In trang

Hạnh phúc lan tỏa trong trường học
Cập nhật lúc : 13:26 07/01/2025

GD&TĐ - 2024 - 2025 là năm thứ hai ngành GD-ĐT TPHCM triển khai mô hình xây dựng Trường học hạnh phúc.


Theo chia sẻ của lãnh đạo các trường phổ thông, với mô hình này, bên cạnh việc tạo ra môi trường học tập an toàn và thân thiện, việc dạy, học và tổ chức các hoạt động giáo dục là nhân tố quan trọng góp phần làm nên thành công của mỗi nhà trường.

Nhiều cách làm hay

“Ngày thứ năm hạnh phúc” tại Trường THPT Võ Văn Kiệt (Quận 8) là ngày học sinh không mặc đồng phục nhà trường. Thay vào đó, các em mặc đồng phục áo lớp hoặc trang phục được cả lớp thống nhất phối đồ cả về màu sắc, kiểu dáng.

Nguyễn Hoàng Gia Huy - học sinh lớp 11, Trường THPT Võ Văn Kiệt (Quận 8) chia sẻ: Lớp em ai cũng hào hứng với các hoạt động “Ngày thứ năm hạnh phúc”. Không còn là đồng phục thường ngày, mỗi lớp một màu áo khiến sân trường rực rỡ sắc màu. Vì vào những ngày học tập rất mệt mỏi, có một ngày ngoại lệ và đặc biệt để giúp tụi em có thể có thêm nhiều động lực hơn nữa để chúng em học tập. Đặc biệt, giờ ra chơi trong ngày này rất náo nhiệt, sôi động và đầy ắp tiếng cười. “Ngày thứ năm hạnh phúc” đã phần nào giải tỏa những áp lực trong việc học, giúp chúng em có những giây phút thư giãn cùng nhau.

Bên cạnh đó, học sinh được mang ba lô, túi đựng sách vở tùy ý và đặc biệt học sinh sẽ có những phút giây “quẩy” hết mình với bạn bè theo điệu nhạc vào giờ ra chơi. Không chỉ học trò, thầy cô, nhân viên của trường cũng có thể “diện” đồ tự do nhưng phải lịch sự phù hợp với học đường. Đặc biệt, nữ giáo viên có thể mặc trang phục công sở thay vì áo dài như thường ngày khi lên lớp.

 

Học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt hào hứng trong Ngày thứ năm hạnh phúc. Ảnh: M.A

Học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt hào hứng trong Ngày thứ năm hạnh phúc. Ảnh: M.A

Theo chia sẻ của cô Lê Thị Hồng Anh - Phó Hiệu trưởng nhà trường, “Ngày thứ năm hạnh phúc” được thí điểm vào tháng 4/2024 vào các ngày thứ 5 hàng tuần. Đến nay, mô hình đã được áp dụng chính thức tại nhà trường. Với “Ngày thứ năm hạnh phúc”, học sinh không chỉ được thoải mái chọn lựa trang phục, mà còn được “phá cách” trong việc mang ba lô đến trường.

Đó có thể là chiếc túi cói đi chợ của bà, đó có thể là chiếc ba lô phát sáng mà ba tặng, đó còn là chiếc nồi để đựng sách vở. Đặc biệt hơn, rất nhiều học sinh đã tự sáng tạo và tái chế nhiều kiểu túi để đựng sách vở đi học từ những vật liệu tái chế và trang trí cho chiếc túi của em trở nên độc đáo “có một không hai”.

“Việc tổ chức mô hình ‘Ngày thứ năm hạnh phúc’ cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên nằm trong chuỗi hoạt động xây dựng trường học hạnh phúc mà Sở GD&ĐT TPHCM đang triển khai. Hoạt động đã mang đến niềm vui, hạnh phúc và khơi dậy sự sáng tạo, mới mẻ để cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng như học sinh cảm thấy hạnh phúc khi tới trường”, cô Hồng Anh chia sẻ.

Ở bậc tiểu học, từ năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT TPHCM đã khuyến khích các trường mở rộng thực hiện mô hình tiết học mở, mời phụ huynh đến dự giờ học của con em mình để phụ huynh hiểu hơn về con em mình cũng như công tác giảng dạy của thầy, cô giáo, của nhà trường.

Theo cô Lê Thị Thoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận Kiều (Quận 12), mô hình “Tiết học mở” đã được nhà trường triển khai ở nhiều môn học, diễn ra ở những địa điểm thích hợp như hội trường, sân trường, sân bóng đá…

“Thông qua ‘Tiết học mở’, phụ huynh có cơ hội tham gia cùng con học tập, vui chơi, rèn luyện, sinh hoạt ở trường, từ đó phụ huynh biết được ở trường con làm gì, học gì, học như thế nào? Điều này tạo được sự đồng hành giữa phụ huynh và nhà trường, giúp đạt mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Bên cạnh đó, qua ‘Tiết học mở’, phụ huynh thấy được tâm sức của giáo viên, giúp phụ huynh có niềm tin vào giáo viên và nhà trường. Từ đó, góp phần tạo động lực cho giáo viên và nhà trường hoạt động tốt hơn, hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc”, cô Thoa chia sẻ.

Trên thực tế, những năm qua, các trường học tại TPHCM thực hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo như tăng cường các dự án học tập kết hợp nhiều môn học, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, tổ chức thường xuyên các buổi đối thoại giữa ban giám hiệu với học sinh các khối lớp, triển khai các sáng kiến xây dựng môi trường học tập xanh - sạch - đẹp… Nhờ những nỗ lực đó, giáo viên tích cực đổi mới, sáng tạo, học sinh tham gia học tập rất tích cực, hào hứng, giờ học rất sôi nổi và hiệu quả.

Không chạy theo thành tích

Tháng 10/2023, TPHCM là địa phương đầu tiên cả nước ban hành bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc. Trong đó, có 6 tiêu chí về con người, 8 tiêu chí về dạy học và hoạt động giáo dục, 4 tiêu chí về môi trường.

Ở từng tiêu chí, cơ sở giáo dục được đánh giá ở 3 mức độ là cần cải thiện, khá, tốt. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, việc xây dựng trường học hạnh phúc phải dựa trên nhu cầu tự thân của cơ sở giáo dục, không nhằm chạy theo thành tích.

Qua hơn một năm thực hiện, mô hình đã bước đầu tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác tổ chức dạy và học, tăng cường sự kết nối giữa các lực lượng trong nhà trường gồm giáo viên với cán bộ quản lý, giáo viên với học sinh và phụ huynh.

“Mô hình ‘Trường học hạnh phúc’ là một sự cộng hưởng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp giáo dục chuyển mục tiêu từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho người học.

Trong đó, trường học hạnh phúc hướng đến việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Mỗi thành viên từ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh đến phụ huynh đều được bày tỏ quan điểm, được tạo điều kiện đổi mới sáng tạo, phát huy năng lực cá nhân”, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.

Để xây dựng thành công trường học hạnh phúc, đội ngũ giáo viên là mắt xích quan trọng giúp hiện thực hóa các mô hình, mục tiêu đề ra của trường học. Không chỉ truyền dạy cho học sinh kiến thức văn hóa, thầy cô còn rèn luyện cho các em đạo đức làm người, lối sống lành mạnh, tích cực, biết chia sẻ, giúp đỡ mọi người. Khi đó, giáo dục không còn hướng đến mục tiêu duy nhất là điểm số.

Thay vào đó, trường học là nơi nói “không” với bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh. Trong môi trường được đảm bảo an toàn đó, giáo viên và học sinh có thể đồng hành, cảm thông, chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.

Cô Đoàn Thị Thu Hoài - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình cho hay, từ khi ngành GD-ĐT TPHCM triển khai mô hình xây dựng trường học hạnh phúc, nhà trường đã thực hiện mô hình và dần đi vào nền nếp.

“Ngoài những hoạt động trải nghiệm, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến học sinh nhất là học sinh khó khăn để kịp thời giúp đỡ. Với trách nhiệm của người quản lý, tôi luôn đồng hành cùng giáo viên trong các hoạt động giảng dạy. Bởi tôi nhận thức được rằng, thầy, cô giáo hạnh phúc thì học sinh hạnh phúc”, cô Hoài chia sẻ.

hanh-phuc-lan-toa-trong-truong-hoc-4.jpgCô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4) cùng học sinh trong dịp khánh thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của trường. Ảnh: T.H

Vai trò hiệu trưởng rất quan trọng

TS Phạm Thị Thúy - Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM chia sẻ, trường học hạnh phúc hay không phần lớn phụ thuộc vào nhà lãnh đạo. Hiệu trưởng giữ vai trò rất quan trọng khi phải có trách nhiệm chính và là người tạo ra cơ hội để nhà trường thay đổi.

Để trường học hạnh phúc, hiệu trưởng phải bắt đầu từ chính bản thân họ. “Hiệu trưởng phải khỏe, vui, tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết với nhà trường. Họ có tâm huyết muốn xây dựng trường học hạnh phúc. Từ đó, họ sẽ thay đổi cách làm việc, thay đổi cách sắp xếp cuộc sống, kế hoạch chăm sóc bản thân… để đầu tư cho chính họ.

Khi họ đến trường với tâm trạng thoải mái, vui vẻ mới lan tỏa được niềm hạnh phúc và niềm vui đến với mọi người. Tiếp đến, hiệu trưởng phải quan tâm đến người khác, đến các thành viên trong nhà trường. Sự quan tâm của hiệu trưởng rất quan trọng vì nó tạo ra mối quan hệ tích cực giữa hiệu trưởng với giáo viên, nhân viên”, TS Phạm Thị Thúy chia sẻ.

Cũng theo TS Phạm Thị Thúy, giáo viên, nhân viên cần nhất ở hiệu trưởng là sự lắng nghe. Lắng nghe để tôn trọng những nhu cầu của các thành viên trong trường, từ đó có sự điều chỉnh mọi việc sao cho phù hợp. Sự tôn trọng, lắng nghe để kết nối với mọi người chính là điều mà nhà quản lý phải làm.

Từ đó, hiệu trưởng sẽ có những hoạt động để thay đổi từ những việc nhỏ trong trường như chăm lo nhà vệ sinh sạch sẽ, bữa ăn an toàn, phong phú, đa dạng, thay đổi chế độ chính sách chăm lo cho đời sống của giáo viên, nhân viên, nâng cao chất lượng hiệu quả dạy và học. Hiệu trưởng phải là người công tâm, công bằng và không vụ lợi…

hanh-phuc-lan-toa-trong-truong-hoc-3.jpgHọc sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú) trong Hội thi Em là họa sĩ do nhà trường tổ chức. Ảnh: M.D

“Trường học hạnh phúc” không phải chỉ đến từ mỗi hiệu trưởng mà cần sự chung sức của nhiều người. Thứ nhất là hiệu trưởng cùng ban giám hiệu cần phải hạnh phúc. Thứ hai, nhóm giáo viên hạnh phúc luôn đổi mới sáng tạo để lớp học của mình trở nên hạnh phúc.

Thứ ba, phụ huynh phải phối hợp với trường để tạo ra gia đình hạnh phúc và có sự hợp tác với nhà trường trong việc dạy con. Đứa trẻ bất ổn trong gia đình thì đến lớp rất khó ổn định về cảm xúc, dễ gây ra bạo lực học đường, cho nên phụ huynh cũng phải có trách nhiệm đồng hành cùng nhà trường.

Thứ tư chính là học sinh. Tưởng rằng học sinh chỉ là đối tượng thụ hưởng nhưng chính các em chủ động làm nên trường học hạnh phúc. Các em yêu mến trường của mình sẽ giữ vệ sinh sạch sẽ, tuân thủ nội quy, đảm bảo nền nếp, chất lượng học của chính mình.

“Trường học hạnh phúc sẽ có từ khi chúng ta bắt tay vào cùng xây dựng trường học dựa trên ba giá trị là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Hạnh phúc là quá trình, là con đường chứ không phải đích đến.

Tôi ủng hộ phải có tiêu chí trường học hạnh phúc để đánh giá, để có hướng phấn đấu. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng hạnh phúc phải có mặt trong từng giây phút chúng ta đang làm việc, dạy - học cùng với nhau”, TS Phạm Thị Thúy cho hay.

Đồng tình với quan điểm trên, cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4) bày tỏ: “Nhận thức rõ được rằng, trường học hạnh phúc khi có đội ngũ giáo viên đoàn kết, cùng lấy sự hạnh phúc của học sinh làm trung tâm. Do đó, với cương vị là một hiệu trưởng, bản thân luôn nỗ lực xây dựng được tập thể đồng lòng, tương trợ lẫn nhau.

Phải làm sao để giáo viên hiểu tất cả công việc đều thực hiện trên tinh thần đội nhóm, tổ khối, tập thể chứ không riêng cá nhân nào. Đặc biệt, bên cạnh công tác chuyên môn thì hiệu trưởng cũng cần quan tâm đến đời sống tinh thần để giáo viên cảm thấy đến trường không chỉ là công việc hành chính mà giống như ngôi nhà thứ hai”.

ThS Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng: Trường học hạnh phúc không phải là khẩu hiệu, là phong trào để tổ chức hoạt động và đánh giá tổng kết. Trường học hạnh phúc là ngôi nhà tri thức đầy tình thương và ấm áp mà trước hết lan tỏa từ người hiệu trưởng đến thầy cô và học sinh. Không nhất thiết phải là ngôi trường to lớn mới có được hạnh phúc, mà hạnh phúc có mặt mỗi ngày khi thầy trò cảm nhận niềm vui khi đến trường. Mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui.