Cô Hoàng Thị Xuân- Giáo viên Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) năm nay đã 53 tuổi nhưng vẫn không ngừng nỗ lực, tiên phong trong các hoạt động đổi mới giáo dục, tích cực áp dụng các phương pháp giáo dục hiện đại vào trong các bài giảng.
Năm học 2021-2022, năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT 2018 trong bối cảnh học trực tuyến kéo dài nhưng nhờ vận dụng linh hoạt các phương pháp và phần mềm dạy học, các bài giảng của cô Xuân đều trở nên vô cùng sinh động, xóa nhòa khoảng cách của việc dạy học online.
Năm nay, khi học sinh đi học trực tiếp, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đã thuận lợi hơn rất nhiều. Trong chương trình mới, học sinh được thỏa sức sáng tạo. Các tình huống dạy học tích hợp gắn với thực tiễn cuộc sống, gần gũi và hấp dẫn, tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng lực giải quyết vấn đề.
Cô Xuân cho biết, cô rất tâm đắc với mô hình dạy học 5E trong chương trình sách giáo khoa mới. Vận dụng mô hình dạy học 5E trong giảng dạy các môn khoa học ngày càng chiếm được ưu thế trên thế giới bởi những hiệu quả mà nó mang lại trong việc phát triển năng lực người học và xây dựng kế hoạch dạy học của giáo viên.
Bên cạnh đó, sự ra đời của môn Khoa học tự nhiên trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy học để phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực khoa học tự nhiên của học sinh THCS. Việc đổi mới là không dễ dàng, đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực, phấn đấu không ngừng
Trong bối cảnh chương trình GDPT mới còn khiến nhiều giáo viên trẻ lúng túng khi giảng dạy; với vai trò nhóm trưởng, cô Xuân đã tổ chức cho các đồng nghiệp trẻ xây dựng khung chương trình, đồng thời thực hiện 5 chuyên đề mẫu. Việc làm nhiệt huyết ấy đã lan tỏa tới các đồng nghiệp, thổi bùng lên một phong trào thi đua về đổi mới sáng tạo trong dạy học của nhà trường.
Cô Hoàng Thị Xuân và học sinh Trường THCS Cầu Giấy |
Còn tại Trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội), thầy Nguyễn Khánh Hoàn luôn tìm tòi những giải pháp để đổi mới phương pháp dạy học, tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới. Một trong số đó là giải pháp “Tạo hứng thú học tập cho học sinh thông qua bài toán thực tế” được áp dụng từ 2 năm học vừa qua.
Nhờ giải pháp của thầy, tất cả học sinh trong lớp thầy dạy đều đã yêu thích Toán hơn, một số học sinh chưa thích học toán đã thích học Toán. Vì thế mà chất lượng giảng dạy bộ môn toán lớp thầy phụ trách được cải thiện rõ rệt. Hàng năm chất lượng môn toán các lớp thầy phụ trách luôn vượt chỉ tiêu nhà trường giao.
Em Cao Bạch Phượng- học sinh lớp 7A Trường THCS Trần Phú bộc bạch: Trước đây, em rất sợ học toán, và lại càng lo hơn khi năm đầu tiên học chương trình, sách giáo khoa mới. Nhưng sau khi có thầy Hoàn giảng bài, em đã thích Toán hơn. Những giờ dạy của thầy mang tính thực tế rất cao, giúp học sinh cả lớp luôn hứng thú để tìm tòi những kiến thức mới.
Cần kiên định triển khai chương trình GDPT 2018 một cách tốt nhất |
Kiên định quyết tâm đổi mới
Với kinh nghiệm thực tế làm giáo viên và cán bộ quản lý ở một số nhà trường, cô Nguyễn Thị Nhiếp- Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định: Đổi mới trường học giống như chúng ta đang ở trên một chiếc máy bay, mà máy bay đó cần phải sửa chữa, có nghĩa là vô cùng khó khăn nguy hiểm, song không có cách nào khác.
Trước đây, dù trong điều kiện khó khăn nhưng các thế hệ thầy cô đi trước vẫn mang đến cho học trò của mình những bài học tốt nhất. Bởi thế không có lý do gì ngăn cản đội ngũ giáo viên hiện nay mang đến cho học sinh những bài học hấp dẫn nhất trong điều kiện đầy đủ và thuận lợi như hiện tại. Vậy nên, khi các thầy cô ngại ngần đổi mới tức là đang góp phần làm suy yếu năng lực đi đến tương lai của học sinh.
Đặc biệt khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang là thước đo sự cố gắng của mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi thầy cô giáo. Người thầy cần sáng tạo để tạo sáng cho trò. Đổi mới, sáng tạo chưa bao giờ dễ dàng những chắc chắn là khởi đầu để cho kết quả dài lâu trong giáo dục.
Cô Nhiếp chia sẻ: "Từ vị trí của người làm công tác quản lý giáo dục, tôi thương thầy cô, thương mình phải khổ, phải khó và chịu nhiều áp lực. Nhưng tôi còn thương hơn thế nếu học trò đến trường là vào ốc đảo của lạc hậu. Biết rằng, đổi mới luôn có đoạn khó, tên là mới đổi. Đường quen, lối cũ thường dễ đi, nhưng người làm thầy không đi trước dẫn lối thì trò dễ lạc đường".
Học sinh Trường THPT Yên Hòa trong một giờ sinh hoạt ngoại khóa |
Tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Bộ GD&ĐT với các Sở GD&ĐT về triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 được tổ chức tại Hà Nội tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định, đến thời điểm này, kế hoạch năm học diễn ra trong điều kiện khá thuận lợi và đang đi đúng lộ trình đã đặt ra.
Toàn ngành đã và đang chủ động, bài bản, khoa học, nghiêm túc thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế như thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; một số vấn đề liên quan đến chuyên môn, tổ chức dạy và học tại các trường, thu, chi tài chính, văn hóa học đường...
|
Thầy trò Trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội)
|
Từ đó, Thứ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT cần kiên định triển khai chương trình GDPT 2018 một cách tốt nhất. Điều này đồng nghĩa với việc chủ động, hiểu thật sâu, thật kỹ bản chất về chương trình GDPT mới. Phải tìm ra sự khác biệt giữa chương trình hiện hành và Chương trình GDPT 2018 thì mới tìm ra được cách triển khai tốt nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng đề nghị các thầy cô giáo, cán bộ quản lý đọc thật kỹ tài liệu để có những chỉ đạo triển khai chương trình thật sự hiệu quả, đặc biệt là đối với các môn học mới. Cần tập hợp các giáo viên lại để trao đổi những vướng mắc, bất cập để cùng nhau tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn.