Câu chuyện thứ nhất
Khóa A11 (2016 - 2020), NPT là cô bé có ngoại hình xinh xắn, vô cùng cá tính, năng động. So với bạn bè đồng trang lứa, em phát triển sớm hơn vì thế có nhiều bạn nam, đặc biệt các bạn nam lớp trên để ý.
Bước vào lớp 8, sự tò mò hiếu kỳ về giới tính, cộng thêm những vấn đề thay đổi tâm sinh lý ở cô bé tuổi dậy thì, em đã bước vào mối quan hệ với một bạn nam lớp trên với định nghĩa mà các em gọi là “yêu”. Tuy nhiên, sự việc trên bị bố phát hiện. Do lo lắng, bố mẹ đã có những hành động giáo dục cực đoan là đánh chửi và sử dụng ngôn từ gay gắt để miệt thị, nhốt em ở nhà. Tôi biết được bởi cuộc điện thoại em gọi điện “kêu cứu” trong buổi chiều xảy ra sự việc.
|
Cô và trò Trường THCS Đống Đa, Đống Đa, Hà Nội. |
Em thổn thức nói trong điện thoại: “Cô ơi cứu con. Bố con đánh con. Bố con giết con mất. Bố phát hiện con và anh T yêu nhau, bảo sẽ đến xử lý anh. Con rất xấu hổ, con không thể sống tiếp được mất”. Sau đó em xin tôi đến “cứu” và cho em đến ở nhà tôi. Em chưa nói dứt lời thì tín hiệu điện thoại tắt.
Sự việc diễn ra chớp nhoáng và sự ngắt kết nối đột ngột đó khiến tôi thực sự lo lắng. Ngay lập tức, tôi liên hệ với bố em để tìm hiểu thông tin. Bố em chia sẻ trước đó đã từng gặp câu chuyện tương tự với cô con gái lớn. Do không lường trước hậu quả dẫn đến con gái lớn của ông đã phải lập gia đình khi tuổi còn rất trẻ. Trước sự lo lắng và bối rối của mình, người bố không kiểm soát được cảm xúc và có những hành động như vậy với em.
Sau khi nắm bắt vấn đề, tôi đã chia sẻ cùng bố của nữ sinh: Biểu hiện của con gái ở độ tuổi này là bình thường, do đó cần học cách đón nhận và đồng hành với con. Việc đầu tiên cần giáo dục cho con cách “bảo vệ bản thân” trong mối quan hệ khác giới, “cân bằng cảm xúc” và cách “làm bạn cùng con”. Rất may mắn, bố em đã thiện chí lắng nghe và ghi nhận những chia sẻ của tôi để điều chỉnh dần phương pháp giáo dục con.
Về phía học sinh, tôi quan sát biểu hiện của em nhiều hơn; lắng nghe những điều em chia sẻ, đưa ra lời khuyên, thường xuyên theo dõi quá trình học tập, kết hợp quản lý thời gian của em. Hơn tất cả là chia sẻ, trò chuyện, phân tích cho em hiểu nhiệm vụ quan trọng cốt lõi trong giai đoạn này là “học tập”, tạo cho em động lực, hướng dẫn em cách giải quyết vướng mắc về mặt cảm xúc để tránh bị cuốn vào suy nghĩ tiêu cực.
Sau khoảng 2 tháng kể từ khi xảy ra sự việc, NPT đã thay đổi thái độ với gia đình, đồng thời xác định được mục tiêu trong giai đoạn tới, thoát ly dần cảm xúc tiêu cực. Em cũng chuyên tâm học tập hơn và dành nhiều thời gian cho gia đình. Năm ngoái, em gặp lại tôi sau kỳ thi đại học năm 2023 và cho biết đã trở thành sinh viên sư phạm chuyên ngành tiểu học vì muốn lan tỏa những điều tích cực mà em cảm nhận khi còn ngồi trên ghế nhà trường cho thế hệ sau.
|
Cô Nguyễn Thị Xuân Hương. Ảnh: NTCC |
Câu chuyện thứ hai
TMH là học sinh mà tôi rất ấn tượng của khóa chủ nhiệm đầu tiên A8 (2008 - 2012) khi tôi về trường nhận công tác. Năm học 2009 - 2010, khi đó lớp tôi chủ nhiệm bước vào lớp 7, TMH là học sinh lưu ban từ lớp trên xuống vì kết quả học tập không đạt. Trùng hợp thay, TMH cũng đồng thời là học sinh lớp tôi dạy bộ môn trong năm học 2008 - 2009.
Bằng quan sát và cảm nhận của giáo viên bộ môn Toán của TMH năm học trước đó, tôi thấy em là học sinh khá nhút nhát, không tập trung, đôi khi có những hành vi bộc phát và tự do trong giờ học. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, tôi nhận thấy lý do dẫn tới biểu hiện như vậy bởi em không có cảm hứng, động lực trong học tập. Trong gia đình, bố mẹ bận rộn và chưa có nhiều thời gian quan tâm đôn đốc dẫn đến em mất gốc kiến thức, sa sút trong học tập.
Với suy nghĩ, giáo dục con trẻ là sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, tôi chủ động trao đổi với gia đình, đưa ra những vấn đề tồn tại của em và đề xuất biện pháp theo dõi, đôn đốc sát sao.
Về phía TMH, khi đó tôi có nhiều cuộc trao đổi với em về vai trò việc học tập, kể những câu chuyện, con người thực tế đã thành công ra sao khi học, kiên trì đi theo con đường học tập. Biết em là học sinh yếu kém, đồng thời xác định giáo dục là quá trình dài hơi, tích lũy, không thể đốt cháy giai đoạn, tôi đã đặt ra từng mục tiêu ngắn cho TMH và không quên động viên khi em có tiến bộ dù nhỏ nhất.
Với sự kiên trì và phối hợp của gia đình, sau 2 năm, TMH từ một học sinh yếu kém, lưu ban, em dần trở nên tự tin, lấy lại hứng thú học tập. Điều đáng mừng hơn là ở bộ môn Toán của tôi, em đã trở thành học sinh khá giỏi, thường xuyên đạt điểm cao. Và trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, em đã đỗ vào trường nguyện vọng 1 với điểm trung bình 3 môn Ngữ văn - Toán - Tiếng Anh là 8.0.
|
Cô và trò Trường THCS Đống Đa, Đống Đa, Hà Nội. |
Câu chuyện thứ ba
TTT là học sinh khóa A5 (2012 - 2016) tôi từng chủ nhiệm. Gia đình TTT có truyền thống học tập và bố mẹ em là những người có địa vị cao trong xã hội, thành đạt. Gia đình kỳ vọng em trở thành bác sĩ để nối nghiệp cha. Từ khi học lớp 7, tôi thường xuyên được lắng nghe những chia sẻ của gia đình về mong muốn với em trong tương lai và lộ trình đầu tư cho việc học hai môn Sinh học, Hóa học để em có thể chạm tới đích gia đình đặt ra.
Tuy nhiên, sau 2 năm kể từ khi được gia đình đầu tư, cảm nhận của tôi, cũng như dựa trên quan sát, minh chứng qua kết quả học tập, em không có chút hào hứng nào với lộ trình học tập mà gia đình đặt ra. Điển hình là việc em thường xuyên ngủ gật trên lớp, nhất là giờ Hóa học. Kết quả bài kiểm tra hai môn Sinh học, Hóa học thường xuyên ở mức trung bình hoặc trung bình khá.
Vì thế, tôi đã nói chuyện với em về việc học. Em chia sẻ không thích theo ngành y chỉ muốn làm kinh doanh hoặc nghề liên quan đến cơ khí. Tôi hỏi “con đã nói điều này với gia đình chưa?”, em trả lời “con đã nói nhưng bố mẹ vẫn cứ ép và mong con học”.
Em còn nói “Con rất ngưỡng mộ bố. Bố giỏi, giúp đỡ nhiều người, nhưng con thấy không hợp công việc như bố. Dù muốn bỏ nhưng con sợ bố thất vọng về mình, mà con học thì không vào đầu”. Điều này, cùng với sự ảnh hưởng của thay đổi tâm sinh lý giai đoạn dậy thì, TTT bắt đầu tỏ ra ngang bướng, chểnh mảng học hành, dẫn đến mâu thuẫn giữa hai bên đạt đến đỉnh điểm: Bố không nói chuyện được với con, con không muốn lắng nghe bố mẹ.
Trước tình hình này, tôi đã động viên, khuyên nhủ để em hiểu những việc làm cha mẹ đang dành cho mình để từ đó có động lực phấn đấu. Mặt khác, về phía cha mẹ em, tôi cũng có những chia sẻ với mong muốn họ đồng hành với con không chỉ trong học tập mà cả tâm lý; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của em để cân bằng được mong muốn của hai bên, từ đó tìm ra tiếng nói chung.
Sau hơn 1 tháng tác động cả hai phía “học sinh” và “gia đình”, cuối cùng bố mẹ em cũng chấp nhận lắng nghe những mong muốn của con. Về phía TTT dần nhận thức được tình yêu thương của bố mẹ. Vốn có tố chất, chỉ là chưa chú tâm vào học tập, trong 2 tháng cuối của khóa học, tôi và gia đình đã đồng hành, hỗ trợ em với mục tiêu mới là thi Lê Quý Đôn thay vì chuyên Hóa như ban đầu. Em chọn khối A thay vì khối B như định hướng của gia đình và đã có kết quả bứt phá trong kỳ thi năm đó.
Là giáo viên chủ nhiệm suốt 16 năm (từ 2008 đến nay), tôi chứng kiến nhiều câu chuyện về lứa tuổi “ẩm ương” của học sinh THCS. Đây là giai đoạn các em bắt đầu có thay đổi rõ rệt về tâm lý, sinh lý; đang hình thành nhận thức, nhân sinh quan về thế giới xung quanh. Các em học cách “giải quyết” những khúc mắc trong suy nghĩ, “đối diện” và “ứng biến” với “cảm xúc” của bản thân. Vì thế, sự đồng hành của những nhà tham vấn tâm lý, mà gần gũi nhất là giáo viên chủ nhiệm, vô cùng quan trọng.