In trang

Đề xuất mô hình triển khai giáo dục thông minh tại Hà Nội
Cập nhật lúc : 14:07 25/12/2024

GD&TĐ - Giáo dục thông minh và Trường học thông minh đang là xu hướng toàn cầu đối với giáo dục phổ thông và được đề xuất triển khai tại Hà Nội.


Trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp thành phố “Xây dựng và thí điểm mô hình giáo dục thông minh cho giáo dục mầm non và phổ thông ở Hà Nội” do Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì (mã số 01X-12/01-2021-3), nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát các trường học, đánh giá điều kiện áp dụng giáo dục thông minh.

Khảo sát được thực hiện với quy mô 200 đối tượng gồm cán bộ quản lý, cán bộ phòng GD&ĐT, giáo viên. Hình thức mẫu giấy kết hợp mẫu khảo sát online qua Office 365. Nội dung gồm 41 câu hỏi về điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT, nhân lực, sư phạm, quản lý, chuyển đổi số.

Kết quả cho thấy 100% các trường được khảo sát đã có hạ tầng CNTT ở mức độ cơ bản. Tuy nhiên phần lớn ở mức độ cơ bản, và chưa đáp ứng được yêu cầu để triển khai lớp học thông minh/ trường học thông minh. Thêm vào đó, nhận thức và hiểu biết của phần lớn giáo viên về giáo dục thông minh còn ít, do đó mức độ áp dụng cũng rất hạn chế và còn mang tính tự phát.

Qua quá trình khảo sát các trường học trên địa bàn Hà Nội, nhóm thực hiện đề tài đã tổng kết các vấn đề cần giải quyết, phân tích, đánh giá một cách đầy đủ và khoa học về các mô hình giáo dục thông minh, với các đặc trưng cho từng khối giáo dục với từng lứa tuổi học sinh.

Để giải quyết các vấn đề tồn tại, cần có một cách tiếp cận hệ thống, trong đó trọng tâm là Công nghệ và Sư phạm. Để giải quyết vấn đề, đề tài đã quy tụ nhiều thành phần gồm các nhà quản lý, nhà công nghệ, chuyên gia giáo dục và đội ngũ các giáo viên tại các trường thí điểm.

Theo nhóm nghiên cứu, lớp học thông minh là lớp học có bố trí nội thất, thiết bị phù hợp với Giáo dục thông minh và theo đặc điểm các môn học với môi trường giáo dục mở rộng gồm Thư viện thông minh và các nền tảng E-learning.

Thư viện thông minh là thư viện số hoặc lai giữa số và truyền thống, có các nội dung số phong phú và có các tính năng thông minh hỗ trợ khuyến nghị nội dung cho học sinh, ứng dụng các công nghệ AI...

Nền tảng E-learning cung cấp hệ thống quản lý học tập LMS toàn diện để sinh viên tại các trường có thể sử dụng các dịch vụ trên đó dưới dạng MOOC (Massive Open Online Courseware). Hệ thống cần có khả năng chấp nhận số lượng người dùng lớn, đáp ứng nhu cầu đại chúng.

img-0115.jpg

Lớp học thông minh giúp giáo viên có thể thỏa sức sáng tạo.

Nền tảng có thể tích hợp các phân hệ học tập thích nghi (Adaptive Learning), kết nối với kho dữ liệu lớn về quá khứ học tập của các người học, để khuyến nghị cá nhân hóa cho từng sinh viên hoặc nhóm sinh viên, nhằm tối ưu hóa quá trình học tập.

Nhóm đề tài đề xuất lộ trình triển khai Trường học thông minh ở Hà Nội với 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Xây dựng triển khai một số lớp học thông minh tại các trường đủ điều kiện với hạ tầng công nghệ thông tin, trang bị thiết bị công nghệ và kết nối mạng tốc độ cao để làm hạt nhân lan tỏa ra toàn trường.

Tại các trường mới xây dựng, khuyến khích việc đưa các tiêu chuẩn/tiêu chí lớp học thông minh và Thư viện thông minh vào từ giai đoạn xây dựng cơ bản để có thể triển khai đồng bộ ngay từ đầu.

Giai đoạn 2: Phát triển hệ thống quản lý học tập và số hóa tài nguyên giáo dục. Xây dựng mới hoặc nâng cấp các Trung tâm điều hành giáo dục thông minh cấp quận huyện và cấp thành phố để thúc đẩy việc chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu và các hệ thống hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu.

 

Học sinh hào hứng với những bài học được giảng dạy trong lớp học thông minh

Học sinh hào hứng với những bài học được giảng dạy trong lớp học thông minh

Giai đoạn 3: Tăng cường kết nối, tối ưu hóa và mở rộng các mô hình và hạ tầng giáo dục thông minh đã triển khai. Xây dựng các ứng dụng phân tích dữ liệu, AI, nhân rộng cho các trường, các Phòng GD&ĐT trên địa bàn Hà Nội và tích hợp sâu vào hạ tầng Đô thị thông minh của thành phố.

Thực hiện đề tài "Xây dựng và thí điểm mô hình giáo dục thông minh đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ở thành phố Hà Nội", Sở GD&ĐT Hà Nội đã lựa chọn 5 trường để thí điểm gồm: Trường Mầm non B (quận Hoàn Kiếm), Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng), Trường THCS Chu Văn An (quận Long Biên), Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa), Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng).