Nhân cách của người thầy là sức mạnh to lớn có ảnh hưởng đến học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kì câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ hệ thống khen thưởng trách phạt nào khác "

Ngày 25 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Hoạt động dạy và học » Hoạt động chuyên môn

Hoạt động chuyên môn

Cập nhật lúc : 08:42 29/07/2021  

Lấy học sinh làm trung tâm: Đổi thay diện mạo trường học

GD&TĐ - Lấy học sinh (HS) làm trung tâm được nhiều trường xem như giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới dạy học, giữ vững niềm tin phụ huynh... Dù mỗi trường một cách triển khai, song đích cuối cùng vẫn là vì HS..

Học trò -  trung tâm mọi hoạt động

Tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân - Hà Nội) hàng loạt hoạt động được nhà trường triển khai khi đặt HS làm trung tâm giáo dục.

Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót cho biết: Những năm gần đây, trường triển khai hoạt động chào đón HS tới lớp theo biểu tượng cảm xúc. Điều này khiến HS hào hứng khi tới trường. HS lớp 1 vào môi trường học tập mới nhưng nhanh chóng hòa nhập, không căng thẳng.

Khoảng cách giữa giáo viên (GV) và HS được xóa bỏ, công tác dạy học thêm hiệu quả. Mặt khác, thay vì phê bình nhắc nhở HS đi học muộn, GV sẽ thăm hỏi lý do, động viên, chia sẻ để lần sau gia đình đưa trẻ đi học đúng giờ.

Cô Vũ Thị Thu Phượng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên – Hải Phòng) chia sẻ: Lấy HS làm trung tâm đã và đang gắn liền với hoạt động giáo dục của GV và HS trên lớp hàng ngày. Trong quá trình triển khai CT, SGK mới, yêu cầu lấy HS làm trung tâm càng được triển khai quyết liệt.

Tại Trường Tiểu học Núi Đèo, GV không chỉ dạy kiến thức, mà còn thay phụ huynh quan tâm, phát hiện năng lực, năng khiếu của HS để phát triển đúng hướng. Nhà trường yêu cầu GV hiểu rõ HS cần gì? Điểm yếu, mạnh ra sao trong học tập và sinh hoạt... Trên cơ sở đó kết hợp với gia đình cùng giáo dục.

Để bảo đảm việc đặt HS là trung tâm giáo dục, trường yêu cầu GV nghiêm túc từ việc tập huấn chuyên môn, xây dựng kế hoạch bài giảng, cách đánh giá HS theo yêu cầu mới... Các hoạt động giáo dục trong quá trình triển khai luôn đặt quyền lợi HS trên hết.

Cô Nguyễn Thị Liên – GV Trường Mầm non Lùng Phình 2 (Bắc Hà – Lào Cai) chia sẻ: Dù trường thuộc vùng cao khó khăn, song GV đã và đang ứng dựng công nghệ thông tin, các phần mềm, trò chơi vào giảng dạy. GV xây dựng kế hoạch công việc rõ trọng tâm, mục tiêu vì người học.

Ngoài ra, trường cũng tích cực tổ chức, tham gia các hội thi để GV và trẻ có cơ hội giao lưu, phát triển toàn diện. Đặc biệt, mạnh dạn chọn GV có năng lực, tay nghề cao… vào dạy các lớp mẫu giáo 5 tuổi để thực hiện tốt mục tiêu phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ.

Bên cạnh triển khai xây dựng môi trường sạch, đẹp, an toàn, thân thiện từ trường chính đến các phân hiệu…, trường còn chỉ đạo, khuyến khích GV tích cực làm đồ dùng dạy học, đồ chơi để tăng hiệu quả hoạt động giáo dục. Trẻ được thực hành, khám phá, trải nghiệm hằng ngày qua các chủ đề...

Hoạt động ngoài trời của HS Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) dưới hệ thống ô che nắng do GV nhà trường ủng hộ. Ảnh: Đức Hạnh 

 

Chuyển động từ người thầy

TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định: Mỗi nhà giáo dục cần tạo thói quen ứng xử tốt, văn minh, tôn trọng HS. Để làm được điều đó, GV cần nắm chắc một số nguyên tắc trong quá trình dạy học.

Trước hết, GV cần kiên trì và khoan dung trước những hành vi thái độ chưa chuẩn mực của HS. Nên tìm hiểu vì sao, do đâu mà HS xử sự như vậy thay vì để tức giận lấp đầy cảm xúc. GV cần thấu cảm và kiên nhẫn từ đầu để xử lý và giáo dục đạt hiệu quả… Ngoài những yêu cầu giáo dục chung, GV cần biết kích thích đúng sở trường cá nhân, mong muốn của HS. Cần đồng hành cùng HS, giúp các em hòa nhập tập thể trên tinh thần vì lợi ích chung.

Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc cũng chia sẻ: Khi xây dựng mô hình trường học lấy HS làm trung tâm, đâu đó vẫn có GV nghĩ là hình thức, khó khăn phức tạp cho GV khi phải thay đổi từ tâm lý, kiến thức, ứng xử… để phù hợp yêu cầu. Do đó, để triển khai một cách thực chất từ tư duy tới hành động, nhà trường phải giúp mỗi GV thấy được sự thay đổi là cần thiết và ban giám hiệu phải là người gương mẫu đi đầu, làm trước.

Cô Ngọc cũng khẳng định: Để quá trình xây dựng mô hình trường học lấy HS làm trung tâm nhất thiết đòi hỏi GV phải tự nâng cao kiến thức kỹ năng, tăng cường trách nhiệm, thời gian cho trường lớp, học trò…

Về phía ban giám hiệu, tổ chuyên môn cần có sự động viên, chia sẻ để GV thấu hiểu, nhận ra giá trị và sự cần thiết của việc lấy HS làm trung tâm hoạt động giáo dục. Chỉ có như vậy, mỗi GV sẽ tham gia một cách tự nguyện, tích cực, nhiệt huyết.

Ông Nguyễn Văn Lịch – Trưởng phòng GD&ĐT Yên Bình (Yên Bái) chia sẻ: Ngành Giáo dục đã chỉ đạo các trường tích cực, chủ động trong việc xây dựng trường học lấy HS làm trung tâm với các hoạt động đi vào thực tiễn, qua từng tiết học, bài giảng, hoạt động trường lớp…

 


GV Trường MN Lùng Phình 2 (Bắc Hà – Lào Cai) triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng. Ảnh: NTCC

GV Trường MN Lùng Phình 2 (Bắc Hà – Lào Cai) triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng. Ảnh: NTCC

 

Từ những kết quả có được khi triển khai lấy HS làm trung tâm, đội ngũ cán bộ, GV đã và đang tiếp tục thay đổi tích cực trong tư duy, nhận thức, hành động. Chất lượng giáo dục Yên Bình những năm gần đây có bước tiến đáng ghi nhận. Quan trọng hơn, khi triển khai lấy HS làm trung tâm, niềm tin của phụ huynh với nhà trường, thầy cô, ngành Giáo dục được nâng lên. Các tổ chức xã hội sẽ chung tay, tạo điều kiện hỗ trợ nhà trường có thêm nguồn lực phục vụ hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao nhất. 

 

Trong hoạt động tuyển sinh đầu cấp, trường xóa bỏ trong GV tâm lý phục vụ, hỗ trợ phụ huynh. Thay vào đó, GV được chuẩn bị kỹ năng giao tiếp để mang lại sự hài lòng, yên tâm cho phụ huynh khi gửi con tới trường. Đặc biệt, trong cuộc họp phụ huynh, GV sẽ chú trọng giới thiệu nội dung học tập, phân tích điểm mạnh yếu, tâm lý lứa tuổi của HS. Giúp phụ huynh hiểu đúng cách đánh giá HS theo hướng dẫn, thông tư nào? Đổi mới chương trình, sách giáo khoa cần làm gì hỗ trợ HS học tốt? - Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc

 

Số lượt xem : 1

Các tin khác