Gắn kết nhà trường và phụ huynh
Theo chia sẻ của TS giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường TH, THCS, THPT Canada hệ song ngữ (Quận 7, TPHCM), trong mô hình Trường học hạnh phúc, yếu tố con người được xem là quan trọng nhất. Bởi để có một ngôi trường hạnh phúc, điều đầu tiên là phải có con người hạnh phúc. Cụ thể là tạo dựng và duy trì những nhà trường mà ở đó học sinh, cán bộ, nhà giáo, người lao động được yêu thương, tôn trọng, an toàn và được có giá trị. Từ đó, phát triển môi trường nhà trường thân thiện, văn minh, cùng hợp tác vì sự phát triển bền vững trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay. TS Thu Huyền cho biết: “Cụm từ hạnh phúc nhiều người cho rằng đó là một khái niệm rất cảm tính, hạnh phúc là không đo đếm được. Tuy nhiên, khoa học về tâm lý học đã có những định nghĩa về hạnh phúc và có tiêu chuẩn và công cụ để đo lường. Các nhà nghiên cứu cũng thực hiện và can thiệp vào nhiều yếu tố để xem xét con người hạnh phúc như thế nào.
Mô hình Trường học hạnh phúc không phải dựa trên ý tưởng hay kinh nghiệm của một cá nhân nào. Đến nay đã có nhiều tổ chức tham gia nghiên cứu một cách khoa học để đưa ra những mô hình khác nhau”. Thực tế cho thấy, để có một “Happy School - Trường học hạnh phúc” nếu chỉ có vai trò của giáo viên và nhà trường thì chưa đủ. Bởi học sinh có thể không vui ở trường không phải do giáo viên mà đến từ gia đình. Chẳng hạn, nhà trường không đặt áp lực hay kỳ vọng mà tin tưởng vào tiềm năng của các em, giáo viên kiên nhẫn trong việc hướng dẫn và phát huy những tiềm năng đó. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bố mẹ lại có những kỳ vọng nhiều hơn về con mình nên vô tình tạo áp lực cho con cái.
Theo ThS Cẩm Giang, phụ huynh cần hiểu thế nào là trường học hạnh phúc cũng như vai trò của mình khi cùng mang lại những giá trị tích cực cho con em mình. Cha mẹ cần nắm rõ nếu con không hạnh phúc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập và các mối quan hệ của trẻ, cũng như định hình mục tiêu học tập lâu dài.
Còn theo ThS tâm lý Phan Thị Cẩm Giang, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, để thực hiện trường học hạnh phúc cần xác định chủ thể trong nhà trường gồm: Cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh. Ngoài các chủ thể đó, phát huy sức mạnh của cộng đồng là cần thiết. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần hiểu về vai trò của bản thân trong quá trình cùng con phát triển.
Việc giáo dục con cái là sự phối hợp giữa các lực lượng xã hội, trong đó gia đình là quan trọng nhất. Hiểu được như vậy, phụ huynh sẽ chủ động tham gia các khóa học tập chuyển hóa để có thể đồng hành, nhận lấy phần trách nhiệm chính của mình trong quá trình giáo dục trẻ. Việc phối hợp một cách chủ động giữa nhà trường và gia đình sẽ tạo tiền đề và là điều kiện tiên quyết hướng đến việc mang lại những điều tốt đẹp nhất cho học sinh.
ThS Phan Thị Cẩm Giang (bên trái), TS Nguyễn Thị Thu Huyền (bên phải). |
Cùng thay đổi
Trong quá trình dạy và học, trường học phải đảm bảo sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm lý (phòng ngừa và ứng phó với bắt nạt, bạo lực học đường…) cho học sinh và cán bộ, giáo viên. Không để xảy ra các hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo và bạo lực học đường, tạo dựng môi trường xanh sạch đẹp, thân thiện, cởi mở. Để làm được điều này, theo ThS Phan Thị Cẩm Giang, thầy, cô giáo chính là hạt nhân nòng cốt đóng vai trò quyết định. Điều này, đặt ra yêu cầu nhà giáo phải làm gương cho học sinh trong mọi hoạt động dạy và học.
Trong quá trình giảng dạy, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tạo hứng thú, phù hợp, thấu hiểu và chấp nhận sự khác biệt tâm lý, thể chất, hoàn cảnh của các em. Cùng với đó, nhà trường cần tổ chức những lớp học hay các buổi tập huấn về trường học hạnh phúc, kỹ năng chuyển hóa cảm xúc của người dạy. Đồng thời, ban hành nội quy, bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường với những quy định cụ thể.
Trong đó, thể hiện rõ sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình nhằm góp phần giữ vững nền nếp, đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục học sinh.
Các trường học tại TPHCM luôn nỗ lực để mỗi ngày học sinh đến trường là một ngày vui. |
“Trong quá trình dạy học, thầy cô cần duy trì bầu không khí học tập, lao động ấm áp và thân thiện. Mọi thành viên trong trường, lớp học được yêu thương, tôn trọng, được có giá trị và bảo đảm an toàn. Cán bộ, nhà giáo, người lao động thường xuyên sử dụng các biện pháp kỷ luật tích cực.
Nhà trường tạo cơ hội để mỗi học sinh và nhà giáo, người lao động được phát triển tối đa tiềm năng của bản thân, không ai bị bỏ lại, tất cả cùng thay đổi và tiến bộ...”, ThS Cẩm Giang nhấn mạnh. Còn theo chia sẻ của TS Nguyễn Thị Thu Huyền, thầy cô cần phối hợp và hợp tác hiệu quả với phụ huynh, cộng đồng địa phương và các lực lượng liên quan trong công tác giáo dục học sinh. Với nhà trường, cần quan tâm đẩy mạnh tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp gắn với những nội dung đa dạng, phong phú, hình thức hấp dẫn, sinh động để thu hút học trò tham gia...
Qua đó, hình thành được những năng lực, phẩm chất cần thiết, mang đến cho các em những phút giây được thư giãn, giải trí, tỏa sáng bằng niềm đam mê và năng khiếu của bản thân. Từ đó, thầy trò, bạn bè có thêm cơ hội để thấu hiểu, gắn kết và cùng nhau lưu giữ những khoảnh khắc hạnh phúc của đời người.
“Thực tế việc xây dựng trường học hạnh phúc đã góp phần làm thay đổi rõ rệt suy nghĩ và hành động của đội ngũ từ cán bộ quản lý đến giáo viên. Vì vậy, Ban giám hiệu nhà trường cần tiếp tục nỗ lực phát huy tính năng động, sáng tạo, tinh thần đoàn kết nhất trí trong đội ngũ; dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Nhà trường chú trọng tạo cơ hội cho học sinh được bày tỏ ý kiến, được sáng tạo, chăm sóc cả về tâm lý, làm cho các em biết mình được yêu thương và được chăm sóc”, TS Thu Huyền chia sẻ.
“Trường học hạnh phúc phải là nơi mà thầy cô, học trò được quyền làm chủ ngôi trường đó. Thực tế để mô hình “Happy School” thành công ở Việt Nam thì lãnh đạo nhà trường phải được tự do, sáng tạo; đưa ra những định hướng theo bối cảnh của nhà trường, đáp ứng mong cầu chính đáng của học sinh và phụ huynh để cùng mang lại những điều tốt đẹp nhất”, TS Nguyễn Thị Thu Huyền nhấn mạnh.