Hoạt động chuyên môn
Trường học sáng tạo, thích ứng dạy học trong bối cảnh dịch bệnh
Sáng tạo triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TP Thái Bình– Thái Bình), thầy Nguyễn Thiện Lợi trao đổi: Công tác triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 đối với lớp 1, 2 đang diễn ra chủ động theo các văn bản hướng dẫn chuyên môn cấp tiểu học của Bộ GD&ĐT…
Đặc biệt, để triển khai hiệu quả, trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; tổ chức dạy 10 buổi/tuần với 35 tiết/tuần; kế hoạch giáo dục đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục, giúp HS hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình.
Trường cũng tạo điều kiện cho HS được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học; thời khóa biểu được sắp xếp khoa học, đảm bảo tỉ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi HS tiểu học.
Tại trường THCS Hợp Tiến (Nam Sách- Hải Dương), đây là năm đầu tiên triển khai CT GDPT 2018 đối với lớp 6 nên nhà trường chuẩn bị kĩ càng các điều kiện triển khai nói chung, trong đó đặc biệt chú trọng tới chất lượng đội ngũ giáo viên (GV).
Các nhà trường triển khai CT GDPT 2018 đầy sáng tạo. Ảnh minh họa.
Cô Trần Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng cho biết: Việc phân công GV dạy các môn lớp 6 được căn cứ tình hình thực tế đội ngũ GV, phân công GV dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của GV.
Nhà trường cũng chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để GV đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.
Trường có 3 lớp 6, các môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, phân công 2 GV dạy, để cùng nhau nghiên cứu, trao đổi, chuyên môn để hỗ trợ nhau. Môn Khoa học Tự nhiên phân công 3 GV dạy; Các môn đều được GV xây dựng Kế hoạch dạy học cụ thể theo tuần, học kỳ, bám sát các Văn bản chỉ đạo.
Đặc biệt, tất cả GV của trường đều được tham gia đầy đủ tích cực các buổi tập huấn thay sách, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do các cấp quản lý tổ chức. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, theo chuyên đề, thường xuyên trao đổi những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình lớp 6…
Qua thực tế cũng cho thấy, ngành Giáo dục Lạng Sơn tích cực triển khai các hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu của CT GDPT mới đối với lớp 1, 2, 6. 100% GV các cơ sở GDPT được cấp tài khoản trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) để bồi dưỡng qua mạng. Tính đến 10/2021 tỉnh đã hoàn thành bồi dưỡng 3 modul đầu tiên cho toàn bộ GV.
Song song với chương trình bồi dưỡng trực tuyến của ETEP, Sở GD&ĐT Lạng Sơn còn chủ động phối hợp với trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên tổ chức tập huấn trực tiếp cho đội ngũ; tăng cường bồi dưỡng thường xuyên, đổi mới sinh hoạt chuyên môn để GV nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu của CT GDPT mới.
Cô Lương Thị Ngọc, GV môn Khoa học Tự nhiên khối 6 trường THCS Đồng Bục (Lộc Bình- Lạng Sơn) cho biết, được chuẩn bị kĩ càng nên việc triển khai CT GDPT 2018 đối với bản thân và đồng nghiệp không gặp nhiều khó khăn.
Trước đây, GV chỉ tập trung dạy các nội dung kiến thức trong SGK nhưng hiện nay được chủ động, linh hoạt, sáng tạo hơn. Việc dạy học không chỉ bó hẹp trong phạm vi SGK mà từ chương trình môn học và mục tiêu của từng bài học;
GV có thể lựa chọn các ngữ liệu khác gần gũi hơn với HS để tăng hấp dẫn và ứng dụng cho bài giảng. “Sau 10 tuần dạy học chương trình mới, học sinh hứng thú và chủ động học tập, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục…” – cô Ngọc chia sẻ.
Chủ động với dạy học trực tuyến
Dịch bệnh diễn biến phức tạp thì việc thích nghi với thay đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại luôn được ngành giáo dục các địa phương đặt ra và chủ động tâm thế ứng phó.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương, ông Đỗ Duy Hưng cho biết: Từ đầu năm học, Sở đã yêu cầu tất cả các đơn vị trường học rà soát, bổ sung, sửa chữa, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho tổ chức dạy học trực tuyến, đáp ứng các yêu cầu về đường truyền Internet; điều kiện thiết bị của học sinh, xây dựng kế hoạch dạy học sẵn sàng đối phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Trong quá trình dạy học trực tuyến cũng đồng thời yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch bài dạy, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tuyến phù hợp; Tăng cường xây dựng và khai thác sử dụng nguồn học liệu dạy học trực tuyến.
Việc phát động GV tham gia cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử, xây dựng và đóng góp video bài giảng để tổ chức dạy học trên truyền hình cũng được đẩy mạnh triển khai…
Đặc biệt, chỉ đạo các trường học có các giải pháp đối với HS thiếu thiết bị dạy học trực tuyến hợp lý. Với sự chủ động trong việc thay đổi hình thức dạy học trực tuyến mà tỉ lệ HS tham gia học trực tuyến của Hải Dương đạt hơn 99%.
Thông tin từ Sở GD&ĐT Lạng Sơn cũng cho biết: Năm học 2020-2021, với điều kiện kiểm soát dịch Covid-19 trong từng giai đoạn, đa số trường tiểu học và THCS, THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy học trực tiếp từ đầu năm.
Việc chuyển trạng thái dạy học không khó khăn. Lý do bởi từ đầu năm học, thực hiện chỉ đạo Sở GD&ĐT, các nhà trường đã rà soát điều kiện dạy học trực tuyến của GV, HS, chủ động xây dựng kịch bản dạy học ứng phó với dịch bệnh và linh hoạt xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như bám sát hướng dẫn thực hiện CT GDPT năm 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19 mà Bộ GD&ĐT ban hành.
Đáng nói, để GV, HS làm quen việc dạy học trực tuyến và sẵn sàng chuyển trạng thái khi cần thiết, các trường học của Lạng Sơn khi đang dạy học trực tiếp vẫn tổ chức dạy học trực tuyến 1-3 buổi/tuần với các nội dung ôn tập, củng cố, hỗ trợ dạy học trực tiếp.
“Từ đầu năm đến nay, tổ Khoa học Tự nhiên của trường đã dạy được hơn 102 tiết trực tuyến cho HS. Mỗi GV được yêu cầu xây dựng ít nhất 2 bài giảng điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong bài dạy.
Trường, Phòng, Sở đều có chương trình tập huấn để GV nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cũng như ứng dụng công nghệ vào giảng dạy”, cô giáo Nông Thị Ngoại, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Bục (Lộc Bình- Lạng Sơn) cho biết.
Số lượt xem : 1