In trang

Phó giáo sư 35 tuổi đoạt Quả cầu vàng
Cập nhật lúc : 09:05 11/12/2023
GD&TĐ - Giảng viên Trường ĐH Cần Thơ vinh dự là một trong 10 nhà khoa học trẻ nhận Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2023.

Bén duyên, thăng hoa từ nghề giáo

PGS.TS Huỳnh Trọng Phước, sinh năm 1988, hơn 10 năm theo đuổi ngành Kỹ thuật xây dựng và nghiên cứu liên quan đến công nghệ vật liệu mới; là một trong 3 phó giáo sư trẻ nhất Trường ĐH Cần Thơ đã đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ.

Nói về giải thưởng Quả cầu vàng 2023, PGS.TS Huỳnh Trọng Phước cho biết: “Tôi thật sự vui mừng. Hạnh phúc hơn khi tất cả những nỗ lực và cố gắng trong suốt thời gian qua của bản thân được ghi nhận và tôn vinh. Đây sẽ là động lực lớn để tôi tiếp tục phấn đấu trong thời gian tới”.

PGS.TS Huỳnh Trọng Phước đang là giảng viên cao cấp Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Bách khoa (Trường ÐH Cần Thơ). Trong thời gian qua, PGS Huỳnh Trọng Phước nhận được 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích quốc gia; thực hiện 19 bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q1 và 13 bài báo thuộc danh mục Q2; 27 bài báo công bố trên tạp chí khoa học trong nước. Ngoài ra, anh còn được trao Giải thưởng Sao Tháng Giêng năm 2015, Giải thưởng Công trình học thuật của nghiên cứu sinh sau tiến sĩ năm 2018.

Thành tích khoa học nổi bật của PGS sinh năm 1988 là tác giả chính bài báo: “Development and characterization of a controlled low-strength material produced using a ternary mixture of Portland cement, fly ash, and waste water treatment sludge” (Nghiên cứu đưa ra giải pháp tận dụng hiệu quả lượng lớn bùn lắng từ các nhà máy xử lý nước và tro bay nhiệt điện để sản xuất vật liệu cường độ thấp có kiểm soát - Controlled low-strength material [CLSM] với định hướng ứng dụng trong san lấp mặt bằng nhằm thay thế nguồn cát san lấp đang rất khan hiếm hiện nay). Nghiên cứu này đã xác định các thông số thiết kế tối ưu và xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu thực nghiệm phong phú phục vụ cho các mục đích sử dụng khác nhau.

PGS.TS Huỳnh Trọng Phước tốt nghiệp đại học 2 bằng song ngành (ngành Xây dựng dân dụng và Công nghiệp và ngành Xây dựng cầu đường) Trường ĐH Cần Thơ. Tốt nghiệp loại giỏi, anh được giữ lại trường làm giảng viên, đây cũng là cơ duyên để đến với nghề giáo. Sau thời gian công tác giảng dạy, năm 2013 thầy Phước được học bổng toàn phần sang Đài Loan học thạc sĩ.

Điều may mắn đến với anh là gặp GS Hwang Chao Lung, người sau này hướng dẫn cho anh cả chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và cùng thực hiện chung một số dự án nghiên cứu. “Quý mến thầy và nhận thấy việc nghiên cứu phù hợp với xu hướng phát triển về vật liệu mới, vật liệu thân thiện môi trường cho phát triển bền vững ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, tôi quyết định theo hướng nghiên cứu chuyên sâu về vật liệu xây dựng”, PGS.TS Huỳnh Trọng Phước cho biết.


PGS.TS Huỳnh Trọng Phước là 1 trong 3 phó giáo sư trẻ nhất Trường ĐH Cần Thơ.

PGS.TS Huỳnh Trọng Phước là 1 trong 3 phó giáo sư trẻ nhất Trường ĐH Cần Thơ.


Theo đuổi niềm đam mê khoa học

Học xong tiến sĩ, trở về Trường ĐH Cần Thơ công tác vào năm 2016, đến năm 2022, thầy Phước được bổ nhiệm PGS. Theo PGS Huỳnh Trọng Phước, khi làm nghiên cứu thì ở đâu cũng có khó khăn, thuận lợi. Do đó, tùy vào điều kiện thực tế ở từng thời điểm cụ thể mà điều chỉnh, khắc phục khó khăn và tận dụng, phát huy thuận lợi, rồi lập kế hoạch nghiên cứu phù hợp để có kết quả như mong đợi. Đặc biệt, việc cộng tác - liên kết trong và ngoài nước là điều hết sức cần thiết, nhất là nghiên cứu khoa học ở môi trường đại học tại Việt Nam.

“Những năm tháng sinh viên, tôi tham gia nhiều hoạt động Đoàn Thanh niên và phong trào của Hội Sinh viên. Đến khi ra trường, công tác với vai trò giảng viên, tôi vẫn tiếp tục tham gia công tác Đoàn, Hội với vai trò là Bí thư Đoàn khoa, Ủy viên Ban Thư ký Hội Sinh viên trường… Tôi thật sự trưởng thành và học được nhiều kỹ năng mềm sau những hoạt động này”, PGS Huỳnh Trọng Phước cho biết.

Quá trình học tập, nghiên cứu lĩnh vực vật liệu, PGS Phước nhận thấy việc nghiên cứu phù hợp với xu hướng phát triển, đặc biệt là có thể phục vụ cho đất nước nên quyết định theo đuổi. Việt Nam hiện có đa dạng các nguồn nguyên liệu, nhất là các nguồn phế, phụ phẩm công - nông nghiệp chưa được tận dụng một cách có hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Điều đó thôi thúc nhà khoa học trẻ tìm tòi, nghiên cứu nhằm tái sử dụng được các nguồn phụ phẩm làm thành các loại vật liệu xây dựng hữu ích và thân thiện hơn với môi trường.

 

PGS.TS Huỳnh Trọng Phước nhận Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2023.

PGS.TS Huỳnh Trọng Phước nhận Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2023.


“Quả ngọt” sau quá trình miệt mài nghiên cứu của PGS Huỳnh Trọng Phước là hai bằng độc quyền giải pháp hữu ích được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Tài chính và Đài Loan cấp về công nghệ sản xuất gạch không nung từ tro bay và gạch thân thiện môi trường có sử dụng tro trấu. Nghiên cứu này cũng sớm được thực hiện và hoàn thành ngay thời điểm nước ta đang khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế dần gạch đất sét nung truyền thống nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên và hạn chế tác động môi trường của quá trình sản xuất gạch truyền thống.

PGS.TS Huỳnh Trọng Phước chia sẻ, điều anh luôn trân quý sau những thành quả đạt được không chỉ là sự nỗ lực của riêng bản thân, mà còn có sự cộng tác của nhóm nghiên cứu, sự hỗ trợ của nhiều đơn vị trong và ngoài trường, kể cả các đơn vị ở nước ngoài.

Đơn cử như mỗi bài báo khoa học mang tầm quốc tế được chấp nhận đăng phải có sự đầu tư và chuẩn bị rất chu đáo, phải có sự liên kết và cộng tác trong quá trình thực hiện nghiên cứu và cần có thêm một chút may mắn. Hãy luôn tin rằng mọi việc nếu được thực hiện bằng cả tâm huyết sẽ mang lại những giá trị thiết thực và ý nghĩa nhất cho cuộc sống…

Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Giải thưởng nhằm phát hiện, tôn vinh tài năng trẻ Việt Nam (không quá 35 tuổi tính đến năm xét trao giải) đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở trong hoặc ngoài nước. Năm lĩnh vực được xét chọn gồm: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; công nghệ y - dược; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường và công nghệ vật liệu mới.