đã kết nạp thêm hàng chục đảng viên trẻ. Tuy vậy, ông vẫn chưa bắt liên lạc được với Xứ ủy Nam kỳ.

Tháng 5-1940, ông bị quản thúc tại tỉnh lỵ Gò Công. Cuối tháng 11-1940, giặc Pháp bắt giam ông hơn một tuần sau mới thả (chúng sợ ông tổ chức Nam kỳ khởi nghĩa). Tuy không nhận được lệnh khởi nghĩa, Chín Côn vẫn bàn bạc với cơ sở của mình, tổ chức hoạt động hưởng ứng, như treo cờ đỏ, rải truyền đơn, xô đổ cột điện để biểu thị sự ủng hộ cuộc khởi nghĩa.

Cuối năm 1942, Chín Côn bắt liên lạc được với một số đồng chí vừa vượt ngục Tà Lài.

Tháng 10-1943, tại hội nghị Xứ ủy ở Chợ Gạo, ông được bầu là Ủy viên Xứ ủy lâm thời, do đồng chí Trần Văn Giàu làm Bí thư. Từ đây, phong trào cách mạng ở Gò Công do đồng chí Nguyễn Văn Côn lãnh đạo hòa chung với phong trào ở Nam Bộ.

Cũng từ đó, do bắt liên lạc được với cấp trên, một phần do địch lỏng lẻo vì phải đối phó với chiến tranh thế giới lần thứ II ở chính quốc, đồng chí Chín Côn đã gầy dựng được phong trào tốt ở Gò Công để chuẩn bị cho Cách mạng Tháng 8.

Với chiếc xe đạp, ông đi khắp nơi, gặp các đồng chí Xứ ủy ở Cần Giuộc, Cần Thơ, Mỹ Tho, Sài Gòn… đến các vùng hẻo lánh phát triển đảng viên, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ mới.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Nguyễn Văn Côn âm thầm chuẩn bị lực lượng chờ Tổng khởi nghĩa. Tháng 7-1945, thông qua đồng chí Phạm Ngọc Thạch, đồng chí Côn đưa thầy giáo Lê Văn Philip làm thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong ở Gò Công. Tháng 8-1945, một Ủy ban giải phóng dân tộc lâm thời ở Gò Công do Nguyễn Văn Côn làm Chủ tịch ra đời.

Với tổ chức cơ sở vững mạnh, Nguyễn Văn Côn vận dụng linh hoạt việc chỉ huy khởi nghĩa cướp chính quyền ở Gò Công. Khi chính quyền Pháp ở Gò Công hoang mang, bất lực, Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh Gò Công do ông lãnh đạo đứng ra giải quyết công việc trong tỉnh.

Sáng ngày 21-8, nông dân làng An Thạnh Thủy, Chợ Gạo, kéo về Gò Công biểu tình, viên tỉnh trưởng bối rối. Trong đêm 21-8-1945, Nguyễn Văn Côn họp với các đảng viên chủ chốt nhận định tình hình và xem xét khả năng chuẩn bị giành chính quyền và giao ông Lê Văn Philip trách nhiệm thuyết phục tỉnh trưởng đầu hàng.

Ngày 22-8, ông Lê Văn Philip đến gặp và thuyết phục tỉnh trưởng Trần Hưng Ký đầu hàng Việt Minh. 14 giờ, tỉnh trưởng Ký mời ông Nguyễn Văn Côn và ông Lê Văn Philip tới bàn giao chính quyền. Ông Nguyễn Văn Côn ra lệnh các công sở trong toàn tỉnh treo cờ đỏ sao vàng. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Gò Công giành thắng lợi hoàn toàn.

Ngày 24-8-1945, hơn 30.000 người từ 10 làng kéo về thị xã Gò Công mít tinh tuần hành, biểu dương sức mạnh, ông Nguyễn Văn Côn thay mặt Mặt trận Việt Minh tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Nguyễn Văn Côn đã chuẩn bị lực lượng tốt, chớp thời cơ cướp chính quyền về tay nhân dân ở Gò Công nhanh gọn, không tốn một viên đạn, không đổ máu.

Từ đây, Nguyễn Văn Côn được cử giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến tỉnh Gò Công, đoàn kết các tầng lớp nhân dân xây dựng chính quyền còn non trẻ, đối phó với tình hình diễn biến phức tạp. Năm 1946, cử tri Gò Công đã bầu Nguyễn Văn Côn làm đại biểu của Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

Giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta, Nguyễn Văn Côn lãnh đạo nhân dân Gò Công tham gia kháng chiến. Năm 1947, ông đảm nhiệm chức vụ hội trưởng Hội Liên Việt tỉnh Gò Công.

Tháng 9-1948, ông là Thường trực Tỉnh ủy, kiêm Hội trưởng Hội Liên Việt tỉnh Gò Công.

Năm 1949, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp tới hồi gay go thì ông lại bị địch bắt và đày ra Côn Đảo một lần nữa. Sau thắng lợi của ta ở Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải ký Hiệp định Genève, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Nguyễn Văn Côn được nhà nước rước từ nhà tù Côn Đảo tập kết ra Bắc. Lúc ấy ông đã ngoài 60 tuổi. Ông lại được bầu tiếp tục là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các khóa II, III, IV, V.

Năm 1966, ông nghỉ hưu vì lý do sức khỏe. Năm 1975, ông trở về Gò Công sống những năm cuối đời với sự chăm sóc của tỉnh đảng bộ và con cháu. Ông mất năm 1982 tại xã Bình Nghị, Gò Công Đông, Tiền Giang thọ 89 tuổi.

Trong thời gian hoạt động, ông được Đảng và Nhà nước tặng nhiều huân-huy chương cao quí như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Tượng Nguyễn Văn Côn ở trường THPT mang tên ông

Gia đình và quê hương

Ông Nguyễn Văn Côn có hai con trai: Nguyễn Thái Vận và Nguyễn Văn Chí. Ông Chí sinh 1 con trai và 7 con gái. Hiện “truyền nhân” của ông Chín Côn là người cháu cố 16 tuổi, đang học lớp 10.

Sau giải phóng, ông về Gò Công, ở chung nhà với con trai Nguyễn Văn Chí mà không hề đòi hỏi chế độ đãi ngộ nào. Mười năm đầu sau giải phóng, kinh tế khó khăn, ông là người sống rất cần kiệm. Dân trong làng thiếu gạo ăn, chiều chiều ông ghé thăm bà con hàng xóm coi bồ lúa còn đủ ăn không, khuyên bà con tiết kiệm, lao động cần cù.

Năm 1987, huyện ủy Gò Công Đông lấy tên Nguyễn Văn Côn đặt tên trường THPT mới thành lập ở thị trấn Tân Hòa.

Ngày 24-2-2012, Trường THPT Nguyễn Văn Côn cho khởi tạc tượng ông. Tượng có tổng chiều cao 3,5m, trong đó chân dung cao 1,2m được đúc bằng đồng; đế tượng cao 2,3m bằng bê tông cốt thép, ốp đá granit, với tổng kinh phí xây dựng 262 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.

Ở TP Mỹ Tho có cầu Nguyễn Văn Côn, ở thị xã Gò Công cũng có tên đường và cầu mang tên ông.

Theo báo Giáo dục & Thời đại

Số lượt xem : 148

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Các tin khác