Hoạt động chuyên môn
Giáo viên cốt cán – Người mở lối, dẫn đường
GD&TĐ - Triển khai bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình GDPT 2018 với phương thức mới, trong đó, đội ngũ giáo viên cốt cán tại các nhà trường đóng vai trò quan trọng. Giáo viên cốt cán hỗ trợ đồng nghiệp tự học trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường và địa phương..
Phát huy vai trò cầu nối
Nhà giáo Đỗ Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Thanh C thuộc xã Ngọc Thành (Vĩnh Phúc) chia sẻ: Nhà trường đã lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán có đầy đủ năng lực, phẩm chất (xếp loại chuyên môn Khá, Giỏi) để tham gia tập huấn, bồi dưỡng các mô đun thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đội ngũ cốt cán sau khi được bồi dưỡng vừa trực tiếp vừa trực tuyến có nhiệm vụ hỗ trợ giáo viên đại trà tự học trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS).
Giáo viên cốt cán còn tham gia trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ với đồng nghiệp trong sinh hoạt chuyên môn tại nhà trường; cùng thống nhất xây dựng kế hoạch, những bài khó, những nội dung mới đều được bàn bạc một cách thấu đáo để có được sự thống nhất chung khi triển khai, như xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học nhằm phát triển phẩm chất năng lực học sinh; Kiếm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.
Hiệu trưởng Trường TH Ngọc Thanh C (trên cùng bên trái) trong buổi sinh hoạt chuyên môn với giáo viên cốt cán nhà trường. Ảnh tư liệuư
Ban giám hiệu và giáo viên cốt cán thường xuyên dự giờ giáo viên, đánh giá các hoạt động của học sinh, việc tiếp thu của học sinh nhằm biến năng lực của người dạy thành năng lực của người học, sự phát triển của các phẩm chất, năng lực đặc thù, năng lực cốt lõi.
Qua một năm thực hiện CTGDPT đối với lớp 1, Trường Tiểu học Ngọc Thanh C thuộc xã Ngọc Thành, một xã miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc có gần 1/2 là con em dân tộc ít người đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Khen thưởng cuối năm học, học sinh HT xuất sắc đạt 31,3%; HT tốt: 6,3%; Hoàn thành: 62,5%. Không có HS phải ở lại lớp hoặc phải rèn luyện lại trong hè.
Tại nhiều trường phổ thông hiện nay, các thầy cô cốt cán đang là người mở lối, dẫn đường cho Chương trình GDPT 2018 đến với đồng nghiệp của mình thông qua hỗ trợ đồng nghiệp tự bồi dưỡng trên Hệ thống LMS thuộc Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT).
Cô giáo Lưu Thị Minh Thủy, giáo viên cốt cán môn Toán Trường TH Yên Sơn 1 (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) hiện đang phụ trách hỗ trợ 19 giáo viên trong trường và cụm trường.
Cô Thủy cho biết: Khi chúng tôi tập huấn theo Chương trình ETEP của Bộ GD&ĐT thì các giáo viên cốt cán trong cụm trường lập một nhóm zalo. Qua đó, nhóm trao đổi, chia sẻ với nhau về các vấn đề nổi cộm trong quá trình học, nghiên cứu, để đi đến thống nhất. Từ đó, các giáo viên cốt cán hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp một cách hiệu quả.
Ví dụ với giáo viên môn Toán ở trường thì giáo viên cốt cán hướng dẫn cho họ các quy trình để hoàn thành nhiệm vụ bồi dưỡng trên hệ thống. Trong quá trình thực hiện nếu nảy sinh khó khăn gì thì chúng tôi cùng nhau giải quyết, tháo gỡ.
Cô giáo Lưu Thị Minh Thủy (ngoài cùng bìa trái) thảo luận cùng đồng nghiệp sau buổi tập huấn giáo viên cốt cán. Ảnh tư liệu
Trong quá trình hướng dẫn, đến phần học viên trả bài, có những học viên chưa hiểu thì chúng tôi yêu cầu soạn lại, đồng thời có hướng dẫn từng phần một để các thầy cô hoàn thành, khi đó mới chấm và giúp họ hoàn thành hết phần khảo sát của mình.
Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Theo cô Lưu Thị Minh Thủy, với vai trò là giáo viên cốt cán thì bản thân người giáo viên đó phải nắm chắc kỹ năng, kiến thức thì mới có thể hướng dẫn nhóm và giáo viên nhà trường hoàn thành nhiệm vụ.
“Khi thực hành thực tế thông qua các clip, hướng dẫn học các mô đun thì giáo viên vừa học vừa phải làm nên có ít thời gian để nghiên cứu sâu. Còn, giáo viên cốt cán được bồi dưỡng vừa trực tuyến, lại vừa được bồi dưỡng trực tiếp 3 ngày tập trung, được giảng viên sư phạm hướng dẫn bài bản, khi về đại phương, chúng tôi có trách nhiệm hướng dẫn giáo viên đại trà tự học.
Ví dụ, khi soạn một bài ở mô đun 2 là phải quan tâm đến phẩm chất, năng lực của học sinh. Chúng tôi hướng dẫn giáo viên cần quan tâm đến mục tiêu, phẩm chất và năng lực đối với từng học sinh và bài học liên quan. Từ đó, xoáy sâu vào từng mảng cụ thể để khi giáo viên soạn bài, thiết kế bài giảng thì giáo viên chú ý đến thiết kế phẩm chất, năng lực hình thành trong tiết học ngày hôm đó của học sinh. Đồng thời, giáo viên biết sử dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp…” - Cô Thủy cho biết thêm.
Thầy Lê Huy Minh – Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Lý trong giờ lên lớp. Ảnh tư liệu
Chia sẻ về hiệu quả của đội ngũ giáo viên cốt cán trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, thầy giáo Lê Huy Minh – Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Lý, huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: BGH nhà trường luôn tìm mọi cách để nhân rộng đội ngũ giáo viên cốt cán thông qua các hoạt động tổ/nhóm chuyên môn như: thường xuyên tổ chức các chuyên đề tập trung vào những vấn đề khó trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn do giáo viên cốt cán thực hiện và cùng tập thể cán bộ giáo viên trong hội đồng Sư phạm nhà trường bàn thảo thống nhất để xây dựng thành khung mẫu để thực hiện.
Nhà trường chủ động cho giáo viên đăng ký xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng trong năm, tập trung vào những vấn đề là điểm yếu, điểm thiếu của bản thân và nhà trường giao cho mỗi giáo viên cốt cán phụ trách hướng dẫn nhóm từ 2-3 giáo viên để cùng hoàn thiện kế hoạch tự bồi dưỡng của năm học.
Ngoài ra, giáo viên cốt cán chủ trì nhiều cuộc họp, bàn thảo để lựa chọn SGK theo CT GDPT 2018; xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với tình hình học sinh và điều kiện của nhà trường và địa phương. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại nhà trường.
Số lượt xem : 1