Trong giáo dục, không có gì đáng ngạc nhiên hơn là lượng ngu dốt mà nó tạo ra dưới dạng chân lý trì trệ "

Ngày 10 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Hoạt động dạy và học » Hoạt động chuyên môn

Hoạt động chuyên môn

Cập nhật lúc : 16:24 09/12/2024  

Khai thác hiệu quả kho thiết bị dạy học số trong giảng dạy

GD&TĐ - Trong quá trình giảng dạy, việc khai thác và sử dụng kho thiết bị dạy học số góp phần nâng cao hiệu quả tiếp thu bài và tạo hứng thú cho học sinh.

Tạo ra những giờ học vui nhộn

Cô Trần Thị Xuân Mỹ về công tác tại Trường Tiểu học An Dương Vương (Đông Anh, Hà Nội) từ những năm học đầu tiên khi mới thành lập theo định hướng mô hình “Trường công lập chất lượng cao”. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng cô đã ra sức cống hiến cùng với tập thể CBGVNV để xây dựng nhà trường, hoàn thành xuất sắc những kế hoạch đề ra.

 

Mỗi giờ học của cô Mỹ đều có sự sáng tạo, hấp dẫn để cuốn học sinh vào bài học.

Mỗi giờ học của cô Mỹ đều có sự sáng tạo, hấp dẫn để cuốn học sinh vào bài học.

Với cương vị một giáo viên chủ nhiệm, cô mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn để hoạt động dạy học của lớp mình đạt hiệu quả cao và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2023 – 2024. Cô Xuân Mỹ luôn khơi nguồn, truyền cảm hứng sáng tạo cho học sinh, dẫn dắt, giúp đỡ và sát sao trong từng công việc cụ thể.


my-3.jpgTiết Hoạt động trải nghiệm của cô Trần Thị Xuân Mỹ và các em học sinh Trường Tiểu học An Dương Vương, huyện Đông Anh, Hà Nội.


Theo cô Mỹ, thiết bị dạy học số là những công cụ, phương tiện được ứng dụng công nghệ số vào quá trình dạy và học. Từ đó giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập của học sinh, cho phép các em tương tác trực tiếp, học tập mọi lúc mọi nơi. Việc sử dụng thiết bị dạy học số trở thành một xu hướng tất yếu trong nền giáo dục hiện đại.

Ví dụ: Khi dạy về đơn vị đo khối lượng, nữ nhà giáo sử dụng thiết bị dạy học số để học sinh ứng dụng tốt vào thực tế.

Các phần mềm sử dụng hình ảnh minh hoạ quá trình đo lường, chuyển đổi đơn vị một cách sinh động giúp học sinh dễ hình dung và ghi nhớ. Các em có thể trực tiếp so sánh nhiều đơn vị đo khác nhau thông qua các hình ảnh, đồ thị, từ đó hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa các đơn vị.


my-6.jpgHọc sinh hăng hái tham gia phát biểu xây dựng bài.


Ngoài ra, khi dạy về cơ thể người như cơ quan vận động, cơ quan thần kinh, hệ tuần hoàn, cô Mỹ sử dụng thiết bị thực tế ảo để giúp học sinh khám phá. Phần mềm mô phỏng mô tả chính xác cấu trúc giải phẫu của các cơ quan, đồng thời còn cho phép học sinh tương tác, tuỳ chỉnh và cung cấp các thông tin về cấu trúc, chức năng của từng bộ phận.

Ngoài ra, cô Mỹ cũng chú trọng tạo nhân vật đồng hành cùng tiết học. Trong môn Toán, để tránh sự nhàm chán, khô khan, cô đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra những bài giảng hấp dẫn.

"Việc dạy Toán ở Tiểu học cần gắn với đời sống học sinh, tạo cơ hội giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, đồng thời tạo hứng thú khi thực hiện các nhiệm vụ học tập. Một bí quyết rất đơn giản để giúp học trò yêu thích môn Toán đó chính là dạy Toán thông qua những ví dụ, tình huống thực tế", cô Mỹ trao đổi.


my-2.jpgTrong giờ học, học trò phát huy tính chủ động để tham gia các hoạt động dưới sự gợi ý của giáo viên.


Ví dụ: Khi dạy bài “Phép trừ (không nhớ) trong phạm vi 1000”, cô đã sử dụng trí tuệ nhân tạo và biến những hình ảnh trong sách giáo khoa thành một câu chuyện “Cuộc thi ai cao hơn” để thu hút học sinh.

Cô Trần Thị Xuân Mỹ cho rằng, thông thường trong các tiết học, giáo viên là người chủ động dẫn dắt, hướng dẫn học sinh tiếp thu kiến thức và thực hành qua các bài tập. Tuy nhiên, để có giờ học đạt hiệu quả cao, cô đã tạo các nhân vật đồng hành hoặc xây dựng thành câu chuyện hấp dẫn để thu hút học sinh hơn.

Ví dụ: Khi dạy bài về dấu câu, cô đã xây dựng một câu chuyện “Dấu câu đi học”. Các bạn dấu câu sẽ trở thành những người bạn mới - cùng đồng hành với học sinh trong tiết học để khám phá kiến thức.

Áp dụng nhiều sáng kiến

 

my-4.jpgCô trò cùng nhau tìm hiểu bài học cùng sự đồng hành của công nghệ.

Một sáng tạo nữa được cô Mỹ vận dụng là tăng cường cho học sinh tổng hợp kiến thức bằng cách diễn giải hoặc tự vẽ sơ đồ tư duy, đặc biệt là trong viết đoạn văn. Các em được thoả sức sáng tạo, vẽ kết hợp tìm hiểu theo chủ đề tiết học. Từ đó, việc viết đoạn văn không còn “đáng sợ”, học trò rất vui và chờ đợi những tiết học này.

Đối với các tiết đọc mở rộng, trên tinh thần xây dựng và phát triển văn hoá đọc, nữ giáo viên đã tự thiết kế những phiếu đọc sách sinh động, hấp dẫn. Đồng thời, biến những câu truyện dài thành “mẩu truyện tranh” giúp các em thích thú.

Với khả năng ứng dụng tốt công nghệ thông tin, cô Trần Thị Xuân Mỹ được nhà trường giao nhiệm vụ phụ trách Ban truyền thông. Cô giáo đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu của nhà trường, tạo ra hiệu ứng tích cực thu hút sự quan tâm của phụ huynh học sinh và cộng đồng đối với các hoạt của nhà trường cũng như sự nghiệp đổi mới giáo dục.


my-7.jpgLà một giáo viên trẻ nhưng cô Xuân Mỹ (giữa) luôn nhiệt huyết, tận tâm, yêu nghề và được đồng nghiệp quý mến, học sinh tin yêu

.

Cô giáo cũng luôn quan tâm đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động trong tiết học để tạo hứng thú cho học sinh. Cô thiết kế tiết học thành một câu chuyện, trong đó, mỗi học sinh là một nhân vật trải nghiệm. Những tiết dạy trở thành “hành trình phiêu lưu” mà học sinh chính là nhà thám hiểm nhí, đóng vai nhân vật đi khám phá kiến thức.

Trong thời đại công nghệ số bùng nổ, cô giáo Xuân Mỹ đã khai thác công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và phần mềm hỗ trợ cho hoạt động của giáo viên như tạo nhân vật AI đồng hành cùng học sinh, sử dụng AI chuyển hình ảnh thành video, chuyển văn bản thành giọng nói, tạo hệ thống bài tập, quản lí lớp học bằng phần mềm…

my-1.jpgCô Trần Thị Xuân Mỹ được trao giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo" lần thứ 8 năm 2024.


"Nhờ những giải pháp trên, học sinh lớp tôi luôn hào hứng và mạnh dạn, chủ động chiếm lĩnh kiến thức. Nhiều phụ huynh đã trao đổi rằng các em rất vui và háo hức khi kể với bố mẹ về những bức tranh chuyển động hay những câu chuyện y như thật vô cùng gần gũi. Đây chính là động lực to lớn để tôi tiếp tục cố gắng làm tốt hơn nữa", cô Trần Thị Xuân Mỹ tâm sự.

Theo tìm hiểu, để lan toả những đổi mới, sáng tạo của mình, cô Xuân Mỹ đã xây dựng một kênh mạng xã hội thu hút hơn 52 nghìn lượt theo dõi, gần 700 nghìn lượt yêu thích và một cộng đồng giáo viên với hơn 1.400 thành viên thường xuyên chia sẻ, trao đổi, giúp đỡ nhau trong công tác chuyên môn.

Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của mình, năm học 2023-2024, cô Trần Thị Xuân Mỹ đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở; giải Ba cuộc thi “Bài giảng điện tử và sản phẩm CNTT” cấp thành phố; giải Nhất cuộc thi “Bài giảng điện tử STEM, thiết bị dạy học số” cấp huyện; giải Ba cuộc thi “Tìm hiểu, tuyên truyền nghị quyết Đại hội XIII Công Đoàn Việt Nam”. Năm học 2024-2025, cô đạt giải Nhất thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện.

Số lượt xem : 1

Các tin khác