Ngủ dậy muộn thi phí mất cả ngày, ở tuổi thanh niên mà không học tập thì phí mất cả cuộc đời "

Ngày 10 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Hoạt động dạy và học » Hoạt động chuyên môn

Hoạt động chuyên môn

Cập nhật lúc : 07:28 29/03/2023  

Đổi mới sinh hoạt chuyên môn bắt đầu từ đâu?

GD&TĐ - Hoạt động sinh hoạt chuyên môn (SHCM) trong nhà trường ngày càng thay đổi tích cực.


Không còn hình thức, triển khai văn bản hành chính, thay vào đó SHCM trở về đúng tên gọi, đi sâu phân tích bài dạy, chia sẻ kinh nghiệm giúp giáo viên tốt hơn mỗi ngày.

Đi vào thực chất

Nhận định SHCM trong các trường phổ thông có nhiều đổi mới, thầy Nguyễn Phương Bắc, Trường THCS Lâm Thao (Lương Tài, Bắc Ninh) cho biết: Trước đây, SHCM chủ yếu tập trung vào triển khai văn bản chỉ đạo chuyên môn của cấp trên, phổ biến kế hoạch, kiểm điểm thi đua… Nội dung chuyên đề chiếm tỷ lệ thấp, chưa sát vấn đề giáo viên còn khó khăn như: Đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học hiệu quả, dạy học tích hợp, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)...

“SHCM tạo cơ hội cho giáo viên học tập lẫn nhau thông qua cùng xây dựng kế hoạch bài học, tập trung giải quyết vấn đề nóng và khó, dự giờ, phân tích bài học, làm đồ dùng dạy học… Qua đó, thầy cô phát triển năng lực chuyên môn, kỹ năng giảng dạy, khả năng sáng tạo. Về tổ chức thực hiện, trước hết, Ban giám hiệu và tổ trưởng họp trao đổi thống nhất chuyên đề.

Sau đó, tổ trưởng họp tổ, phân công nhóm chuyên môn và giáo viên xây dựng, thực hiện. Các giáo viên khác nghiên cứu trước nội dung, chuẩn bị ý kiến phát biểu, đóng góp cho chuyên đề. Việc thực hiện chuyên đề theo hình thức luân phiên, cả giáo viên có và chưa có kinh nghiệm đều phải thực hiện”, thầy Vỹ cho hay.

Hiện nay, thời gian dành cho các nội dung chuyên môn được ưu tiên nhiều hơn; SHCM theo hướng nghiên cứu bài học, lấy học sinh làm trung tâm. Theo đó, tiến hành thảo luận về bài học trong SGK, tài liệu hướng dẫn giảng dạy, học tập; xây dựng kế hoạch, chuẩn bị bài dạy; thống nhất nội dung chương trình; rèn luyện kỹ năng bộ môn; dạy các bài khó; ứng dụng CNTT trong dạy học; sử dụng thiết bị dạy học; đổi mới phương pháp, kiểm tra đánh giá...

Nhà trường cũng chú trọng tổ chức tốt tiết dự giờ, thao giảng, trao đổi, góp ý, cùng sửa chữa tồn tại, nhược điểm, như phong cách lên lớp, ngôn ngữ diễn đạt, trình bày bảng… giúp hoàn thiện kỹ năng sư phạm của giáo viên.

Thầy Trang Minh Thiên, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cái Răng, TP Cần Thơ) cho rằng, SHCM có nhiều thay đổi tích cực, không còn hình thức, triển khai văn bản hành chính. Thay vào đó, hoạt động SHCM đi sâu phân tích bài dạy, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi, chủ nhiệm và thực hiện các seminar chuyên đề cấp tổ.

Đặc biệt, khi triển khai Chương trình GDPT 2018, SHCM càng tích cực, có chiều sâu hơn qua rút kinh nghiệm bài dạy của mỗi giáo viên để tìm điểm chung cho kế hoạch bài dạy của cả tổ/nhóm chuyên môn.

Chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Vỹ, Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Nếnh (Việt Yên, Bắc Giang), trong SHCM, nhà trường ít triển khai văn bản chỉ đạo, phổ biến kế hoạch, kiểm điểm thi đua. Những việc này được truyền đến giáo viên qua hệ thống Zalo, Gmail nhóm.

SHCM được tổ chức theo chủ đề: Báo cáo chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc phụ đạo học sinh yếu; kiểm tra đánh giá kết quả học tập; làm thế nào để tiết dạy thành công; vận dụng đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng đồ dùng dạy học (dự giờ, thao giảng)…

Đổi mới sinh hoạt chuyên môn bắt đầu từ đâu? ảnh 1

Ảnh minh họa ITN.

 

Vai trò của lãnh đạo nhà trường

Cô Lê Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) thừa nhận hoạt động SHCM tại trường vẫn chưa thực sự đổi mới. Để hoạt động này hiệu quả, thực chất, theo cô Hạnh, nhà trường cần định hướng hỗ trợ kịp thời khi các nhóm chuyên môn gặp khó khăn.

Với tổ chuyên môn, cần tổ chức tốt các chuyên đề sinh hoạt tổ, lựa chọn chuyên đề sinh hoạt phù hợp, thiết thực. Tổ trưởng phải nắm bắt những công việc đã làm để nhận xét, đánh giá được mặt mạnh, yếu, rút ra kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo của tổ… Kế hoạch cần được xây dựng rõ ràng cho từng buổi sinh hoạt.

Triển khai tổ chức chuyên đề, cô Hạnh cho rằng, phải lập kế hoạch từ đầu năm học. Lưu ý cơ cấu hợp lý các mảng đề tài, có thể phân công mỗi giáo viên chỉ đảm trách một chuyên đề theo sở trường, phân bổ thời gian phù hợp với điều kiện nhà trường. Bên cạnh đó, tổ trưởng khi phân công chuyên môn phải dựa trên năng lực, chuyên môn, hoàn cảnh từng thành viên để bố trí sắp xếp phù hợp; kèm theo đó là động viên khích lệ nhằm khơi dậy nhiệt tình của giáo viên.

Từ thực tế đâu đó còn tổ/nhóm chuyên môn tổ chức sinh hoạt qua loa, sơ sài, thiếu chiều sâu, thầy Trang Minh Thiên cho rằng, tập thể giáo viên phải luôn tích cực, chấp nhận thay đổi để hòa nhập với chương trình mới. Đặc biệt vai trò của tổ trưởng chuyên môn, ngoài quản lý công tác chuyên môn của tổ/nhóm, tổ trưởng phải là người dấn thân, truyền lửa và đi đầu trong thực hành đổi mới.

SHCM là việc làm rất khó. Vậy làm như thế nào, bắt đầu từ đâu là câu hỏi mà những người làm công tác quản lý đều băn khoăn, trăn trở. Chia sẻ về điều này và đưa giải pháp, thầy Nguyễn Văn Vỹ nhấn mạnh: Thành công phải đổi bằng công sức, trí tuệ, niềm đam mê, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao. Để làm được, vai trò của Ban giám hiệu nhà trường rất quan trọng, thậm chí quyết định. Người lãnh đạo phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, kỹ năng, cái nhìn tinh tế, sự đam mê nhiệt huyết, cảm thông chia sẻ, gần gũi thân thiện với giáo viên và học sinh.

 

Giáo viên Trường THCS Thị trấn Nếnh (Việt Yên, Bắc Giang) sinh hoạt chuyên môn.

Giáo viên Trường THCS Thị trấn Nếnh (Việt Yên, Bắc Giang) sinh hoạt chuyên môn.

Cùng đó, phải đổi mới tư duy, nhận thức của từng cán bộ, giáo viên bởi thói quen cũ đã ăn sâu vào tiềm thức. Đơn cử như hoạt động dự giờ vẫn tập trung vào quan sát, nhận xét giáo viên, áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác. Điều này khiến giáo viên không thích, sợ dạy phục vụ SHCM; ngại chia sẻ, sợ mất lòng.

Bản chất của đổi mới SHCM là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh phát triển toàn diện; là nơi giáo viên chia sẻ, học hỏi, đồng nghiệp xích lại gần nhau, giúp nhau cùng tiến bộ. Hiểu điều đó, khi dự giờ, thay bằng quan sát giáo viên sẽ chuyển sang quan sát học sinh để biết các em học được gì trong tiết học và học như thế nào.

“Nhận thức vai trò quan trọng của người lãnh đạo, hàng ngày chúng tôi đều dành thời gian để thăm lớp, quay phim, chụp lại hình ảnh học sinh học trên lớp. Thầy cô cùng xem lại để thấy học sinh tham gia học tập thế nào, tích cực, hào hứng hay chưa, tương tác trong giờ ra sao... Sau đó, người quản lý tiếp tục phân tích những gì giáo viên chưa nhìn ra, đồng hành với giáo viên tháo gỡ khó khăn chứ không phải gây áp lực. Có thế thầy cô mới không ngần ngại chia sẻ trong công việc và cuộc sống”, thầy Nguyễn Văn Vỹ cho hay.

Số lượt xem : 1

Các tin khác