Chúng ta không thể dạy bảo cho ai bất cứ điều gì, chúng ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn trong họ "

Ngày 25 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Hoạt động dạy và học » Đổi mới giáo dục- Sáng kiến kinh nghiệm

Đổi mới giáo dục- Sáng kiến kinh nghiệm

Cập nhật lúc : 10:08 16/02/2024  

Giải pháp giúp học sinh nhanh ổn định nền nếp học sau Tết

GD&TĐ - Sau thời gian nghỉ Tết dài, học sinh bị xáo trộn nhịp sống thói quen dẫn đến việc có những khó khăn sau khi đi học trở lại.


Tạo hứng thú cho học sinh

Theo cô Lê Thị Lệ Thu, giáo viên Trường THCS Huyền Hội (Càng Long, Trà Vinh), dịp Tết cũng là thời điểm vừa hoàn thành kiểm tra cuối học kỳ I. Tâm lý nghỉ Tết và nghỉ xả hơi sau khi kết thúc một học kỳ khiến tinh thần học tập của học sinh có phần giảm sút.

Để khắc phục tình trạng này, giáo viên cần có giải pháp khích lệ tinh thần, tạo hứng thú cho học sinh. Có thể bằng những phần quà nhỏ để động viên khi học sinh có tinh thần xung phong, trả lời tốt câu hỏi.

 

Cô Tô Thị Hương Giang, Trường tiểu học Thị trấn Diêm Điền và học trò trong giờ học.

Cô Tô Thị Hương Giang, Trường tiểu học Thị trấn Diêm Điền và học trò trong giờ học.

Tùy nội dung bài học, thầy cô có thể đưa ra những câu hỏi kiến thức về ngày Tết, dẫn vào bài dạy để đỡ nhàm chán, tạo nên cảm giác hứng thú với tiết học.

Trước nghỉ Tết, giáo viên, nhà trường cũng có thể tổ chức các hoạt động thiện nguyện, đi về địa chỉ đỏ, hỗ trợ cho gia đình khó khăn và khuyến khích học sinh tham gia. Đây là cách giáo dục đạo đức, kỹ năng khá hiệu quả, đồng thời góp phần giúp học sinh ý thức tránh những hoạt động thiếu lành mạnh.

“Hằng năm, trường tôi luôn có hoạt động hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn như: “Hũ gạo tình thương”; “Áo xuân tặng bạn”… Đây cũng có thể xem là một hoạt động tạo động lực cho các em quay trở lại trường sau nghỉ Tết. Việc làm này giúp cho các em học sinh luôn gắn bó, các em luôn thấy ấm áp trước sự quan tâm của các thầy, cô và bạn bè”, cô Lê Thị Lệ Thu cho hay.

Trong kỳ nghỉ lễ, nhiều học sinh có thói quen dậy muộn. Chính vì vậy, đi học lại sau kỳ nghỉ, học sinh thường không tránh khỏi buồn ngủ, mất tập trung, hay ngủ gật trong giờ học.

Kinh nghiệm được cô Thu chia sẻ là các tiết học “quà lì xì”: giáo viên có thể dùng những phần quà nho nhỏ, bánh kẹo hoặc vài nghìn lấy lộc đầu năm nhằm tạo sự hứng khởi cho học sinh, giúp tiết học sôi nổi hơn.

Một biện pháp không thể thiếu là sự phối hợp với chính quyền địa phương để cùng quan tâm, nắm bắt, quản lý học sinh trong kỳ nghỉ Tết; kịp thời động viên, giúp đỡ các em có nguy cơ không quay lại trường sau nghỉ Tết.

Cô Lê Thị Lệ Thu, giáo viên Trường THCS Huyền Hội và học trò trong giờ học.

Cô Lê Thị Lệ Thu, giáo viên Trường THCS Huyền Hội và học trò trong giờ học.

Khích lệ, động viên kịp thời

Cô Tô Thị Hương Giang, Trường tiểu học Thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy, Thái Bình) cho biết, dịp Tết Nguyên Đán, ý thức học tập của học sinh, đặc biệt là các em nhỏ tuổi đều có phần sao nhãng. Bên cạnh tâm lý lứa tuổi, một phần là do một số phụ huynh hay xin cho con nghỉ học về quê dịp này, hoặc xin cho con nghỉ đi tham gia việc hỉ, đi chơi…

Để giúp học sinh ổn định nền nếp học trước và sau nghỉ Tết, cô Tô Thị Hương Giang đã trao đổi cụ thể tới phụ huynh về lịch học và chương trình học và chỉ đồng ý cho học sinh nghỉ khi có lý do chính đáng.

“Thời gian trước nghỉ Tết, tôi thường tổ chức cho học sinh tìm hiểu về Tết cổ truyền xen kẽ trong các tiết học. Giới thiệu cho học sinh một số phong tục tập quán thông qua các câu chuyện nhằm thu hút học sinh đến trường và giúp các em hiểu hơn về Tết Nguyên đán. Tổ chức các tiết học chuyên đề vừa học vừa chơi cho học sinh… Đặc biệt là không giao bài về nhà nhiều, tránh tạo áp lực”, cô Tô Thị Hương chia sẻ.

Trong Tết, cô Hương cho rằng, giáo viên cũng cần giữ liên lạc, hướng dẫn học sinh tự ôn tập củng cố lại kiến thức đã học. Khuyến khích các em làm việc nhà giúp cha mẹ. Có thể yêu cầu các em làm và quay lại video những việc mình làm, gửi thầy cô đăng trên trang website của nhà trường; vừa làm tư liệu tuyên truyền, vừa giáo dục các em kỹ năng sống như biết yêu thương và chia sẻ việc nhà với cha mẹ.

Sau Tết, giáo viên có thể phối hợp Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức họp mặt đầu xuân: hát, múa, mừng tuổi đầu xuân; tổng hợp và biểu dương những bạn có nhiều việc làm tiêu biểu, thiết thực đã giúp cha mẹ trong dịp Tết.

“Những tiết học đầu năm mới, giáo viên có thể mở đầu bằng những câu chuyện vui vẻ của chính các em, chia sẻ cho thầy cô và các bạn biết gia đình đã chuẩn bị đón Tết như thế nào. Giáo viên cần hết sức nhẹ nhàng, không quát mắng khi học sinh chưa hoàn thành nhiệm vụ; đặc biệt quan tâm và khích lệ học sinh khó khăn. Việc đưa học sinh vào nền nếp học cần khéo léo, tránh áp đặt các em phải vào khuôn khổ ngay những ngày đầu quay trở lại trường sau nghỉ Tết”, cô Tô Thị Hương Giang lưu ý.

Số lượt xem : 1

Các tin khác