Cô Nguyễn Cẩm Hường, giáo viên Trường THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội), cho biết: Môn Khoa học tự nhiên hình thành, phát triển ở học sinh năng lực khoa học tự nhiên, bao gồm các thành phần: Nhận thức khoa học tự nhiên, tìm hiểu tự nhiên, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học. Cùng với các môn học và hoạt động giáo dục khác, môn học này góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, đặc biệt là tình yêu thiên nhiên, thế giới quan khoa học, sự tự tin, trung thực, khách quan, thái độ ứng xử với thế giới tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững…
Khẳng định vai trò quan trọng của khâu chọn sách, cô Vũ Thị Thúy, giáo viên Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình), đồng thời nhấn mạnh, giáo viên cần tìm hiểu kỹ nội dung và cách thiết kế của từng loại sách để có thể tổ chức tốt các hoạt động phát huy phẩm chất, năng lực học sinh. Tuy nhiên, sau khi chọn sách, giáo viên không chỉ dạy học theo nội dung, tiến trình của bộ sách đó, mà nên tham khảo thêm, nghiên cứu kỹ nội dung của các bộ sách khác để tìm thấy những điều phù hợp, từ đó lựa chọn, vận dụng cách dạy đạt hiệu quả nhất.
Như vậy, điểm mới về mục tiêu môn Khoa học tự nhiên, theo cô Nguyễn Cẩm Hường, đó là phát triển năng lực cho học sinh. Các em biết làm gì và làm được gì sau bài học. Dạy riêng các phân môn Vật lý - Hóa học - Sinh học như chương trình cũ sẽ có nhiều kiến thức bị trùng lặp và không tiếp nối mạch kiến thức của tiểu học.
Việc dạy môn Khoa học tự nhiên thể hiện sự tích hợp sâu ở lớp dưới và phát triển mạch kiến thức ở lớp trên. Sách giáo khoa được xây dựng dựa trên năm nguyên lý đó là: Tính cấu trúc, đa dạng, biến đổi và phát triển, tính tương tác và hệ thống về thế giới tự nhiên. Từ đó, giáo viên được phân công giảng dạy môn Khoa học tự nhiên có thể tìm hiểu thêm về đơn vị kiến thức của các phân môn khác trong sách giáo khoa.
“Hiện, các trường đều phân công từ 2 - 3 giáo viên phụ trách môn học này. Với đặc thù như vậy, việc sử dụng và khai thác sách giáo khoa có điểm khác biệt so với môn học khác. Giáo viên khi khai thác, sử dụng sách Khoa học tự nhiên cần nghiên cứu kỹ về mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung chương trình, cách thức dạy học và đặc biệt là phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp với bộ môn để phát huy tính tích cực chủ động của học sinh.
Hiện nay, chương trình có nhiều bộ sách khác nhau, mỗi bộ sách sẽ có đặc trưng và thế mạnh khác nhau. Tuy nhiên, việc tham khảo cách viết của bộ sách sẽ giúp giáo viên tìm ra phương pháp dạy học tối ưu cho mỗi đơn vị kiến thức để truyền đạt cho học sinh.
Nhà trường sử dụng bộ sách giáo khoa Khoa học tự nhiên Cánh diều. Giáo viên đã khai thác tối đa và hiệu quả hình ảnh sinh động được sử dụng trong bộ sách. Những từ khóa là nội dung chính của mỗi đơn vị kiến thức đều được học sinh tìm ra và dễ ghi nhớ. Các dạng bài tập vận dụng cũng phát huy được kiến thức đã học để giải quyết các yêu cầu câu hỏi” - cô Nguyễn Cẩm Hường chia sẻ.
Ảnh minh họa/ INT. |
Tăng cường trao đổi, dự giờ
Do chương trình được thiết kế thành bốn chủ đề khoa học, mỗi chủ đề thiên về kiến thức một ngành khoa học nên khi triển khai, mỗi giáo viên có thể dạy chủ đề phù hợp với ngành được đào tạo trên cơ sở phân công, phối hợp chặt chẽ với nhau. Việc sắp xếp các chủ đề khoa học chủ yếu theo logic tuyến tính, theo nhận định của thầy Nguyễn Tấn Lập, Hiệu trưởng Trường THCS Tân An Hội (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), điều này không gây khó khăn cho việc tổ chức kiểm tra đánh giá trong quá trình dạy học, trên cơ sở phân công giữa các giáo viên.
“Giáo viên được phân công giảng dạy môn Khoa học tự nhiên (từ 2 đến 3 người) không chỉ nghiên cứu khai thác sách giáo khoa các chủ đề được phân công, mà phải bao quát hết chương trình để nắm bắt được mạch liên thông giữa các chủ đề để tiến hành xây dựng kế hoạch bài dạy đạt hiệu quả. Các nhà trường tiến hành giảng dạy môn Khoa học tự nhiên với bộ sách giáo khoa trường đã chọn, nhưng để làm phong phú thêm ngữ liệu hình thành kiến thức cho học sinh, giáo viên cần kết hợp nhiều bộ sách giáo khoa theo danh mục sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt” - thầy Nguyễn Tấn Lập chia sẻ thêm.
Triển khai khá thuận lợi môn Khoa học tự nhiên, kinh nghiệm được NGƯT Bạch Thái An, Hiệu trưởng Trường THCS Tích Thiện (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), chia sẻ là: Cố gắng trưng dụng giáo viên từng học CĐ Hóa - Sinh (có thể đảm nhiệm được 2 phân môn) để dạy học Khoa học tự nhiên. Đồng thời, tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học với môn học này. Tuy nhiên, kinh nghiệm đáng chú ý nhất tại Trường THCS Tích Thiện là chủ động để sắp xếp lại tổ chuyên môn, gộp thành Tổ Khoa học tự nhiên từ sớm để tiện cho thầy cô trao đổi, sinh hoạt chuyên môn.
|
Ứng dụng SGK trong dạy và học là nhiệm vụ của giáo viên. Ảnh minh họa |
“Ngay từ năm học 2019 - 2020, chúng tôi đã sáp nhập thành Tổ Khoa học tự nhiên theo định hướng chương trình mới. Bởi vậy, trước khi triển khai chính thức môn Khoa học tự nhiên trong nhà trường, thầy cô phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đã dự giờ qua lại chéo môn với nhau, từ đó am hiểu hơn phương pháp dạy đặc thù của từng môn và tăng cường chuyên môn. Ở cùng một tổ nên thầy cô dạy Khoa học tự nhiên thuận lợi trong trao đổi, tính toán để “thông bài” với nhau, tránh tình trạng “sân ai người đó đá”, thầy cô dạy phân môn nào chỉ biết đến phân môn đó, khiến không thể đi sâu kiến thức và dạy học không nhịp nhàng, hiệu quả” - NGƯT Bạch Thái An trao đổi.
Thầy Hiệu trưởng Trường THCS Tích Thiện cũng đặc biệt chú trọng chỉ đạo giáo viên khai thác ưu điểm các bộ sách giáo khoa khác. Hiện, nhà trường sử dụng sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên của bộ Chân trời sáng tạo, nhưng các bộ sách khác đều được trang bị cho thư viện để giáo viên tham khảo, nghiên cứu. “Qua kiểm tra, dự giờ, chúng tôi thấy giáo viên sử dụng bài tập hoặc ví dụ ở bộ sách khác trong bài dạy, từ đó phát huy tính đa dạng, phong phú của kiến thức phục vụ dạy học tốt hơn” - NGƯT Bạch Thái An cho hay.