Hoạt động chuyên môn
Sinh động giáo dục đạo đức lối sống học sinh thông qua trải nghiệm
GD&TĐ - Trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh hay phát huy tinh thần học trải nghiệm cho học sinh có thể mang lại những kết quả tích cực. .
Chung tay cùng phụ huynh
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Mạnh Trinh, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Nhà trường luôn coi trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh toàn trường. Các chuyên đề đi từ xây dựng năng lực phẩm chất cá nhân như lòng biết ơn, nhân ái đến lòng yêu nước, sẻ chia với cộng đồng... hay giáo dục kỹ năng sống thông qua buổi hoạt động tập thể, sinh hoạt dưới cờ hoặc buổi nói chuyện theo chuyên đề riêng.
Từ buổi trò chuyện với chuyên gia, học sinh được lắng nghe và hiểu ý nghĩa của nhiều giá trị tốt đẹp. Sang đến trải nghiệm hoạt động ngoại khóa, hoạt động tập thể, các em có cơ hội thực hành, phát huy phẩm chất cá nhân.
Để giáo dục học sinh về lòng biết ơn, nhà trường đã mời anh hùng Phạm Tuân đến giao lưu, mời nhà thơ Trần Đăng Khoa đến chia sẻ, trò chuyện. Bên canh đó, trường phát động học sinh chăm sóc nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ của địa phương.
Nhà trường cũng lồng ghép bài học về lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô vào buổi Lễ Tri ân dành cho học sinh lớp 9 trong năm học 2019-2020. Đây là dịp để các em cùng nhau nhìn lại 4 năm học tập, trưởng thành dưới mái nhà lớn mang tên Trường THCS Chu Mạnh Trinh với sự đồng hành, giúp đỡ của cha mẹ và thầy cô. Trong không gian ấm cúng, nhiều học sinh đã mạnh dạn nói lời xin lỗi vì những lúc làm thầy cô phiền lòng, cha mẹ lo lắng.
Sau buổi lễ tri ân, em Nguyễn Vĩnh An, cựu học sinh nhà trường, bày tỏ: “Em rất trân trọng kiến thức, tình cảm thầy cô dưới mái trường Chu Mạnh Trinh dành cho chúng em. Thầy cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người cha, người mẹ hy sinh hết mình để chúng em đạt thành tích tốt nhất”.
Đại diện Trường THCS Chu Mạnh Trinh trao tặng quà cho trường mầm non tại xã Sơn Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: NVCC.Hướng về khúc ruột miền Trung trong đợt lũ lịch sử, Trường THCS Chu Mạnh Trinh đã kêu gọi giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh và các nhà hảo tâm trên địa bàn ủng hộ quần áo, sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập, nhu yếu phẩm và tiền mặt. Đoàn thiện nguyện gồm một số cán bộ, giáo viên nhà trường và trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh đã trao tận tay các món quà cho 3 điểm trường chịu thiệt hại nặng nề tại xã Sơn Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.
Theo cô Hồng, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường luôn nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình từ phía phụ huynh học sinh. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường và phụ huynh giúp học sinh phát huy tối đa tiềm năng không chỉ trong học tập mà trong đạo đức, lối sống.
Trường THCS Chu Mạnh Trinh tổ chức buổi nói chuyện theo chuyên đề cho học sinh toàn trường. Ảnh: NVCC.Giáo dục từ trải nghiệm
Cô giáo Phạm Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cho biết: Giáo viên nhà trường hiểu rằng, để giúp học sinh tiểu học hình thành ý thức về đạo đức, lối sống, cần phương pháp học tập thực hành, trải nghiệm để các em rút ra bài học cá nhân.
Mỗi tháng, mỗi khối lớp sẽ xây dựng chuyên đề về đạo đức, lối sống để trình bày trước toàn trường vào tiết Sinh hoạt dưới cờ. Với đa dạng chủ đề như tương thân tương ái, an toàn giao thông, tình yêu với quê hương đất nước, học sinh có thể đóng kịch, kể chuyện, múa hát. Tuy chỉ là những tiết mục đơn giản, quan trọng hơn hết là học sinh được tự mình thử nghiệm, lên ý tưởng và hiểu giá trị đằng sau những chuyên đề trên.
Theo cô Mai, bên cạnh giảng dạy văn hoá, nhà trường khuyến khích giáo viên lồng ghép các bài học về đạo đức, lối sống văn hoá và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Ví dụ, vào Tết Hàn thực, nhà trường tổ chức hướng dẫn học sinh làm bánh trôi, bánh chay. Nhờ vậy, các em nhỏ có thể phụ giúp cha mẹ ở nhà.
“Một trong những nội dung giáo dục đạo đức được nhà trường chú trọng là phòng chống bạo lực học đường. Giáo viên cùng học sinh thảo luận về những hành vi bạo lực học đường, qua đó hướng dẫn biện pháp giúp các em bảo vệ an toàn cho bản thân. Thầy cô không quên nhắc nhở mặt trái, ảnh hưởng xấu của bạo lực học đường”, cô Mai chia sẻ.
Thư cảm ơn lực lượng tuyến đầu chống dịch của học sinh Ngọc My. Ảnh: NVCC.Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến trường học chuyển sang dạy trực tuyến, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh vẫn được các nhà trường quan tâm, thực hiện.
Hệ thống giáo dục Tiểu học, THCS và THPT Hà Nội - Thăng Long, Hà Nội đã phát động chương trình viết thư tay, vẽ tranh cổ vũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Cô giáo Tạ Thị Tam Hà, Phó Hiệu trưởng chuyên môn, cho biết: Qua hoạt động này, học sinh được xây dựng tinh thần nhân ái, sẻ chia với mọi người xung quanh và ý thức vì cộng đồng. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, các em sẽ ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, hiểu cách phòng, chống với mỗi cá nhân và gia đình.
“Đây không chỉ là “bài tập đặc biệt” trong kỳ nghỉ hè năm 2021 mà còn là bài học giáo dục đạo đức cho thế hệ học sinh toàn trường”, cô Tam Hà bày tỏ.
Em Phạm Thị Ngọc My, học sinh lớp 11, chia sẻ: “Khi nhà trường phát động bài tập này, em rất hào hứng vì có thể gửi lời cảm ơn, cổ vũ tinh thần các y bác sĩ tham gia chống dịch. Em tin rằng sự đoàn kết đồng lòng của cả nước sẽ là liều “vắc-xin” mạnh mẽ đẩy lùi dịch bệnh”.
Số lượt xem : 1