In trang

BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ SỬ DỤNG KĨ THUẬT DẠY HỌC KWL(H) TRONG DẠY HỌC
Cập nhật lúc : 07:41 16/11/2022

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

TRƯỜNG THCS PHONG HẢI

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 
       
 

 

Phong Hải, ngày  10  tháng 11 năm 2022

             

BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ

SỬ DỤNG KĨ THUẬT DẠY HỌC KWL(H) TRONG DẠY HỌC

- Họ và tên: Hoàng Thị Ân                         Nam, nữ: Nữ.

- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Đai học sư phạm hoá.

- Môn giảng dạy: Hoá học, KHTN.

- Đơn vị công tác: Trường THCS Phong Hải.

1. Lý do chọn đề tài

            Kĩ thuật dạy học là những biện pháp, cách thức hành động của của giáo viên và học sinh trong các tình huống hành động nhỏ nhằm thực hiện và điều khiển quá trình dạy học. Các kĩ thuật dạy học là những đơn vị nhỏ nhất của phương pháp dạy học. Áp dụng các kĩ thuật dạy học tích cực trong hoạt động dạy học là một hướng đang nhận được sự quan tâm của nhà giáo dục nói chung và thầy cô giáo nói riêng, tích cực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Một trong các kĩ thuật dạy học đã được tôi vận dụng trong bài dạy của mình đó là kĩ thuật KWL. Kĩ thuật này sẽ giúp giáo viên đánh giá được học sinh đã có kiến thức nền tảng gì để lựa chọn nội dung và định hướng cho học sinh mở rộng thêm nội dung bài học. Đồng thời các em cũng có thể tự đánh giá bản thân và học hỏi từ bạn bè. Từ đó phát huy sự tham gia tích cực của HS vào quá trình dạy học, kích thích tư duy, sự sáng tạo và sự cộng tác làm việc của HS.

2. Giải quyết vấn đề

2.1. Thế nào là kĩ thuật KWL?

KWL do Donna Ogle giới thiệu năm 1986, vốn là một hình thức tổ chức dạy học hoạt động đọc hiểu. Học sinh bắt đầu bằng việc động não tất cả những gì các em đã biết về chủ đề bài đọc. Thông tin này sẽ được ghi nhận vào cột K của biểu đồ. Sau đó học sinh nêu lên danh sách các câu hỏi về những điều các em muốn biết thêm trong chủ đề này. Những câu hỏi đó sẽ được ghi nhận vào cột W của biểu đồ. Trong quá trình đọc hoặc sau khi đọc xong, các em sẽ tự trả lời cho các câu hỏi ở cột W. Những thông tin này sẽ được ghi nhận vào cột L.

Hiện nay kĩ thuật này được vận dụng trong nhiều môn học. Phát triển kỹ thuật KWL thành KWLH. Cột H được thêm vào biểu đồ KWL là để khuyến khích học sinh tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu. Sau khi học sinh đã hoàn tất nội dung ở cột L, các em có thể muốn tìm hiểu thêm về một thông tin. Các em sẽ nêu biện pháp để tìm thông tin mở rộng. Những biện pháp này sẽ được ghi nhận ở cột H. (H: cách thức để HS tìm tòi, nghiên cứu mở rộng thêm về chủ đề học).

2.2. Mục đích sử dụng biểu đồ KWL

Biểu đồ KWL phục vụ cho các mục đích sau:

- Tìm hiểu kiến thức có sẵn của học sinh về chủ đề được đưa ra.

- Đặt ra mục tiêu cho hoạt động tìm hiểu nội dung bài học.

- Giúp học sinh tự theo dõi và đánh giá quá trình lĩnh hội kiến thức.

- Tạo cơ hội cho HS diễn tả ý tưởng của các em vượt ra ngoài khuôn khổ bài học.

2.3. Sử dụng biểu đồ KWL như thế nào?

- Chọn chủ đề (nội dung bài học) để học sinh tìm hiểu.

- Tạo bảng KWL. Giáo viên vẽ một bảng lên bảng, ngoài ra, mỗi học sinh cũng có một mẫu bảng của các em.

- Đề nghị học sinh động não nhanh và nêu ra các từ, cụm từ có liên quan đến chủ đề. Cả giáo viên và học sinh cùng ghi nhận hoạt động này vào cột K. Hoạt động này kết thúc khi học sinh đã nêu ra tất cả các ý tưởng. Tổ chức cho học sinh thảo luận về những gì các em đã ghi nhận.

* Một số lưu ý tại cột K (Điều em biết)

- Chuẩn bị những câu hỏi để giúp học sinh động não. Đôi khi để khởi động, học sinh cần nhiều hơn là chỉ đơn giản nói với các em : "Hãy nói những gì các em đã biết về..."

Khuyến khích học sinh giải thích. Điều này rất quan trọng vì đôi khi những điều các em nêu ra có thể là mơ hồ hoặc không bình thường.

* Một số lưu ý tại cột W (Điều em muốn biết – Điều em hỏi)

- Hỏi học sinh xem các em muốn biết thêm điều gì về chủ đề. Cả giáo viên và học sinh ghi nhận câu hỏi vào cột W. Hoạt động này kết thúc khi học sinh đã nêu ra tất cả các ý tưởng. Nếu học sinh trả lời bằng một câu phát biểu bình thường, hãy biến nó thành câu hỏi trước khi ghi nhận vào cột W. Hỏi những câu hỏi tiếp nối và gợi mở. Ví dụ: "Em nghĩ mình sẽ biết thêm được điều gì sau khi em học chủ đề này?"

Chọn một ý tưởng từ cột K và hỏi: "Em có muốn tìm hiểu thêm điều gì có liên quan đến ý tưởng này không?"

Chuẩn bị sẵn một số câu hỏi của riêng bạn để bổ sung vào cột W. Có thể giáo viên mong muốn học sinh tập trung vào những ý tưởng nào đó, trong khi các câu hỏi của học sinh lại không mấy liên quan đến ý tưởng chủ đạo của chủ đề. Chú ý là không được thêm quá nhiều câu hỏi của GV. Thành phần chính trong cột W vẫn là những câu hỏi của học sinh.

Yêu cầu học sinh đọc và tự điền câu trả lời mà các em tìm được vào cột L. Trong quá trình học, học sinh cũng đồng thời tìm ra câu trả lời của các em và ghi nhận vào cột W. Học sinh có thể điền vào cột L trong khi học hoặc sau khi đã học xong chủ đề đó.

* Một số lưu ý tại cột L (Điều em học)

Ngoài việc bổ sung câu trả lời, khuyến khích học sinh ghi vào cột L những điều các em cảm thấy thích. Để phân biệt, có thể đề nghị các em đánh dấu những ý tưởng của các em. Ví dụ các em có thể đánh dấu tích vào những ý tưởng trả lời cho câu hỏi ở cột W, với các ý tưởng các em thích, có thể đánh dấu sao.

Đề nghị học sinh tìm kiếm từ các tài liệu khác để trả lời cho những câu hỏi ở cột W mà bài học không cung cấp câu trả lời. (Không phải tất cả các câu hỏi ở cột W đều được bài học trả lời hoàn chỉnh). Có thể tiến hành thảo luận để cùng đưa ra những thông tin ghi nhận ở cột L.

Khuyến khích học sinh nghiên cứu thêm về những câu hỏi mà các em đã nêu ở cột W nhưng chưa tìm được câu trả lời. Các em có thể về tìm hiểu thêm thông qua các nguồn khác để tìm câu trả lời cho mình. Cột L thông thường đưa vào phần củng cố bài học.

2.4. Vận dụng kĩ thuật KWL qua một tiết dạy minh họa.

Tiết 20 Bài 15. ĐỊNH LUẬT BẢO TOÀN KHỐI LƯỢNG

Môn học: Hóa học - Lớp: 8

Thời gian thực hiện: 1tiết

I. Mục tiêu

1. Vê kiến thức

- HS hiểu được “Trong 1 PƯHH, tổng khối lượng của các chất phản ứng bằng tổng khối lượng của các chất sản phẩm”. (Lưu ý: Các chất tác dụng với nhau theo một tỉ lệ nhất định về khối lượng).

- Viết được biểu thức liên hệ giữa khối lượng các chất trong một phản ứng cụ thể.

- Tính được khối lượng của một chất trong phản ứng khi biết khối lượng của các chất còn lại.

2. Về năng lực

Năng lực chung

Năng lực chuyên biệt

- Năng lực phát hiện vấn đề

- Năng lực giao tiếp

- Năng lực hợp tác

- Năng lực tự học

- Năng lực sử dụng ngôn ngữ hóa học

- Năng lực thực hành hóa học

- Năng lực vận dụng kiến thức hóa học vào cuộc sống.

- Năng lực giải quyết vấn đề thông qua môn hóa học.

3. Về phẩm chất:

- Tham gia tích cực hoạt động nhóm phù hợp với khả năng của bản thân.

- Cẩn thận, trung thực và thực hiện các yêu cầu trong bài học.

- Có niềm say mê, hứng thú với việc khám phá và học tập.

II. Thiết bị dạy học và học liệu

1. Giáo viên:

- Dụng cụ: Cân, 2 cốc thuỷ tinh.

- Hoá chất:  dung dịch Natri sunfat, dung dịch Bari clorua

- Bài giảng Powerpoint, máy chiếu          

2. Học sinh:

- Ôn lại diễn biến của PƯHH, dấu hiệu nhận biết PƯ xảy ra, cách viết PT chữ.

III. Tiến trình dạy học

1. Hoạt động 1: Mở đầu (7 phút)

a. Mục tiêu: Giúp học sinh xác định được mục tiêu bài học, hiểu biết ban đầu về định luật bảo toàn khối lượng

b. Nội dung: Học sinh hoàn thành bảng KWl (cột K và W)

c. Sản phẩm: Bảng KWL

d. Tổ chức thực hiện:

Hoạt động của giáo viên và học sinh

Nội dung

*Chuyển giao nhiệm vụ học tập

Giáo viên yêu câu học sinh điền thông tin ngắn gọn vào cột K và W trong bảng KWL (GV đã giao nhiệm vụ cho HS ở tiết trước).

Hãy nói những gì em đã biết được về phản ứng hóa học và những điều em muốn biết thêm về phản ứng hóa học vào cột K và W trong bảng sau:

Know (K)

(Điều em đã biết về phản ứng hóa học)

Want (W)

(Điều em muốn biết)

Learn (L)

(Điều em học được)

Phản ứng hóa học là gì?

Cách viết ?

Diễn biến của phản ứng hóa học?

Điều kiện phản ứng hóa học xảy ra?

Dấu hiệu?

   

*Thực hiện nhiệm vụ học tập

- HS hoạt động cá nhân theo yêu cầu của GV..

*Báo cáo kết quả và thảo luận

- Gọi từng cá nhân học sinh báo cáo. Các Hs khác nhận xét, bổ sung.

*Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ

- Giáo viên nhận xét giải thích và dẫn dắt HS vào nội dung bài mới: Chúng ta đã  biết bản chất của phản ứng hóa học là chỉ có liên kết giữa các nguyên tử thay đổi làm cho phân tử này biến đổi thành phân tử khác. Kết quả là chất này biến đổi thành chất khác. Vậy khi chất này biến đổi thành chất khác liệu khối lượng có bị thay đổi không?

- Học sinh lắng nghe: HS ghi tựa bài vào vở

 

2. Hoạt động 2 (23 phút): Hình thành kiến thức mới: Tìm hiểu thí nghiệm, nội dung và áp dụng định luật bảo toàn khối lượng vào tính toán.

a. Mục tiêu: HS làm thí nghiệm phát hiện định luật, áp dụng ĐLBTKL

b. Nội dung: Làm thí nghiệm phát hiện định luật theo nhóm

c. Sản phẩm: Kết quả thí nghiệm của HS

d. Tổ chức thực hiện

Hoạt động của giáo viên và học sinh

Nội dung

* Chuyển giao nhiệm vụ học tập

GV hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm theo nhóm

- Giới thiệu các dụng cụ hóa chất cần dùng trong thí nghiệm.

- Hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm và ghi kết quả vào phiếu học tập.

* Thực hiện nhiệm vụ:

- HS làm thí nghiệm theo nhóm như hướng dẫn và hoàn thành phiếu học tập.

* Báo cáo kq và thảo luận:

- Đại diện 1 nhóm báo cáo kq, các nhóm còn lai bổ sung, thảo luận và nhận xét.

* Đánh giá kq thực hiện nhiệm vụ

- GV đánh giá hoạt động của học sinh. Giới thiệu chất tạo thành sau phản ứng

- Học sinh lên bảng ghi PTHH bằng chữ và công thức về khối lượng cho phản ứng.

- Học sinh rút ra được khối lượng các chất sẽ không thay đổi khi phản ứng hóa học xảy ra.

- GV giải thích định luận thông qua phản ứng bằng mô hình.

- Giáo viên giới thiệu hai nhà bác học tìm ra định luật bảo toàn khối lượng.

- Phát biểu nội dung của định luật.

- Ghi công thức về khối lượng cho phản ứng và rút ra được các đại lượng cần tìm.

A +B →C + D

1. Thí nghiệm

Bari clorua + Natri sunfat   →Bari sunfat + Natri clorua

mBaCl2 + mNa2SO4= mBaSO4 + mNaCl

 

 

 

 

 

2. Định luật

Trong 1 phản ứng hoá học, tổng khối lượng của các chất phản ứng bằng tổng các khối lượng của các chất sản phẩm.

3. Áp dụng:

PTHH: A +B →C + D

CT về KL mA +mB = mC + mD

              mC = mA +mB - mD

3. Hoạt động 3 (7 phút): Luyện tập: Bài tập áp dụng

a. Mục tiêu: HS trình bày vận dụng định luật và làm các bài tập liên quan

b. Nội dung: Học sinh vận dụng làm bài tập theo nhóm đôi bạn cùng tiến.

c. Sản phẩm dự kiến: Bài làm của học sinh

d. Tổ chức thực hiện

Hoạt động của giáo viên và học sinh

Nội dung

* Chuyển giao nhiệm vụ học tập:

GV  hướng dẫn học sinh tóm tắt đề, yêu cầu học sinh thực hiện bài tập theo nhóm đôi.

Bài tập 1: Hòa tan hoàn toàn 6,5 gam kẽm (Zn) cần dùng 7,3 gam axit clohdric (HCl) sau phản ứng thu được khí hidro (H­2)  và 13,6 gam kẽm clorua ZnCl2.

a. Viết phương trình hóa học bằng chữ của phản ứng

b. Viết công thức về khối lượng cho phản ứng

c. Tính khối lượng khí hidro thoát ra.

* Thực hiện nhiệm vụ: Học sinh làm việc theo nhóm đôi

* Báo cáo kết quả:

- Đại diện 1 học sinh lên bảng trình bày

* Đánh giá kq thực hiện nhiệm vụ

- HS đánh giá kết quả

- GV đánh giá hoạt động của học sinh, sửa những lỗi sai thường gặp nếu có.

Tóm tắt:

mZn =6,5g

mHCl = 7,3g

mZnCl2 = 13,6 g

a. PTHH?

b. CT về KL =?

c. mH2=?

Giải

a. PTHH:

Kẽm + Axit clohidric →

kẽm clorua + hidro

b. CT về KL

mZn + mHCl= mZnCl2 + mH2

c. mH2= mZn + mHCl - mZnCl2

=0,2 gam

4. Hoạt động 4: Vận dụng

a. Mục tiêu: HS trình bày vận dụng định luật làm các bài tập trắc nghiệm liên quan

b. Nội dung: Giải bài tập trắc nghiệm qua trò chơi theo nhóm.

c. Sản phẩm dự kiến: Bài làm của học sinh

d. Tổ chức thực hiện

Hoạt động giáo viên và học sinh

Nội dung

* Chuyển giao nhiệm vụ học tập:

- Hướng dẫn các nhóm chơi trò chơi “Ngôi sao may mắn”

- Chia lớp thành 4 đội chơi. Chọn ngôi sao và trả lời câu hỏi.

* Thực hiện nhiệm vụ: Học sinh làm việc theo nhóm

* Báo cáo kết quả:

- Đại diện 1 học sinh trả lời

* Đánh giá kq thực hiện nhiệm vụ

- Các nhóm khác đánh giá cùng với giáo viên cho điểm.

- GV đặt câu hỏi: Em đã học được gì trong bài học hôm nay.

-Hs hoàn thành cột “L” tại lớp hoặc ở nhà.

- Giao nhiệm vụ về nhà làm bài tập 2 và 3 trang 54. Xem trước bài Phương trình hóa học.

Câu 1: Cho phản ứng hóa học có phương trình như sau:

      A +B →  C + D +E

Công thức về khối lượng nào sau đây là đúng?

A. mA +mB = mC

B. mA +mB = mC + mE

C. mA +mB = mC+ mD + mE

B. mA +mB + mC = mD + mE

Câu 2: Cho 16,8 gam sắt cháy trong oxi thu được 23,2 gam sắt oxit. Khối lượng oxi tham gia phản ứng cháy là?

A. 6,4 gam

B. 40 gam

C. 23,2 gam

D. 10 gam

Câu 3: Đốt cháy hoàn toàn kim loại magie trong khí oxi thu được hợp chất magie oxit. Ý nào dưới đây biểu thị đúng công thức về khối lượng của phản ứng?

A. mmagie = mmagie oxit

B. mmagie + moxi = mmagie oxit

C. mmagie + mmagie oxit = moxi

D. moxi = mmagie oxit + mmagie

Câu 4: Một vật thể bằng sắt để ngoài trời, sau một thời gian bị gỉ do tác dụng với oxi và hơi nước. Hỏi khối lượng của vật thay đổi thế nào so với khối lượng của vật trước khi gỉ?

A. Tăng         

B. Giảm          

C. Không thay đổi      

D. Không thể biết

Phiếu học tập

Tên các chất phản ứng

 

Khối lượng cốc 1 và cốc 2 trước phản ứng.

 

Dấu hiệu nào cho biết có phản ứng hóa học xảy ra?

 

Khối lượng cốc 1 và cốc 2 sau phản ứng

 

Dự đoán sản phẩm

 

Nhận xét khối lượng các chất trước và sau phản ứng.

 

 

 

2.5. Kết quả

-  Học sinh hứng thú hơn trong việc trình bày ý kiến cá nhân, tích cực tìm hiểu kiến thức mới để rút ra nội dung bài học, có khả năng liên hệ thực tế tốt.

-  Giáo viên nắm được mức độ, sự hiểu biết của học sinh về chủ đề bài học được đưa ra, từ đó có thể đưa ra những tác động phù hợp để giúp các em hiểu và vận dụng nội dung bài học tốt hơn.

2.6. Bài học kinh nghiệm

- Tùy theo chủ đề, nội dung bài học mà GV nên sử dụng kĩ thuật nào hoặc linh động thay đổi hình thức vận dụng nào cho phù hợp với mục đích giảng dạy. Với những chủ đề mà HS đã có lượng kiến thức nhất định, cần hệ thống và tác động vào thái độ thì kĩ thuật này phát huy được ưu điểm của nó.

- Việc GV nắm được những gì mà HS đang biết là điều cần thiết để GV gợi ý những câu hỏi để định hướng HS trong việc tự tìm ra câu trả lời.

3. Kết luận

          Cùng với các PPDH và các kĩ thuật dạy học tích cực, kĩ thuật KWL là một trong số những kĩ thuật hiện đại giúp người giáo viên gần gũi với học sinh, định hướng cho học sinh giải quyết vấn đề và xâu chuỗi những nội dung được học. Trên đây chỉ là một số kinh nghiệm cá nhân khi vận dụng kĩ thuật này trong giảng dạy. Tôi tin rằng các anh chị, các bạn đồng nghiệp đã từng áp dụng kĩ thuật này sẽ có nhiều chia sẻ hay hơn. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các thầy cô để nội dung chuyên đề thêm hoàn chỉnh giúp cho giảng dạy đạt hiệu quả cao.