In trang

Ấm áp đường về nhà
Cập nhật lúc : 08:57 21/01/2023
GD&TĐ - Đường về nhà vào dịp Tết Nguyên đán của nhiều thầy cô công tác ở vùng sâu, vùng xa trở nên ấm áp hơn những hỗ trợ nghĩa tình...


Như một lời tri ân về những hy sinh thầm lặng đối với thầy, cô giáo dạy học ở những điểm trường vùng sâu, vùng xa, Câu lạc bộ (CLB) Kết nối Nam Trà My và nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng đã tặng xe máy, máy tính cho một số giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, đường về nhà vào dịp Tết Nguyên đán của thầy cô trở nên ấm áp hơn.

Tiếp sức nhà giáo

Nhà ở xã Trà Vân, cô giáo Hoàng Hồng Huyện dạy học ở Trường Mầm non Phong Lan, nằm ở xã Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam), cách nhà khoảng 25km đường đồi núi. Gia đình chỉ có duy nhất chiếc xe máy cũ nên đầu tuần, chồng cô Huyện phải chở vợ đến trường từ tờ mờ sáng để kịp giờ đón trẻ.

“Nhà còn một bé nhỏ 2 tuổi, cả tuần phải xa mẹ rồi nên mình tranh thủ ngủ ở nhà thêm với con tối Chủ nhật, sáng sớm thứ 2 mới trở lại trường. Năm nay, mình dạy ở điểm trường Răng Chuỗi. Từ điểm trường chính còn phải đi bộ vào gần 2 giờ đồng hồ nên phải rời nhà từ sớm…”, cô Huyện kể.

Nhận được chiếc xe gắn máy, quà tặng của CLB Kết nối Nam Trà My và nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng, cô Huyện rưng rưng nước mắt, bộc bạch: “Nhà em không có điều kiện để mua xe, có chiếc xe thì ưu tiên cho chồng đi làm rẫy. Vay mượn để mua xe thì 2 vợ chồng không dám nghĩ tới vì con còn nhỏ, nhà còn người già. Đi dạy không có xe cũng bất tiện, nhưng hoàn cảnh nhà mình vậy, khó thì phải tính thôi”.

Thầy Hồ Văn Lim, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trà Cang chính thức tạm biệt chiếc xe máy cà tàng đã theo vợ chồng thầy gần cả chục năm nay. Nhìn chiếc xe máy khó để nhận ra được khi còn mới đã sơn màu gì. Thầy Lim kể, năm 2014, khi thầy đi học nâng chuẩn ở Tam Kỳ (Quảng Nam) thì xe bị mất trộm.

“Tôi đi báo công an mà cũng không hy vọng tìm lại được. Nghĩ xa nghĩ gần không biết vay mượn đâu ra tiền để mua lại một chiếc xe cũ. May sao chỉ vài ngày sau bên công an gọi lên nhận lại xe. Xe tìm lại được nhưng bị hư hỏng khá nhiều. Vừa học nâng chuẩn vừa lo kinh tế cho gia đình nên tiền lương không dư dả để sửa sang lại xe. Tiếng là xe máy nhưng nó chỉ còn trơ khung sắt…”, thầy giáo trẻ chia sẻ.

Thầy Lim, cô Huyện cùng 6 thầy cô khác nữa đang dạy học ở Nam Trà My vừa được tặng 6 xe máy và 2 máy tính xách tay từ sự kết nối của CLB Kết nối Nam Trà My và Tình nguyện trẻ Đà Nẵng. Họ hoặc là cô giáo vừa mới ra trường, lương giáo viên hợp đồng chỉ vỏn vẹn có 4 triệu/tháng; Hoặc là thầy giáo vừa lập gia đình, hai vợ chồng chỉ có một chiếc xe gắn máy đã cũ nát; Hay cán bộ y tế trường học mỗi lần chở học sinh đi trạm xá phải mượn xe đồng nghiệp… Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều chọn vùng cao heo hút đầy khó khăn, thiếu thốn làm nơi dạy học.

Ấm áp đường về nhà ảnh 1

Đường đến trường của giáo viên sẽ bớt khó khăn nhờ những chiếc xe máy được trao tặng từ Chương trình Tri ân nhà giáo vùng cao. Ảnh: NVCC

Cảm ơn người gieo hạt

Thầy Nguyễn Trần Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Vừ A Dính, Chủ nhiệm CLB Kết nối Nam Trà My, cho biết: “Từ gần 10 chiếc xe máy, máy tính hỗ trợ cho thầy, cô giáo trong đợt đầu này, CLB kỳ vọng sẽ có khoảng 100 chiếc xe máy cho Chương trình Tri ân thầy, cô giáo vùng cao sẽ triển khai trong năm 2023”.

Cũng theo thầy Vỹ chia sẻ, lâu nay hầu hết các nguồn lực của nhiều tổ chức thiện nguyện đều tập trung lo cho học sinh, từ phương tiện học tập cho đến cải thiện dinh dưỡng, áo quần… thậm chí cả sinh kế cho bà con vùng đồng bào. “Tuy nhiên, rất nhiều thầy, cô giáo đang ngày đêm bám bản, bám lớp cũng rất khó khăn. Nhất là những giáo viên người địa phương; điều kiện kinh tế của gia đình có xuất phát điểm thấp, đông anh em, con cái còn nhỏ… Trong khi đó, họ là những người mang con chữ đến cho học sinh với hy vọng giáo dục sẽ là con đường căn cơ nhất để thay đổi diện mạo một vùng đất…”, thầy Vỹ tâm tư.

Đối với nhiều thầy, cô giáo, máy tính và xe gắn máy là tài sản phải gom góp nhiều năm mới có được. “Với yêu cầu đổi mới dạy – học, nếu không có phương tiện để tự bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ thì khó đáp ứng được các mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 cũng như các lớp bồi dưỡng chuyên môn, soạn giảng khác. Đến các trường học vùng cao mới thấy nhiều thầy, cô giáo cần máy vi tính, cho dù là máy đã qua sử dụng…”, thầy Vỹ nhận xét.

Thế nhưng, khó khăn nhất của Chương trình Tri ân thầy, cô giáo vùng cao, theo thầy Nguyễn Trần Vỹ vẫn còn nhiều rào cản tâm lý khi huy động nguồn lực ủng hộ. “Các đội nhóm thiện nguyện vẫn có tâm lý tập trung hỗ trợ cho học sinh chủ yếu. Và vẫn có suy nghĩ giáo viên đã có lương thì không có nhiều khó khăn. Trong khi đó, điều kiện dạy học, sinh sống ở vùng cao, nhất là giáo viên các điểm trường lẻ lại không dễ dàng.

Giáo viên người địa phương cũng có nhiều khó khăn, chật vật, giáo viên từ đồng bằng lên thì thường một cảnh hai – ba quê. Nên bên cạnh chương trình xây dựng trường ở các điểm lẻ, CLB sẽ dành một phần nguồn lực để đồng hành cùng các thầy, cô giáo vùng cao trong hành trình gieo chữ, như một cách tri ân những đóng góp thầm lặng của họ ở những bản làng đầy heo hút.

 

Cô giáo dùng thử máy tính được trao tặng trong Chương trình Tri ân nhà giáo vùng cao. Ảnh: NVCC

Cô giáo dùng thử máy tính được trao tặng trong Chương trình Tri ân nhà giáo vùng cao. Ảnh: NVCC

Thầy Trần Văn Bửu, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Trà Dơn, kể: “Em dạy ở điểm trường thôn, không có sóng điện thoại, lâu lâu phải đi lên núi hứng sóng. Nhận được tin nhắn của thầy Vỹ thông báo được tặng xe máy mà tay em run vì bất ngờ và cảm động”. Thầy Bửu đang dạy ở điểm trường Ông Tuấn, từ điểm trường này, phải đi bộ khoảng 1,5 giờ mới ra đến “đường xe” (đường có thể đi xe máy - PV).

Từ “đường xe” cũng phải mất 25km nữa mới về đến nhà. Thầy Bửu đang nợ 70 triệu đồng ở ngân hàng - khoản tiền vay mượn để theo học đại học. Đến giờ, mỗi tháng thầy chỉ có thể trả tiền lãi khoảng 1 triệu đồng, tiền gốc vẫn còn nguyên… Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng thầy Bửu luôn truyền tới học sinh của mình niềm ham học, tăng cường thêm vốn tiếng Việt để các em có điều kiện nắm vững kiến thức, đặt nền tảng tốt cho những lớp học cao hơn.