In trang

Về Quốc Học tuyển trò giỏi
Cập nhật lúc : 15:06 07/02/2022
TTH - Trong số hàng trăm học sinh Quốc Học du học ở nước ngoài khi tuổi đời còn rất trẻ nay nhiều em đã trưởng thành và về Việt Nam, về Huế làm việc.

Thương hiệu Quốc Học

Tôi khá bất ngờ khi nghe Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Phú Thọ thông tin, mỗi năm có từ 30 đến 50 học trò Quốc Học nhận được học bổng để du học. Vẫn biết, điều này không khó với học trò trường chuyên, song thú vị là nhiều trường THPT, trường đại học danh tiếng trên thế giới đã tìm về Quốc Học để tuyển trò giỏi. Học bổng toàn phần lên đến hàng tỷ đồng. Kể cả học trò nghèo cũng có nhiều cơ hội theo học ở các trường danh tiếng. Vị hiệu trưởng của trường này tiết lộ, vào mùa tuyển sinh có rất nhiều trường danh tiếng ở Nhật, Mỹ, Canada, các nước châu Âu... nơi đã có học sinh Quốc Học theo học tiếp tục quay trở lại để tuyển sinh.

Nhớ cách đây ba năm, Hội Văn hóa Nga tại Việt Nam đến Trường THPT chuyên Quốc Học để tuyển chọn học sinh theo học các ngành lớn, như tự động hóa, an ninh mạng, công nghệ nông nghiệp… Năm ấy, cả miền Trung được 15 suất dành cho các em đam mê môn vật lý, toán và tin học, thì học trò Quốc Học chiếm đến 6 suất. Nhiều em đạt số điểm khá cao, lọt vào top đầu của miền Trung. Mừng hơn, phụ huynh có con đi học theo diện học bổng này hoàn toàn yên tâm khi được các trường ở Nga hỗ trợ toàn bộ kinh phí ăn học. Lúc ấy, một vị đại diện của hội đồng tổ chức thi tuyển đã tuyên dương và trấn an rằng, các anh chị khóa trước của Trường THPT chuyên Quốc Học đã học rất tốt, cống hiến hết mình vì các hoạt động xã hội nên các bạn đừng lo lắng, hãy yên tâm chuẩn bị hành trang để lên đường.

Học sinh Trường Quốc Học nhanh chóng hòa nhập ở Mỹ

 “Mê” học trò Quốc Học, nhiều trường THPT ở các nước đã ký cam kết hỗ trợ đào tạo lâu dài. Năm 2019, Trường THPT chuyên Quốc Học ký hợp tác với Trường THPT Hennri - IV (Pháp). Đây là trường đào tạo học sinh học dự bị đại học (học 2 năm) trước khi muốn thi vào các trường đại học danh tiếng ở Pháp. Trên trang thông tin của nhà trường, mỗi năm, có đến trên 5.000 học sinh ở các nước đăng ký thi tuyển, nhưng trường chỉ có chỉ tiêu 30 em. Thế nên, việc Hiệu trưởng THPT Hennri - IV (Pháp) ký kết hợp tác và dành cho Trường THPT chuyên Quốc Học Huế mỗi năm 2 suất học bổng cho thấy “tiếng lành, đồn xa”. Chưa hết, trong biên bản ký kết, hai trường sẽ thực hiện các dự án chung liên quan đến kỹ thuật số và công nghệ mới; trao đổi giáo viên hoặc cán bộ quản lý để tham gia đào tạo, dự giờ ở hai trường… Với lợi thế đó, học trò Quốc Học có mục tiêu phấn đấu hơn nếu muốn sở hữu một suất học bổng ở đất nước hình lục lăng.

Trở lại vấn đề một năm có đến hơn 1 lớp học đi du học, thầy Thọ giải thích, thông thường các em đi du học từ lớp 11, 12 hoặc vừa thi tốt nghiệp THPT xong. Các em đi từ nhiều nguồn, trong đó, nhà trường giới thiệu khoảng 20 em, số còn lại các em tự “săn” học bổng. Nhiều em nhận được học bổng toàn phần, còn ít nhất cũng đạt 70% khi một số nước có chi phí cao. Điều kiện có được học bổng không chỉ đơn thuần đủ các tiêu chí IES 7.0, kết quả học tập trên 8,5 hay tham gia các hoạt động xã hội mà các em phải thể hiện bản lĩnh và kỹ năng trong các cuộc phỏng vấn.

 Rạng danh học trò xứ Huế


Tự hào về học trò, thầy Thọ khẳng định, các em đã tạo nên thương hiệu cho Quốc Học Huế. Nhiều em đã lọt vào danh sách các trường trung học, đại học hàng đầu thế giới. Và thầy Thọ cũng không giấu tự hào khi khoe thành tích đáng nể của cô học trò nhỏ Hồ Xuân Thảo Nguyên. Có định hướng đi du học khá muộn so với bạn bè cùng trang lứa vào cuối năm học lớp 11, Thảo Nguyên chỉ có vỏn vẹn 5 tháng để chuẩn bị hồ sơ du học. Nộp hồ sơ vào 11 trường đại học tại Mỹ, nữ sinh được 9 trường mời gọi với mức học bổng cao. Sau khi cân nhắc, Thảo Nguyên chọn Đại học Dickinson và nhận được bổng của trường trị giá hơn 4,3 tỷ đồng cho 4 năm học.

 “Khi biết đến hệ thống giáo dục khai phóng của Mỹ - hệ thống cho phép sinh viên trải nghiệm các khóa học thuộc các chuyên ngành khác nhau để tìm ra đam mê của mình, em đã quyết tâm nghiên cứu sâu về du học Mỹ và bắt đầu hành trình nộp đơn”, Thảo Nguyên cho hay.

Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhiều học sinh Quốc Học đã có những năm tháng đẹp đẽ và đầy nghị lực khi ở xứ người. Kể về hành trình du học, Trương Viết Cường, cựu học sinh Quốc Học trải lòng: Em bắt đầu du học năm 2013, lúc đó vừa học xong chương trình lớp 11 tại Trường THPT chuyên Quốc Học. Qua Mỹ, em tiếp tục theo học để lấy chứng chỉ văn bằng THPT và nhận được học bổng Academic Scholarship của Trường Highline College tại tiểu bang Washington. Đây là một trường học rất đa dạng về sắc tộc và văn hóa. Ở đó, em có quá trình học tương đối thuận lợi và có điểm số cao cũng như tham gia trợ giảng, gia sư các lớp toán kinh tế cho trường. Năm 2016, em nhận học bổng toàn phần của Trường Delta State University ở Mississippi, là một trường tiểu bang ở vùng và hoàn thiện cử nhân Marketing. Thời gian học ở nước ngoài cũng tương đối dễ chịu với em, vì chương trình thực tế nhiều hơn và ít nặng về mặt lý thuyết.

Tôi khá bất ngờ khi nghe các em chia sẻ, ra “biển lớn”, du học sinh Huế đã khắc phục được nhược điểm rụt rè, e ngại khi các em tích cực tham gia tình nguyện viên ở các trại hè và có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người giỏi và năng động, giúp các em trau dồi kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh với các tình nguyện viên. Nhiều học sinh Huế thích giao lưu với một thành phố khác ở Mỹ, hay thậm chí ở một đất nước khác để làm giàu trải nghiệm quốc tế. “Rất khó thay đổi môi trường, nhưng có thể thay đổi bản thân. Sự vận hành, tiến triển của xã hội là từ bản thân mỗi người. Quan trọng là chúng ta biết mình muốn gì trong quá trình này”, Thảo Nguyên đúc kết.

Trong số hàng trăm học sinh Quốc Học du học ở nước ngoài khi tuổi đời còn rất trẻ nay nhiều em đã trưởng thành và về Việt Nam, về Huế làm việc. Còn bởi như giãi bày của Trương Viết Cường, sau 6 năm học và làm việc ở Mỹ, em muốn về Việt Nam để tìm những cơ hội cho mình. Thực tế, em đã rất ổn, năng động khi làm việc ở TP. Hồ Chí Minh; tiếp tục cống hiến và thể hiện năng lực của những người trẻ khi đã có những năm tháng học tập ở nước ngoài.

Bài: Huế Thu