Cần sớm đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá giáo dục
Cập nhật lúc : 10:43 29/10/2013
(DVHNN) - “Khâu kiểm tra, đánh giá phải đổi mới sớm hơn, làm hiệu quả nhanh hơn vì bản chất của việc thi, đánh giá cũng là một yếu tố trong chương trình giáo dục phổ thông”.
Bên lề Hội thảo về Hệ thống môn học và Hoạt động giáo dục trong chương trình phổ thông sau năm 2015, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã trao đổi với PV PetroTimes về những đổi mới trong cách đánh giá giáo dục.
Xã hội sẽ yên tâm hơn về một kì thi an toàn và nghiêm túc
PV: Thưa Thứ trưởng, trong các khâu cần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thì xác định khâu nào tạo nên sự đột phá?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Đột phá được xác định là khâu kiểm tra, thi, đánh giá chất lượng giáo dục. Sở dĩ coi đó là đột phá vì làm ít tốn kém, không cần đầu tư nhiều, khi thay đổi cách thi thì sẽ tác động quay lại thay đổi nội dung dạy học, phương pháp dạy học, đó cũng là nội dung chính trong lần đổi mới lần này.
PV: Có phải chính vì vậy mà chúng ta dành ra hẳn một chương để thảo luận về đổi mới và đánh giá thi cử?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Đúng là như vậy, khâu này có thể đổi mới sớm hơn, làm hiệu quả nhanh hơn. Bản chất của việc thi, đánh giá cũng là một yếu tố trong chương trình giáo dục phổ thông.
Hiện nay đổi mới thi, kiểm tra đánh giá cũng đang đổi mới rồi, thí dụ thời gian qua ra đề mở chúng ta đã làm, xây dựng một "ma trận" đề trong kiểm tra, đánh giá để kiểm tra đánh giá kiến thức một cách toàn diện, tránh học tủ. Hướng tới phát triển năng lực người học thì hiện nay đang làm.
Ngoài ra chúng ta cũng đã tham gia, đánh giá trên phạm vi cả nước các kỳ đánh giá học sinh phổ thông, đó là những yếu tố đổi mới và đã bắt đầu làm. Nhưng muốn đổi mới thi cử một cách toàn diện hơn, đúng với ý nghĩa của nó thì những yếu tố khác của chương trình phổ thông cũng phải đổi mới theo, ví dụ thiết kế nội dung dạy học, đảm bảo được nghiệm thu trong quá trình, học đến đâu thi, kiểm tra đến đó , sử dụng kết quả đó trong đánh giá cuối cùng.
Với phương pháp dạy học tốt hơn thì mới có thể yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, phát huy tính sáng tạo của học sinh được, lúc bấy giờ mới có cái để kiểm tra.
PV: Đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015 được nhiều chuyên gia đánh giá cao, vậy theo Thứ trưởng, những bức xúc của kỳ thi tốt nghiệp THPT thời gian qua có được giải quyết dứt điểm không?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Kì thi tốt nghiệp THPT sẽ hướng tới đơn giản hơn, hiệu quả hơn, việc tốt nghiệp phổ thông không chỉ phụ thuộc vào kết quả thi cuối cùng mà còn căn cứ vào đánh giá quá trình học của học sinh trong cấp THPT. Khi kiểm tra cuối cùng yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức kĩ năng một cách tổng hợp chứ không chỉ kiểm tra kiến thức như hiện nay.
Cách thức công nhận tốt nghiệp trong cả quá trình học và thi cuối cùng cũng tạo ra cơ sở cho tuyển sinh ĐH, CĐ có thể vận dụng vào đó. Các trường ĐH, CĐ cũng có thể dựa vào kết quả quá trình học, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp của học sinh để chọn học sinh, cũng tùy theo từng trường có thể họ sẽ yêu cầu thêm và thi thêm cho phù hợp.
Như vậy thi tốt nghiệp cũng nhẹ nhàng hơn, thi đại học cũng nhẹ nhàng hơn mà đáp ứng được đúng yêu cầu của quá trình đào tạo sau này.
PV: Như vậy sau này xã hội sẽ yên tâm hơn về một kì thi an toàn và nghiêm túc?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển:Tất nhiên phải hướng tới điều yên tâm hơn.
Đổi mới phát triển đội ngũ nhà giáo là then chốt
PV: Lâu nay chúng ta thường có lộ trình đổi mới chương trình và SGK, ông có hi vọng lần này đổi mới sẽ bền vững không?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Bản chất của kiến thức phổ thông có tính bền vững, chỉ điều mình tiếp cận nội dung đó như thế nào cho hiệu quả, lần này cố gắng làm việc đó. Bây giờ chúng ta cũng nên quan niệm, mặc dù kiến thức bền vững là thế nhưng việc điều chỉnh đổi mới chương trình phổ thông là chuyện bình thường, vừa ổn định nhưng lại vừa phát triển. Cái đó là xu hướng chung của thế giới.
Bây giờ chúng ta cũng đã có những bộ SGK mới, sắp tới nhà nước sẽ đảm bảo những bộ SGK cơ bản nhất, còn Bộ sẽ có những cách thức, hướng dẫn, thực hiện chương trình đó phù hợp với những địa phương khác nhau, phù hợp với những giai đoạn khác nhau, mặc dù mình vẫn chưa đổi mới căn bản toàn diện thì vẫn có cách để đổi mới được.
PV: Vậy chương trình sắp tới sẽ như thế nào thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Sẽ theo hướng tích hợp mạnh lớp dưới và phân hóa mạnh ở lớp trên thì lớp dự hướng sẽ là bước chuyển tiếp từ tích hợp cao sang phân hóa mạnh.
PV: Nhiều người cũng lo ngại rằng chúng ta đổi mới nhưng cơ sở vật chất chưa tương xứng, Thứ trưởng có lo ngại điều này không?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Cơ sở vật chất và đầu tư cho đội ngũ giáo viên vẫn là những thứ khó khăn, khó khăn còn lâu dài bởi vì mình còn xác định nước mình vẫn còn khó khăn. Nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng đổi mới theo cách: Thứ nhất, sử dụng hiệu quả kinh phí, hiệu quả là ngân sách nhà nước tập trung sử dụng những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm như giáo dục phổ cập, giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó, các đối tượng chính sách, một số ngành nghề khó xã hội hóa như: Tàu ngầm, điện nguyên tử. Còn những chỗ khác phải huy động cao nhất nguồn lực xã hội đầu tư, phải sử dụng tiết kiệm những cái đang có, không sử dụng bình quân, dàn trải.
PV: Chúng ta đã nói tới nhiều về đổi mới chương trình SGK sau 2015, nhưng có vẻ về con người chúng ta chưa nói tới nhiều thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Như trước tôi đã nói đột phá trong đổi mới là thi và kiểm tra, nhưng đổi mới quản lí, đổi mới phát triển đội ngũ nhà giáo là then chốt, là nặng nề, lâu dài, bền bỉ, có nhiều giải pháp căn cơ.
Các trường sư phạm ngay từ bây giờ cũng phải đổi mới, nhưng khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông thì phải tiếp tục phù hợp hơn, những đổi mới chung như hiện nay cần phải đổi mới gì là đổi mới ngay, khi có chương trình phổ thông ra các trường sư phạm chỉ việc lắp vào cho cụ thể hơn.
PV: Trong những khâu đột phá để đổi mới toàn diện căn bản giáo dục thì có kiểm tra đánh giá, thứ trưởng có thể nêu quan điểm về cách cho điểm hiện nay đối với học sinh?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Điểm không có tội gì, nhưng cái tội của chúng ta là cho điểm không đúng, đó đã là một tội. Điểm chỉ phản ánh một phần kết quả giáo dục mà thôi, chứ không phản ánh toàn bộ mục tiêu giáo dục, nhưng mà chúng ta lại coi điểm là tất cả, cái đó là lỗi. Tiếp sau đây điểm vẫn sẽ tiếp tục cho nhưng cho vào chỗ nào, cho điểm ở cái gì, lúc nào nên cho điểm và điểm số chỉ là một khía cạnh chứ không phải là tất cả các thứ mình cần đánh giá.
Hiện nay theo mô hình trường học mới đã có văn bản và có tài liệu hướng dẫn tập huấn về đánh giá học sinh từ lớp 2-5. Sắp tới Bộ sẽ soạn văn bản để sửa đổi Thông tư 32 hiện nay về đổi mới đánh giá học sinh theo hướng đánh giá phải toàn diện, phải giúp cho việc học, dạy tốt hơn, đánh giả phải giúp cho học sinh học tốt hơn.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng.
Bản quyền thuộc Trường THCS Phong Hải - Phong Điền.
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thcs-phai.phongdien.thuathienhue.edu.vn/