Bồi dưỡng giáo viên: Thay đổi chất và lượng
Cập nhật lúc : 08:19 02/08/2021
GD&TĐ - Theo đại diện các trường tham gia Chương trình ETEP, sau 3 mô-đun đầu tiên cho thấy, có sự thay đổi lớn về chất và lượng trong công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán trên toàn quốc. .
TS Bùi Kiên Cường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết: Nhà trường đã thực hiện bồi dưỡng 3 mô-đun cho giáo viên phổ thông cốt cán và hỗ trợ bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông đại trà gồm: Mô-đun 1: Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Mô-đun 2: Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/ THCS/ THPT; Mô-đun 3: Kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh tiểu học/ THCS/ THPT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Đến nay, tại các địa phương do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 phụ trách, công tác bồi dưỡng giáo viên cốt cán và đại trà đều đạt yêu cầu về chỉ số trong thỏa thuận thực hiện chương trình (PA).
Theo TS Bùi Kiên Cường, việc tổ chức bồi dưỡng theo Chương trình ETEP giúp các giáo viên phổ thông cốt cán nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và hỗ trợ đồng nghiệp tại địa phương.
TS Phạm Kiều Anh (người đứng bên phải) – giảng viên sư phạm cốt cán hướng dẫn học viên làm bài tập nhóm.
“Bằng phiếu khảo sát trực tuyến, hầu hết giáo viên phổ thông cốt cán đều cho rằng, chương trình rất hữu ích, có tác dụng sâu sắc đến sự phát triển chuyên môn của bản thân như nắm vững các nguyên tắc và nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cả trên phương diện tổng thể và chuyên môn của mình. Giáo viên phổ thông đã nắm vững và triển khai được phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực của học sinh. Từ đó thực hiện được các văn bản của Bộ GD&ĐT liên quan đến quá trình tổ chức dạy học và giáo dục ở trường phổ thông” - TS Bùi Kiên Cường khẳng định.
Cũng theo lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, thông qua các khoá tập huấn, bồi dưỡng, giáo viên phổ thông cốt cán được phát triển các kĩ năng về công nghệ thông tin, tự học, tự bồi dưỡng, làm việc nhóm trong sinh hoạt chuyên môn theo phương thức cả trực tuyến và trực tiếp, phát triển chương trình môn học. Đồng thời hiểu rõ được giá trị, sứ mệnh của mình trong công cuộc đổi mới giáo dục, từ đó có thêm động lực trong hoạt động nghề nghiệp của bản thân.
Theo TS Trần Văn Giang – Thư ký Ban Quản lý Chương trình ETEP Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), hơn 4.000 giáo viên phổ thông cốt cán của 10 tỉnh miền Trung đã hoàn thành chương trình tập huấn, bồi dưỡng 3 mô-đun và được cấp giấy chứng nhận 2 mô-đun đầu tiên. Theo kế hoạch trong tháng 6, nhà trường sẽ triển khai tập huấn, bồi dưỡng mô-đun 4, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian tập huấn được lùi lại. “Trong các buổi khai mạc tập huấn mô-đun 4, chúng tôi sẽ trao giấy chứng nhận hoàn thành mô-đun 3 cho các học viên” - TS Trần Văn Giang cho hay.
Không còn tình trạng F1, F2, F3…
Khẳng định đã có bước tiến vượt bậc khi tham tham gia Chương trình ETEP, PGS.TS Trần Xuân Bách – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho biết: Nhà trường đã hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao trong cam kết ở cả 3 mô-đun bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán cho TP Đà Nẵng và 5 tỉnh Tây Nguyên.
Đợt tập huấn, bồi dưỡng lần này có nhiều điểm khác biệt. Theo đó, việc tổ chức xây dựng chương trình bồi dưỡng được biên soạn một cách bài bản, đúng quy trình do các giảng viên của 7 trường ĐH sư phạm chủ chốt thực hiện có sự tư vấn giám sát của Ngân hàng Thế giới, các vụ, cục của Bộ GD&ĐT, Ban Quản lý Chương trình ETEP, chuyên gia tư vấn độc lập trong và ngoài nước.
“Chương trình bồi dưỡng đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và tiếp cận với xu thế quốc tế” - PGS.TS Trần Xuân Bách khẳng định, đồng thời nhấn mạnh: Thông qua mô hình bồi dưỡng giáo viên này, giảng viên sư phạm và giáo viên phổ thông đã tạo ra một cộng đồng học tập hiệu quả. Giáo viên sẽ được tiếp cận những kiến thức, kỹ năng mới do các giảng viên sư phạm chuyển giao, đồng thời giảng viên sư phạm cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tiễn dạy học ở các trường phổ thông phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu ở trường sư phạm.
“Qua 3 đợt bồi dưỡng, có trên 90 - 98% giáo viên cốt cán hài lòng về 3 mô-đun bồi dưỡng đã thực hiện trong năm 2020 - 2021. Giáo viên tham gia bồi dưỡng đã chủ động tham gia các hoạt động được tổ chức tại lớp học, đồng thời tích cực hơn trong việc chia sẻ và hỗ trợ đồng nghiệp sau khi về trường công tác, tạo ra cộng đồng học tập tích cực. Thành tựu trên thể hiện sự thành công trong mô hình bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018” - PGS.TS Trần Xuân Bách nói.
PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục trao đổi: Khoá tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán có điểm khác biệt và được cải tiến thể hiện trong hình thức, phương pháp tổ chức và nội dung, học liệu…. Theo đó, một trong những điểm nhấn của các khoá tập huấn, bồi dưỡng thuộc Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT) là: Hình thức tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Tài liệu học tập được số hóa và đăng tải trên Hệ thống học tập trực tuyến. Tất cả học viên của 63 tỉnh/thành phố được truy cập hệ thống này để tự nghiên cứu tài liệu.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Bách nhấn mạnh, đây là mô hình bồi dưỡng lần đầu tiên thực hiện ở nước ta. Qua đó cho thấy, tính hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bồi dưỡng giáo viên. Thông qua hình thức này, giáo viên phổ thông được tiếp cận trực tiếp nội dung tài liệu bồi dưỡng từ các giảng viên sư phạm, không còn tình trạng F1, F2, F3… như trước đây. Qua đó, tạo sự gắn kết giữa các trường sư phạm với địa phương, mà cầu nối chính là giảng viên chủ chốt và giáo viên cốt cán.
Bản quyền thuộc Trường THCS Phong Hải - Phong Điền.
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thcs-phai.phongdien.thuathienhue.edu.vn/