In trang

Nhà giáo Ưu tú giữ lửa giáo dục vùng cao
Cập nhật lúc : 16:14 22/01/2024
GD&TĐ - Trong số 1.031 NGƯT trên toàn quốc vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu, nhiều thầy cô đang công tác ở miền núi khó khăn. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực vượt gian khó, giữ lửa nghề, năng động sáng tạo vì học sinh thân yêu. Đồng thời là nguồn động viên để các thầy cô tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng sâu, xa.

Cô giáo miền núi giúp trò thêm yêu lịch sử

Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú đến với cô Nguyễn Thị Hằng - giáo viên Lịch sử Trường THPT Vũ Quang (Hà Tĩnh) đúng dịp năm mới 2024. “Khi cả gia đình đang xem pháo hoa chào năm mới thì tôi nhận được tin nhắn của ban giám hiệu thông báo đã có quyết định chính thức phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Tôi bất ngờ và vỡ òa niềm vui trong thời khắc đặc biệt.

Cô Nguyễn Thị Hằng - giáo viên Lịch sử, Trường THPT Vũ Quang (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Thị Hằng - giáo viên Lịch sử, Trường THPT Vũ Quang (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC

Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú là niềm mơ ước của nhiều người trong ngành Giáo dục. Bản thân thấy rất vui và xúc động khi nhận được danh hiệu cao quý này. Đây là sự ghi nhận đối với cá nhân nhưng có sự đóng góp của tập thể vì đã tạo điều kiện cho tôi được phấn đấu hết mình”, cô Hằng xúc động chia sẻ.

Năm 2006, cô Hằng (SN 1981) tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Vinh (Nghệ An), được phân công làm giáo viên lịch sử tại Trường THPT Vũ Quang. Gần 20 năm công tác, cô luôn say mê với nghề, tìm tòi sáng tạo để nâng cao chất lượng dạy, truyền cảm hứng yêu thích môn Lịch sử cho các thế hệ học sinh.

“Lịch sử luôn được học sinh xem là môn học phụ, khó “nhằn” do nhiều dữ kiện, thông tin. Trên thực tế đây là môn học thú vị nhưng làm sao để các em thấy được là điều quan trọng. Vì vậy, cùng với linh hoạt vận dụng các hình thức tổ chức lớp học tôi còn kết hợp nhiều phương pháp như hoạt động trải nghiệm sáng tạo, những trò chơi, hình ảnh, video, câu chuyện... để học sinh được tham gia. Từ những phương pháp này, học sinh thấy hứng thú hơn và thích học”, cô Hằng chia sẻ.

Hiện với vai trò Tổ trưởng chuyên môn, cô Hằng thường xuyên tham mưu và chỉ đạo đổi mới sáng tạo dạy học, hình thức kiểm tra đánh giá; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, kỹ năng học sinh. Một mặt nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên, mặt khác góp phần phát huy năng lực toàn diện người học. Trong 18 năm dạy học, cô Hằng đã có 9 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm xuất sắc được sở GD&ĐT và UBND tỉnh công nhận.

Mới đây, đề tài “Phát triển năng lực, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh thông qua dạy học dạng bài thực hành Lịch sử lớp 10” của cô đã lan tỏa và được nhiều trường học áp dụng, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học lịch sử trong các trường THPT trên địa bàn.

Thầy Nguyễn Hữu Toàn - Hiệu trưởng Trường THPT Vũ Quang tự hào chia sẻ: “Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến của cô. Kể từ khi trường thành lập đến nay, lần đầu tiên nhà trường có giáo viên được nhận danh hiệu này. Đây niềm tự hào của cô Hằng và tập thể Trường THPT Vũ Quang, cũng là nguồn động viên để giáo viên vùng khó vươn lên vì học trò và được sống với niềm đam mê, khát khao cống hiến cho sự nghiệp trồng người”.

“Giữ lửa” cho giáo dục vùng cao

Gần 30 năm gắn bó với giáo dục vùng cao, khi bà Võ Thị Tuyết Chinh – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương (Nghệ An) nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, nhiều thế hệ cán bộ, thầy cô công tác ở huyện nghèo này đều gửi lời chúc mừng, cảm phục và trân trọng. “Đó là danh hiệu hoàn toàn xứng đáng với một nhà giáo, nhà quản lý giáo dục luôn nhiệt huyết với nghề và truyền lửa cho tôi và nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên của địa phương”, cô Lê Hồng Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng nói về cán bộ quản lý của mình.

Cô Võ Thị Tuyết Chinh - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, Nghệ An cùng học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ảnh: NVCC

Cô Võ Thị Tuyết Chinh - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, Nghệ An cùng học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ảnh: NVCC

Cô Võ Thị Tuyết Chinh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất vùng cao Tương Dương. Đến với nghề giáo tuy muộn so với lứa bạn cùng lớp, nhưng ngay khi bắt đầu học ngành sư phạm, niềm đam mê, tình yêu nghề của cô phát huy mạnh mẽ. Tốt nghiệp một trường trung cấp sư phạm miền núi Nghệ An năm 1996, nữ Nhà giáo Ưu tú được tiếp nhận về quê hương công tác và phân công giảng dạy tại Trường Phổ thông cơ sở Xá Lượng (huyện Tương Dương).

Thời điểm đó, Xá Lượng vô cùng hoang sơ, vất vả. Ngôi trường nằm bên dòng sông Nậm Nơn, cơ sở vật chất tạm bợ, học sinh thuộc nhiều thành phần dân tộc Thái, Mông… Cô nhớ buổi đầu tiên đến nhận lớp, học sinh đã lên lớp 3, nhưng có khoảng 30% chưa biết đọc và không nhớ hết bảng chữ cái.

“Tôi chạy về phòng ký túc khóc như mưa, bởi những dự định trên bục giảng của mình trước đó chỉ là màu hồng. Tôi đã tưởng tượng cảnh mình lên lớp dạy học với nhiều say mê, các em chăm chú nghe cô giảng, làm bài tập. Nhưng thực tế hoàn toàn đối lập, học sinh không đến lớp đầy đủ, một bài học giảng nhiều lần trò vẫn quên. Chỉ cần về bản một hôm, nói tiếng mẹ đẻ thì hôm sau lên lớp các em lại rơi rụng tiếng Việt”, bà Võ Thị Tuyết Chinh nhớ lại.

Thay vì từ bỏ, nữ Nhà giáo Ưu tú quyết tâm hơn để thay đổi bản thân, vì học sinh không có lỗi, các em đang chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn. Những trang giáo án mẫu cô giáo trẻ đành cất vào một góc và soạn lại từng ngày để đúng với thực tế dạy học, khả năng tiếp nhận của học sinh. Sau 2 năm giảng dạy, nữ nhà giáo đã đạt kết quả xuất sắc trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Sau 10 năm dạy học, với nhiều thành tích xuất sắc, cô được điều động làm chuyên viên phụ trách chuyên môn tại phòng GD&ĐT huyện, rồi bổ nhiệm Phó Trưởng phòng. Trên cương vị công tác mới, công việc nhiều và trách nhiệm nặng nề hơn.

Có những chuyến đi cơ sở hàng tuần liền, cả đi bộ, đi thuyền vượt sông, lội suối vào trường vùng khó. Trở về nhiều đêm trằn trọc không chợp mắt, bởi quá nhiều trăn trở làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục một huyện đặc biệt khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, hạn chế về đội ngũ giáo viên, chất lượng học sinh non? Giải pháp gì để thúc đẩy phong trào thi đua dạy học và đạt kết quả thực chất?

Với lòng quyết tâm, sự năng động, linh hoạt, sáng tạo trong công việc, nhà giáo đã nghiên cứu và đúc kết thành sáng kiến kinh nghiệm. Trong đó có những sáng kiến sâu về chuyên môn như: Giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc ít người vùng khó khăn; Giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên còn hạn chế… Và nhiều sáng kiến về quản lý, như: Giải pháp thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục tại huyện miền núi Tương Dương; Giải pháp phát triển văn hóa đọc cho học sinh tiểu học; …

Phó Trưởng phòng GD&ĐT Tương Dương chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là truyền được cảm hứng, niềm đam mê, nhiệt huyết của người lãnh đạo đến mỗi cán bộ quản lý, giáo viên tại cơ sở. Phải chia sẻ, đồng hành cùng đội ngũ nhà giáo tại cơ sở. Bản thân luôn nghĩ rằng, cơ sở, học sinh đang cần mình. Có như vậy mới đưa ra được giải pháp thiết thực, ý nghĩa, thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt – học tốt, góp phần nâng dần chất lượng giáo dục vùng cao”.

Nói về cán bộ của mình, ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, Nghệ An ghi nhận: “Phó Trưởng phòng GD&ĐT Võ Thị Tuyết Chinh được đánh giá cao về phẩm chất, năng lực chuyên môn lẫn quản lý và tâm huyết với nghề giáo. Bản thân luôn quyết tâm, thường xuyên chủ động tham mưu với lãnh đạo các cấp đề ra giải pháp, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ năm học”.

Lan tỏa những tấm gương tâm huyết

Trong số 1.031 Nhà giáo Ưu tú trên toàn quốc vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu, có nhiều thầy cô đang công tác ở miền núi khó khăn. Tại Nghệ An, không ít cán bộ, nhà giáo trưởng thành từ giáo dục vùng cao biên giới, học sinh dân tộc thiểu số đã được tôn vinh. Có thể kể đến như cô Hoàng Quỳnh Nga – giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Quỳ Châu; thầy Hoàng Thế Tùng – giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn; thầy Phan Văn Quang – Trường THCS thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn…

Nhà giáo Ưu tú Phan Văn Quang - giáo viên Trường THCS thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn có nhiều sáng kiến trong đổi mới dạy học ở vùng cao. Ảnh: NVCC

Nhà giáo Ưu tú Phan Văn Quang - giáo viên Trường THCS thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn có nhiều sáng kiến trong đổi mới dạy học ở vùng cao. Ảnh: NVCC

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định: Các thầy cô chính là tấm gương tiêu biểu cho nỗ lực vượt khó, tâm huyết với nghề, tận tuỵ, yêu thương học trò. Nhà giáo Ưu tú là biểu tượng của sự hiểu biết và phẩm hạnh; là người truyền cảm hứng, thắp ngọn lửa đam mê học tập, tìm kiếm, khám phá tri thức, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước để học trò noi theo và kính trọng.

Đặc biệt ở miền núi, vùng cao còn nhiều gian nan, vất vả, các Nhà giáo Ưu tú chính là hạt nhân thúc đẩy giáo dục trên địa bàn phát triển. Lãnh đạo mong muốn thầy cô tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục. Lãnh đạo ngành Giáo dục Nghệ An mong muốn các thầy cô lan toả hơn nữa ảnh hưởng của mình tới đồng nghiệp, đáp ứng kỳ vọng của phụ huynh, học sinh và giữ gìn, phát huy danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng.